Nhà máy thủy điện Thác Bà (Yên Bái) có công suất hơn 120MW, 3 tổ máy, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thể phát điện do thiếu nước.

Trả lời VTC News ngày 3/7, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện Thác Bà - cho biết, đến thời điểm này nhà máy hầu như không phát điện để tích nước lên.

Từ ngày 1/6, hồ thủy điện Thác Bà đã dưới mực nước chết, Công ty CP Thủy điện Thác Bà phải chủ động dừng 2 tổ máy không phát, tổ máy số 3 tiếp tục phát điện ở mức tối thiểu (15MW) nhằm cung cấp nước cho hạ du và cung cấp điện cho đời sống của người dân cũng như đưa dần mực nước hồ lên trên mực nước chết, đảm bảo đúng quy trình điều tiết liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này hầu như các tổ máy không hoạt động.

“Sáng 3/7, lượng nước về hồ Thác Bà đạt 120 m3/s, mực nước hồ Thác Bà là 47.93 (so với mực nước chết là 46 m), không thể duy trì phát điện được vì sai lệch về giá trị cho phép rất lớn. Hiện nay chúng tôi chỉ phát rất ít chứ không ăn thua, trong cả tháng 6 đến những ngày đầu tháng 7 nhà máy mới phát được hơn 5 triệu MW. Trước kia, bình thường mỗi tháng chúng tôi phát 25- 30 triệu MW”, ông Nguyễn Mạnh Cường nói.

Ông Cường cho biết thêm, theo thống kê tình hình thủy văn vào tháng 4-5 hàng năm sẽ có lũ tiểu mãn, nhưng năm nay đến tháng 7 vẫn không có lũ. Đặc biệt từ tháng 5 đến nay lưu lượng nước về hồ so với trung bình nhiều năm chỉ bằng 40%, riêng so với 2022 chỉ bằng 22%, điều này cho thấy tình hình rất khô hạn.

Dự báo trong năm nay tình hình sản xuất thủy điện sẽ hết sức khó khăn, trong quá khứ năm 2010, 2016 đã có thời điểm mực nước hồ cũng xuống thấp nhưng vẫn đạt mức 46m, trong khi đó năm nay mực nước thấp nhất trong lịch sử nhà máy.

“Nếu lượng nước về hồ nhỏ giọt như hiện nay thì đến cuối năm 2023 cũng chưa thể phát điện được. Chúng tôi cũng hy vọng có sự thay đổi về lượng mưa ở thượng nguồn. Từ khi đi vào hoạt động, đây lần đầu tiên chúng tôi phải dừng máy phát điện sau hơn 50 năm đi vào khai thác vì không đủ nước để phát điện”, ông Cường nói.

Mực nước về thấp, nhà máy thủy điện Thác Bà gần như ngừng hoạt động. (Ảnh minh họa).

Mực nước về thấp, nhà máy thủy điện Thác Bà gần như ngừng hoạt động. (Ảnh minh họa).

Nhà máy Thủy điện Thác Bà (Yên Bái) khởi công ngày 19/08/1964. Sau hơn 10 năm xây dựng, nhà máy đã được khởi động và hòa vào lưới điện quốc gia vào ngày 5/10/1971.

Hồ Thác Bà - nơi được ví như "Hạ Long trên núi" vùng Tây Bắc - là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam được hình thành khi xây dựng nhà máy thủy điện Thác Bà. Rộng gần 20.000 ha nước mặt gồm hơn 1.300 đảo xanh lớn nhỏ, cùng hệ thống hang động đẹp ẩn sâu trong lòng những dãy núi đá vôi, hồ Thác Bà là một kỳ quan của tỉnh Yên Bái.

Diện tích vùng hồ: 23.400 ha, diện tích mặt nước: 19.050 ha, dài: 80 km, mực nước dao động từ 46 m đến 58 m, chứa được 3 đến 3,9 tỉ m3 khối nước. Diện tích lưu vực: 6.430 km2. Công suất lắp máy : 120 MW. Chiều cao lớn nhất của đập: 48m. Chiều dài đỉnh đập: 657m.

