Quân đội Mỹ đã kí hợp đồng trị giá 1,2 tỷ USD với tập đoàn quốc phòng Raytheon về việc cung cấp 6 hệ thống tên lửa phòng không tầm trung NASAMS cho Ukraine.
- NATO dự định gửi thiết bị sưởi ấm đến Ukraine
- Nga cảnh báo hậu quả nếu NATO chuyển giao tên lửa Patriot cho Ukraine
Reuters sáng nay (1/12, giờ Hà Nội) dẫn thông báo của Lầu Năm Góc xác nhận, một hợp đồng trị giá 1,2 tỷ USD đã được quân đội Mỹ kí kết với tập đoàn Raytheon về việc cung cấp 6 hệ thống tên lửa phòng không tầm trung NASAMS cho Ukraine kèm phụ tùng và một số hỗ trợ khác.
"NASAMS là hệ thống phòng thủ mới nhất được chúng tôi chuyển cho Ukraine", Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm và duy trì trang bị Bill LaPlante nói.
Các hệ thống NASAMS nằm trong gói viện trợ có tổng trị giá 2,98 tỷ USD thuộc Sáng kiến Hỗ trợ An ninh cho Ukraine (USAI), do quốc hội Mỹ lập ra, cho phép chính quyền Mỹ mua vũ khí từ các nhà sản xuất thay vì lấy từ kho dự trữ của Mỹ để chuyển tới Ukraine.
Theo Interfax, các hệ thống NASAMS gửi sang Ukraine dự kiến được chế tạo ở Massachusetts và công việc sẽ hoàn tất vào cuối tháng 11/2025. Tuy vậy, một vài hệ thống có thể được bàn giao sớm, phụ thuộc vào tiến độ chế tạo.
Mỹ những tháng qua hứa cấp cho Ukraine 8 hệ thống NASAMS, PravdaUkraine thông tin. Đầu tháng 11/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov tuyên bố nước này đã nhận hệ thống phòng không NASAMS đầu tiên từ Mỹ.
NASAMS được phát triển bởi tập đoàn Kongsberg Defence & Aerospace của Na Uy và Raytheon Mỹ, bắt đầu đưa vào biên chế từ năm 1998 và đang phục vụ trong quân đội 9 nước. Hệ thống này đáng tin cậy tới mức Mỹ đã bố trí chúng để bảo vệ thủ đô Washington DC.
NASAMS có thiết kế độc đáo, sử dụng loại đạn tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM, có tầm bắn khoảng 25-30 km và độ chính xác cao. Tổ hợp này cũng có thể khai hỏa mọi mẫu tên lửa được dùng trên tiêm kích chuẩn NATO.
Nga: Đối thoại hạt nhân chỉ diễn ra khi Mỹ dừng đưa vũ khí sang Ukraine!
Trong diễn biến liên quan, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 30/11 một lần nữa chỉ trích việc Mỹ liên tục đưa thêm những loại vũ khí mới tới vùng chiến sự Ukraine, nơi mà lực lượng Nga trực tiếp tham chiến.
Bà Zakharova nhấn mạnh, Nga coi trọng Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START). nhưng hai bên cần đạt được các điều kiện cần thiết trước khi nối lại đàm phán. Theo bà, Nga sẽ không thảo luận về New START với Mỹ chừng nào Washington tiếp tục trang bị vũ khí cho Ukraine.
"Điều đó (Mỹ gửi vũ khí sang Ukraine-PV) chỉ gây thêm đổ máu và thúc đẩy những hoạt động cực đoan. Làm sao chúng ta có thể ngồi cùng bàn với Mỹ và thảo luận về những vấn đề an ninh chung, trong đó có những chủ đề mang lại lợi ích cho họ?", bà Zakharova nói.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga ngày 28/11 thông báo hoãn cuộc họp của ủy ban tham vấn song phương Nga-Mỹ về Hiệp ước New START ban đầu dự kiến diễn ra tại Cairo, Ai Cập từ 29/11 đến ngày 6/12.
Hiệp ước New START được ký năm 2010 nhằm hạn chế kho vũ khí của Nga và Mỹ ở mức tối đa là 1.550 đầu đạn hạt nhân. Ngoài ra, Hiệp ước bắt buộc Nga và Mỹ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn, phương tiện phóng ít nhất 2 lần mỗi năm; cũng như yêu cầu các bên cho phép đối phương thanh sát các cơ sở liên quan tới vũ khí hạt nhân.
Do tác động của COVID-19 và tình hình Ukraine, hoạt động thanh sát theo khuôn khổ New START đã bị đình trệ nhiều tháng. Cộng đồng quốc tế lo ngại những bất đồng giữa Nga-Mỹ xung quanh New START có thể khiến thỏa thuận hạt nhân này đổ vỡ.
https://cand.com.vn/the-gioi-24h/my-chi-1-2-ty-usd-mua-nasams-cho-ukraine-i676165/