Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đang gấp rút hoàn tất các khâu chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh song phương diễn ra vào ngày 20-10 tới. Đây là dịp quan trọng để hai bên đánh giá lại các dự án hợp tác, thu hẹp những khác biệt xuyên Đại Tây Dương về chính sách thương mại, đặc biệt là tranh chấp liên quan tới thuế thép và nhôm.
- Kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh G20: Những kết quả đột phá
- Ấn định hội nghị thượng đỉnh Mỹ và Liên minh châu Âu
- Ông Biden thất vọng vì ông Tập không tham dự hội nghị thượng đỉnh G20
Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen sẽ đồng chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Liên minh châu Âu (EU) tại Nhà Trắng. Tại hội nghị này, các nhà lãnh đạo sẽ bàn thảo biện pháp tăng cường thúc đẩy nền kinh tế năng lượng sạch toàn cầu dựa trên chuỗi cung ứng an toàn, linh hoạt. Bên cạnh đó, hai bên sẽ tiếp tục hợp tác trong các công nghệ quan trọng và mới nổi, bao gồm cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo (AI); xem xét các hoạt động chung nhằm tăng cường khả năng phục hồi kinh tế và giải quyết thách thức liên quan.
Đáng chú ý, hai bên hiện đang nỗ lực giải quyết những bất đồng trong lĩnh vực thương mại. Brussels và Washington muốn tìm một thỏa thuận về các khoáng sản quan trọng để EU được hưởng một số miễn trừ nhất định trong Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ (IRA). Được ban hành tháng 8-2022, IRA là đạo luật chi tiêu mang tính bước ngoặt của Mỹ khi dành khoảng 370 tỷ USD để trợ cấp cho quá trình chuyển đổi năng lượng, hướng tới một nền kinh tế xanh bằng cách giảm thuế và trợ cấp cho các công ty sản xuất hoặc sử dụng công nghệ tái tạo năng lượng như ô tô điện, pin mặt trời tại nước này.
Nhưng Ủy ban châu Âu (EC) lo ngại, chính sách hỗ trợ giá này sẽ khiến các công ty châu Âu khó cạnh tranh hơn và có thể chuyển hướng đầu tư khỏi khối, dẫn tới tác động tiêu cực đến thị trường và làm phân mảnh chuỗi cung ứng quan trọng. Dù thừa nhận mục tiêu của IRA là tạo việc làm, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh nhưng các nhà lãnh đạo châu Âu cũng lo ngại đạo luật là biểu hiện của chủ nghĩa bảo hộ và có thể châm ngòi cho cuộc chạy đua trợ cấp - một cuộc chiến thương mại không có lợi cho EU. Cụ thể, IRA sẽ có tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư EU. Trong bối cảnh chi phí năng lượng tại châu Âu ngày càng tăng cao, các công ty châu Âu bị giảm khả năng cạnh tranh và IRA có thể sẽ gây hại thêm cho ngành công nghiệp của khối.
EU và Mỹ cũng hy vọng giải quyết dứt điểm được tranh chấp kéo dài về thép và nhôm từ khi Tổng thống Mỹ tiền nhiệm Donald Trump quyết định áp thuế 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu. Để trả đũa, EU cũng áp đặt 50% thuế nhập khẩu lên một loạt sản phẩm của Mỹ. Dù sau đó, hai bên đã đạt được một thỏa thuận tạm dừng “cuộc chiến thuế quan” trong thời gian 2 năm, tính từ ngày 31-10-2021. Điều này có nghĩa, nếu Mỹ và EU không tiếp tục tìm được tiếng nói chung trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới, các chính sách thuế của hai bên sẽ được kích hoạt trở lại từ sau ngày 31-10-2023 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2024.
Tại hội nghị thượng đỉnh sắp diễn ra, hai bên sẽ thảo luận về các tiêu chí nghiêm ngặt hơn đối với thép và nhôm nhằm bảo đảm định hướng của nền kinh tế xanh và tuần hoàn, cũng như các giải pháp để các khoản trợ cấp của chính phủ không tác động tiêu cực tới khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp.
Khác biệt trong quan điểm giữa Mỹ và EU hiện nay liên quan tới hàm lượng các bon trong sản phẩm kim loại. Washington đang đề xuất đánh thuế đối với thép và nhôm dựa trên lượng các bon mà các ngành công nghiệp của nước sản xuất thải ra. Cụ thể, quốc gia có lượng khí thải vượt quá tiêu chuẩn sẽ phải trả mức thuế cao hơn khi xuất khẩu kim loại sang nước có lượng khí thải thấp hơn. Các nhà sản xuất thép của Mỹ tuyên bố có mức phát thải các bon thấp nhất thế giới, một phần vì 70% thép của Mỹ được làm từ sắt vụn trong lò hồ quang điện thay vì lò cao đốt than. Các nhà sản xuất thép ở những nơi khác, kể cả ở châu Âu, phụ thuộc nhiều hơn vào than đá và kế hoạch này sẽ có lợi cho các nhà sản xuất Mỹ. Trong khi đó, ông Ola Hansén, Giám đốc Quan hệ công chúng Tập đoàn Sản xuất thép H2 Green Steel của Thụy Điển cho rằng, lượng khí thải các bon trong thép là “một câu hỏi khó”, vì bản thân các chính trị gia đang phải vật lộn với việc tìm ra cách giải quyết vấn đề này.
Đến nay, theo đánh giá của các quan chức Mỹ và EU, hai bên đã đạt được một số tiến bộ trong các cuộc đàm phán. Hội nghị thượng đỉnh sắp tới được kỳ vọng sẽ mang tới kết quả đột phá.