Tính đến sáng 4/7, mực nước hồ thủy điện khu vực Bắc Bộ, Đông Nam Bộ tăng nhẹ, một số hồ chứa ở lưu vực sông, suối nhỏ mực nước cao. Các hồ thủy điện lớn khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên đang nâng cao mực nước hồ chứa, phát điện theo quy trình vận hành và huy động phát điện của cơ quan điều hành.

Cụ thể, mực nước hồ/mực nước chết tại hồ Lai Châu: 292.76 m/265 m; hồ Sơn La: 186.65/175 m; hồ Hòa Bình: 99.99/80m; hồ Thác Bà: 47.93/46 m; hồ Tuyên Quang: 103.71/90m; hồ Bản Chát: 446.73/431m; hồ Trung Sơn: 156.14/150 m (qui định tối thiểu: 150.0m); hồ Bản Vẽ: 157.95/155.0 m (qui định tối thiểu: 162.8 đến 167.8 m); hồ Hủa Na: 220.50/215 m; hồ Bình Điền: 64.66/53 m (qui định tối thiểu: 63.7 đến 66.0m); hồ Hương Điền: 50.41/46 m (qui định tối thiểu: 48.6 đến 50.0m)…

Dự báo lưu lượng nước về hồ 24 giờ tới các hồ khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ tăng nhẹ; Khu vực Bắc Trung Bộ, duyện hải Nam Trung Bộ giảm nhẹ.

Cũng theo đánh giá của Cục Điều tiết Điện lực, miền Bắc đang trong thời kỳ lũ sớm. Dự kiến, trong thời gian tới lưu lượng nước về các hồ miền Bắc tiếp tục tăng và có thể đảm bảo cung cấp điện với phụ tải tính toán trung bình khoảng 421- 425 triệu kWh/ngày.

Còn theo dự báo của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), trong thời gian nắng nóng từ 2/7 đến 12/7, phụ tải miền Bắc có thể đạt trung bình khoảng 440 triệu kWh ngày (cao nhất khoảng 470 triệu kWh/ngày với công suất đỉnh đạt 23.000 MW).

Trước dự báo này, Bộ Công Thương quyết liệt chỉ đạo A0 chủ động xây dựng và thường xuyên cập nhật các kịch bản linh hoạt ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện, đảm bảo an ninh hệ thống điện. Bám sát tình hình thời tiết, thuỷ văn các hồ chứa thuỷ điện, tình hình vận hành các nguồn điện để có điều chỉnh linh hoạt, điều tiết mực nước các hồ thuỷ điện lớn đảm bảo công suất huy động và điều chỉnh tần số hệ thống điện.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng yêu cầu các đơn vị phát điện, A0 và công ty mua bán điện yêu cầu triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng điện cho những tháng cuối năm 2023, đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung khắc phục các sự cố các nhà máy điện.

Trong đó, EVN yêu cầu các đơn vị phát điện tập trung nhân lực, vật tư và các điều kiện cần thiết khắc phục, sớm đưa vào vận hành các tổ máy, lò hơi đang bị sự cố tại nhà máy nhiệt điện Phả Lại 1 và 2.

Khắc phục hiện tượng suy giảm công suất dưới định mức trong quá trình vận hành do sự cố các hệ thống phụ trợ, chất lượng nhiên liệu đầu vào, nhiệt độ nước làm mát đầu; tăng tần suất kiểm tra, theo dõi vận hành các thiết bị tại chỗ để đảm bảo độ tin cậy hoạt động của các tổ máy phát điện, phát hiện xử lý sớm các bất thường không để xảy ra sự cố, đặc biệt là sự cố chủ quan do lỗi của con người.

Các đơn vị phải chuẩn bị sẵn sàng các phương án, nhân lực, vật tư, thiết bị tại nhà máy để xử lý kịp thời nếu sự cố xảy ra nhằm khôi phục vận hành tổ máy trong thời gian sớm nhất.

PHẠM DUY / VTC News