Mỹ lần đầu tổ chức đối thoại cấp tổng thống với 5 quốc gia Trung Á trong nỗ lực tăng cường ảnh hưởng tại khu vực này nhằm cạnh tranh trực diện với Trung Quốc và Nga.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan Jake Sullivan cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp lãnh đạo của 5 quốc gia Trung Á (Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan) vào ngày 19/9, bên lề phiên họp cấp cao lần thứ 78 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại Mỹ từ 17/9-23/9.

Khi được hỏi liệu Mỹ thông qua hội nghị thượng đỉnh C5+1 (5 nước Trung Á và Mỹ) để gửi một tín hiệu nhất định tới Trung Quốc hay không, ông Sullivan tuyên bố hội nghị thượng đỉnh này không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào.

"Mỹ hy vọng có thể hợp tác với các quốc gia này để phát triển một chương trình nghị sự tích cực và hy vọng có thể đưa ra một tuyên bố chung liệt kê những điều cụ thể mà các nước dự định hợp tác và đạt được trong các lĩnh vực then chốt", Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cho hay.

Một bài báo phân tích trên tờ Wall Street Journal cho rằng, Mỹ cần xây dựng một cách "tiếp cận chiến lược" đối với trung tâm Á - Âu vì Mỹ có ít ảnh hưởng hơn trong khu vực này so với Nga và Trung Quốc.

Vào thời điểm cả Moskva và Bắc Kinh đều đang phải đối mặt với những thách thức, Washington có thể xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Trung Á.

Bài báo chỉ ra rằng, xét đến việc Nhà Trắng thậm chí không đề cập đến Trung Á trong “Phương pháp tiếp cận chiến lược an ninh quốc gia tạm thời” vào năm 2021, hội nghị thượng đỉnh này là "một dấu hiệu tiến bộ thực sự".

cang-dau-o-trung-a-01-09380759
Một cảng xuất khẩu dầu của Kazakhstan. (Ảnh: SRB)

Trương Hồng, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết trong cuộc phỏng vấn với Thời báo Hoàn Cầu rằng Đông Á và Châu Âu là hai hướng chính của chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ.

"Một là Trung Quốc và một là Nga, đây là những nước... là mối đe dọa và đối thủ cạnh tranh chính với Washington", Trương nói.

Vị chuyên gia chỉ ra rằng Trung Á thực sự không phải là hướng chính của Mỹ nhưng khu vực này lại tiếp giáp với Nga và Trung Quốc. Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine, giá trị ảnh hưởng địa chính trị của Trung Á ngày càng tăng, do đó Mỹ không còn có thể bỏ qua Trung Á khi muốn cạnh tranh trực diện với Trung Quốc và Nga.

"Đặc biệt trong 2 năm qua, Trung Á tích cực hơn trong trao đổi đa phương, Mỹ cho rằng cần củng cố quan hệ ngoại giao với các nước Trung Á và không thể vắng mặt trong cạnh tranh khu vực", Zhang cho hay.

Cũng theo vị chuyên gia đến từ Trung Quốc, Mỹ có thể muốn lợi dụng xung đột giữa Nga - Ukraine để duy trì sự “độc lập” của các nước Trung Á về mặt ngoại giao và giữ khoảng cách với Nga, "đây vừa là áp lực, vừa là cám dỗ".

Trương Hồng cho rằng, các nước Trung Á không sẵn sàng chọn phe trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc nhưng có xu hướng duy trì sự cân bằng giữa các cường quốc và duy trì quan hệ ngoại giao tương đối thân thiện với Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, châu Âu và Mỹ. Điều này sẽ giúp nâng cao vị thế của Trung Á trong các vấn đề toàn cầu và khu vực.

Hoa Vũ / VTC News