Mỹ được cho đã lên kịch bản sơ tán hàng chục nghìn công dân của nước này khỏi Đài Loan trong trường hợp xảy ra xung đột trên hòn đảo này.
- Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận máy bay sơ tán công dân bị bắn ở Sudan
- Mỹ rút hết quân, phải sơ tán công dân theo đường ngoại giao
Tờ Messenger dẫn lời một quan chức tình báo Mỹ giấu tên tiết lộ, kế hoạch sơ tán công dân khỏi Đài Loan được Washington đưa ra thảo luận trong những tháng gần đây, thời điểm căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan không ngừng nóng lên.
Cũng theo Messenger, nếu xung đột nổ ra, hàng chục nghìn người Mỹ có thể mắc kẹt lại hòn đảo.
Nguồn tin này cũng cho biết, quá trình lên kế hoạch sơ tán khỏi Đài Loan đã được Mỹ tiến hành trong ít nhất sáu tháng qua, cùng với đó là căng thẳng với Trung Quốc cũng tăng lên trong hai tháng gần đây. Mức độ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang đẩy nhanh quá trình này.
Máy bay quân sự chở một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đến sân bay Tùng Sơn ở Đài Bắc, Đài Loan vào tháng 6/2021. (Ảnh: AP)
Một nguồn tin khác cho rằng hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine đã buộc Mỹ phải cân nhắc cho một kế hoạch sơ tán ở Đài Loan, bởi hòn đảo có thể sẽ là điểm nóng cho bất kỳ cuộc đối đầu nào giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mỹ đã sơ tán hầu hết nhân viên đại sứ quán khỏi Kiev hai tuần trước khi quân đội Nga tiến vào Ukraine, sau khi cảnh báo công dân Mỹ trong nhiều tháng rời khỏi quốc gia Đông Âu này.
Hiện Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn chưa đưa cảnh báo đối với công dân nước này về việc đi du lịch đến Đài Loan và hiện chỉ định hòn đảo này ở mức thấp nhất trong bốn cấp tư vấn du lịch. Theo các nguồn tin của Messenger, việc lập kế hoạch sơ tán đang được giữ bí mật “vì đây là một chủ đề nhạy cảm đối với chính quyền Đài Loan.”
Mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ không bình luận về bài viết của Messenger, nhưng một quan chức của bộ nói rằng việc giữ bí mật cho một kế hoạch sơ tán không có gì lạ.
Tính đến năm 2019, có hơn 80.000 người Mỹ đang sinh sống ở Đài Loan. Các yếu tố địa lý sẽ khiến việc sơ tán những người này trở nên khó khăn, một nguồn tin cho biết.
Đồng thời giải thích rằng nhiều điểm trên đảo được kết nối bằng các tuyến đường duy nhất đi qua các đường hầm và các tàu sơ tán sẽ phải len lỏi qua các hạm đội quân sự đang tiến về Đài Loan.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang sử dụng chính sách ngoại giao đối đầu với Trung Quốc kể từ năm 2021, liên tục đưa ra các tuyên bố coi Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Washington trong khi mở rộng hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực.
Ngoài việc ký kết các thỏa thuận quân sự và kinh tế mới với các đồng minh châu Á, ông Biden còn gửi tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan gần như hàng tháng kể từ khi nhậm chức (2021). Trung Quốc coi các cuộc tập trận “tự do hàng hải” này là hành động khiêu khích, và thường đáp trả bằng các cuộc tập trận quân sự tương ứng.
Kể từ năm 2021, ông Biden cũng đã bốn lần tuyên bố rằng ông sẽ đáp trả bằng vũ lực nếu Bắc Kinh cố gắng dùng vũ lực để thống nhất Đài Loan. Trung Quốc kịch liệt lên án những tuyên bố này là vi phạm chính sách lâu dài của Mỹ trong việc công nhận, nhưng không xác nhận, chủ quyền của họ đối với hòn đảo này.
https://vtc.vn/my-len-kich-ban-so-tan-cong-dan-khoi-dai-loan-ar799309.html