Mỹ lần đầu thực hiện viện trợ lương thực vào Gaza trong bối cảnh các cơ quan viện trợ cảnh báo về một thảm họa nhân đạo đang gia tăng.
- Israel bị tố bắn vào đám đông chờ viện trợ ở Gaza gây nhiều thương vong
- Ukraine 'bất lực' khi vũ khí viện trợ sắp đến hạn bảo trì, Mỹ vẫn bỏ ngỏ
Ngày 2/3 (giờ địa phương), 3 máy bay vận tải C-130 của Hoa Kỳ đã vận chuyển hơn 38.000 suất ăn dọc theo bờ Địa Trung Hải ở Gaza, nơi Liên Hợp Quốc cho biết ít nhất 576.000 người “chỉ còn một bước nữa là sa vào nạn đói”.
Đây là lần đầu tiên Mỹ thực hiện đợt thả lương thực nhân đạo vào Gaza, trong bối cảnh các cơ quan viện trợ cảnh báo về một thảm họa nhân đạo đang gia tăng nếu không có thỏa thuận ngừng bắn.
Các thùng hàng viện trợ đầu tiên của Mỹ được thả dù xuống Gaza, ngày 2/3. (Ảnh: Reuters)
Động thái diễn ra sau sự việc lính Israel bị tố nổ súng vào dân thường chờ viện trợ. Các quốc gia khác như Jordan và Pháp đã viện trợ cho Gaza theo hình thức này.
Có ý kiến hoài nghi về hiệu quả của phương pháp, cho rằng thả dù kém hiệu quả hơn nhiều so với việc vận chuyển hàng viện trợ bằng xe tải và gần như không thể đảm bảo hàng viện trợ không đến tay phiến quân Hamas.
Hàng viện trợ được chất lên máy bay C-130 của Không quân Mỹ tại một địa điểm không được tiết lộ ở Tây Nam Á, ngày 1/3. (Ảnh: Reuters)
Các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục được nối lại vào ngày 3/3. Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết nội dung về một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 6 tuần đã được soạn thảo với sự đồng ý của Israel và chỉ phụ thuộc vào việc nhóm Hamas đồng ý thả con tin hay không.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông hy vọng lệnh ngừng bắn sẽ được thực hiện trước tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo, bắt đầu vào ngày 10/3.
Trước đó vào ngày 29/2, ít nhất 118 người đang xếp hàng nhận viện trợ đã thiệt mạng do hỏa lực Israel. Cơ quan y tế tại Gaza gọi đây là “một vụ thảm sát”.
Israel phản bác những con số đó và cho biết hầu hết nạn nhân đều bị giẫm đạp hoặc cán qua, đồng thời "một cuộc điều tra toàn diện, trung thực" về vụ việc.
Theo số liệu của cơ quan y tế tại Gaza, xung đột đã khiến 30.320 người Palestine thiệt mạng và 71.533 người bị thương, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, tính đến ngày 2/3.
Liên Hợp Quốc cho biết chiến sự khiến hơn một triệu người ở Gaza phải di tản trong bối cảnh thiếu thực phẩm, nước sạch và thuốc men. Khoảng 60% hạ tầng tại khu vực bị hư hại hoặc phá hủy.
Israel đã phát động cuộc tấn công vào Gaza để đáp trả cuộc tập kích ngày 7/10 của Hamas, khiến 1.200 người ở Isael thiệt mạng và 253 người khác bị bắt làm con tin.