Tổng thống Donald Trump hôm 12-5 tuyên bố Washington đang đứng ở vị trí họ muốn trong tiến trình đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
"Hãy nhớ rằng họ phá vỡ thỏa thuận với chúng ta rồi tìm cách tái thương lượng" - Tổng thống Trump khẳng định trên mạng xã hội Twitter, đồng thời nói rằng người tiêu dùng Mỹ có thể mua hàng nội địa hay từ những quốc gia thay thế Trung Quốc.
Tuyên bố trên được ông Trump đưa ra 2 ngày sau khi vòng đàm phán mới nhất ở thủ đô Washington kết thúc mà không đạt được thỏa thuận. Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dự kiến đến Bắc Kinh trong vài tuần tới để tiếp tục đàm phán, theo báo South China Morning Post (SCMP).
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang căng thẳng vào ngày 10-5, thời điểm quyết định của Mỹ về việc tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chính thức có hiệu lực. Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cũng đã nhận được yêu cầu bắt đầu quá trình tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 325 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu còn lại của Trung Quốc.
Tổng thống Trump đã cảnh báo Trung Quốc rằng cuộc chiến thương mại sẽ diễn ra khốc liệt hơn rất nhiều nếu ông tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020. Cùng ngày, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow khẳng định 2 nước sẽ chịu tổn thất nặng nề nếu chiến tranh thương mại leo thang căng thẳng. Ông Kudlow cho biết Tổng thống Trump nhiều khả năng sẽ có cuộc gặp bên lề với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào cuối tháng 6.
Truyền thông Trung Quốc hôm 13-5 đồng loạt tuyên bố Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ. "Đừng mong đợi Trung Quốc sẽ nuốt trái đắng, chấp nhận thiệt hại lợi ích quốc gia cốt lõi" - báo People’s Daily tuyên bố, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh sẵn lòng đám phán nhưng sẽ không từ bỏ những vấn đề quan trọng mang tính nguyên tắc. Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn cầu khẳng định Trung Quốc không có lý do để sợ chiến tranh thương mại.
Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất động cơ ôtô Power Xinchen ở TP Miên Dương - Trung Quốc hôm 28-3. Ảnh: REUTERS
Tại buổi họp báo cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng, nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ không bao giờ đầu hàng trước áp lực từ bên ngoài nhưng không tiết lộ kế hoạch đáp trả cụ thể. Trước đây, Bắc Kinh tuyên bố tăng thuế đáp trả Mỹ gần như tức thì sau khi lệnh tăng thuế của Mỹ chính thức có hiệu lực.
Trong khi đó, ông Ngụy Kiến Quốc, cựu Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc chịu trách nhiệm về ngoại thương, cảnh báo Bắc Kinh sẵn sàng mở rộng quy mô, cũng như kéo dài cuộc chiến thương mại với Mỹ. "Trung Quốc không chỉ là một bậc thầy kung-fu mà còn là một võ sĩ boxing dày dạn kinh nghiệm có thể tung ra cú đấm kết liễu đối thủ" - ông Ngụy tuyên bố, đồng thời khẳng định nông sản Mỹ, đặc biệt là ngũ cốc, bắp và thịt heo, sẽ là mục tiêu hàng đầu trong chiến lược đáp trả của Trung Quốc.
Cũng theo ông Ngụy, Bắc Kinh còn có thể áp đặt lệnh trừng phạt lên máy bay và ôtô Mỹ, khiến những sản phẩm này khó vào thị trường Trung Quốc hơn.
Kể từ khi nổ ra vào năm 2018, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã gây ra tác động tiêu cực đối với kinh tế toàn cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khẳng định sự leo thang căng thẳng của cuộc chiến này là một trong những yếu tố khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm nghiêm trọng vào cuối năm ngoái. IMF cũng đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu của năm 2019.
Ông Vương Nghị: Mỹ - Trung đủ 'trí tuệ' để đàm phán thành công Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lạc quan về các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. |
Mỹ - Trung giao tranh thương mại, Apple dính đạn lạc Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang khiến thị trường chứng khoán toàn cầu chấn động. Giá cổ phiếu Apple sụt giảm đặc ... |
Cao Lực