Mỹ được cho là đang tìm cách cung cấp cho Australia tàu ngầm hạt nhân tiên tiến vào những năm 2030.
- Đức sẽ đàm phán với Thụy Sĩ về bãi thải hạt nhân gây tranh cãi
- Nga: Học thuyết hạt nhân sẽ áp dụng với cả "vùng lãnh thổ mới"
- Tia hi vọng mới cho thỏa thuận hạt nhân Iran
Tờ Wall Street Journal hôm 23/9 đưa tin, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách xúc tiến việc sản xuất tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia với việc sẽ đóng "một vài chiếc" đầu tiên trên đất Mỹ.
Wall Street Journal dẫn nguồn quan chức phương Tây cho hay, theo thoả thuận AUKUS giữa Mỹ, Anh và Australia, Washington và London sẽ cung cấp cho Canberra một số tàu ngầm hạt nhân vào giữa những năm 2030, đồng thời tạo cơ sở cho việc sản xuất lâu dài các tàu tại Australia.
Tàu ngầm hạt nhân Virginia của Mỹ. (Ảnh minh họa: Top war).
Động thái này được cho là đang được các quan chức cấp cao của Mỹ, Australia và Anh nghiên cứu. Cả ba quốc gia đều là thành viên của AUKUS, một hiệp ước an ninh được công bố vào tháng 9/2021.
Bên cạnh việc thúc đẩy “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” theo thoả thuận AUKUS, Mỹ và Anh cũng dự kiến cung cấp cho Australia các tàu ngầm được trang bị thông thường và chạy bằng năng lượng hạt nhân. Điều này sẽ giúp tăng cường đáng kể năng lực cho lực lượng hải quân Australia.
Theo Wall Street Journal, các quan chức phương Tây muốn giúp Australia triển khai hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhanh hơn. Tuy nhiên, thỏa thuận để xúc tiến quá trình vẫn đang chờ phê duyệt, và quyết định cuối cùng dự kiến được đưa ra vào tháng 3 năm sau.
Trong khi các thành viên AUKUS cho rằng, hiệp ước chỉ nhằm mục đích bảo vệ hệ thống quốc tế, Trung Quốc nhiều lần chỉ trích thoả thuận tàu ngầm giữa Mỹ, Anh và Australia và cho rằng dự án này gây ra rủi ro nghiêm trọng đối với an ninh hạt nhân.
Hồi tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cảnh báo AUKUS có thể “kích nổ” toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã bác bỏ quan điểm này, nói rằng Washington không tìm cách thành lập “NATO châu Á”.