Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận, một chiếc máy bay tham gia hoạt động sơ tán công dân hạ cánh xuống đường băng sân bay Wadi Seidna ở Sudan đã bị bắn, nhưng không có ai thương vong.
- Thổ Nhĩ Kỳ ra mắt tàu sân bay ‘không người lái’ đầu tiên trên thế giới
- Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ xin lỗi người dân vì cứu hộ chậm trễ
“Vũ khí hạng nhẹ đã bắn vào chiếc máy bay sơ tán C-130 của chúng tôi. Máy bay này đến Wadi Seidna để thực hiện nhiệm vụ sơ tán công dân Thổ Nhĩ Kỳ đang mắc kẹt ở Sudan, nơi các cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn. Máy bay đã hạ cánh an toàn. Mặc dù không có thương tích nào về người, nhưng các cuộc kiểm tra cần thiết đang được tiến hành trên máy bay này”, thông báo của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đăng trên Twitter nêu rõ.
Trước đó, quân đội Sudan cho hay, chiếc máy bay nêu trên đã bị trúng hỏa lực của RSF khiến một thành viên phi hành đoàn bị thương và làm hư hại máy bay.
Trong khi đó, Reuters cho biết, RSF đã phủ nhận việc bắn vào một máy bay Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời nhấn mạnh quân đội Sudan đang “lan truyền những lời dối trá”.
“Các lực lượng của chúng tôi vẫn cam kết nghiêm túc với thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo mà chúng tôi đã nhất trí từ nửa đêm và thông tin về việc chúng tôi nhắm mục tiêu vào bất kỳ máy bay nào trên bầu trời Wadi Seidna ở Omdurman là không đúng sự thật”, RSF cho biết trong một tuyên bố.
Một vận tải cơ C-130 Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh minh hoạ) |
Diễn biến trên xảy ra trong bối cảnh các bên tham gia cuộc giao tranh ở Sudan thông báo đã đồng ý gia hạn ngừng bắn thêm 72 giờ kể từ ngày 28-4-2023. Hôm 27-4, Lực lượng Vũ trang Sudan và Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự, đều tuyên bố gia hạn ngừng bắn trước khi thỏa thuận ngừng bắn trước đó kết thúc vào lúc nửa đêm.
Mặc dù vậy, đụng độ vẫn xảy ra trong thời gian ngừng bắn ở Thủ đô Khartoum và ở bang West Darfur, phía Tây Sudan. Giới chức y tế Sudan cho biết, ít nhất 512 người đã thiệt mạng kể từ khi bạo lực nổ ra hôm 15-4 vừa qua.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 27-4 đã thảo luận về vấn đề Sudan tại Washington. Trước hội đàm, ông Blinken nói rằng Mỹ và Liên hợp quốc đang hợp tác chặt chẽ để hướng tới ngừng bắn lâu dài, đồng thời giúp chính phủ dân sự trở lại lãnh đạo ở Sudan.
Ngày càng có nhiều người trốn khỏi Sudan sang các nước láng giềng mặc dù đã có lệnh ngừng bắn. Hôm 27-4, Chính phủ Ai Cập cho biết nước này đã tạo điều kiện cho hơn 16.000 người không phải là công dân Ai Cập từ Sudan bỏ chạy qua biên giới Ai Cập. Theo Cairo, trên 14.000 người trong số đó là người Sudan và số còn lại là người nước ngoài.
Sudan nằm ở khu vực Đông Bắc châu Phi, giáp với Biển Đỏ, có dân số gần 48 triệu người. Giao tranh nổ ra sau những tuần căng thẳng về việc sáp nhập RSF vào quân đội chính quy.