Mỹ quyết tâm mở căn cứ quân sự ở Moldova, hợp lực với Ukraine để vây chặt quân Nga ở Cộng hòa Pridnestrovie Moldova tự xưng (PMR).
Mỹ phớt lờ Tổng thống, quyết mở căn cứ quân sự ở Moldova
Mới đây kênh truyền hình RT đã đưa tin rằng, Hải quân Mỹ đang tìm kiếm nhà thầu xây dựng các cơ sở quân sự tại căn cứ huấn luyện ở Bulboaca của Moldova.
Theo kênh RT, phần chỉ dẫn với nhà thầu tương lai đưa ra các yêu cầu: "Thiết kế và xây dựng các cơ sở để huấn luyện hoạt động quân sự khu vực đô thị". Trong đó có văn phòng, khách sạn, nhà ở, trạm dịch vụ, trường học, trung tâm mua sắm và các tòa nhà khác. Hợp đồng này trị giá 250 nghìn dollars.
Tổng thống Moldova Igor Dodon cho biết rằng, kế hoạch của Mỹ xây dựng tám cơ sở quân sự mới tại căn cứ ở làng Bulboaca của Moldova đã không nhận được sự chấp thuận của ông và là một sự khiêu khích.
"Tôi coi kế hoạch này là một sự khiêu khích mới của chính phủ Moldova. Kế hoạch xây dựng các cơ sở quân sự phải nhận sự chấp thuận của tổng thống, bởi vì tổng thống còn là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang. Nhưng, kế hoạch này đã không nhận được sự chấp thuận của tôi. Chúng tôi sẽ làm sáng tỏ vấn đề này…" - ông Dodon nói.
Trả lời câu hỏi liệu ông có khả năng ngăn chặn xây dựng các cơ sở quân sự ở nước này của Mỹ hay không, Tổng thống Moldova Igor Dodon cam kết sẽ đối phó với kế hoạch của Hoa Kỳ. Ông cho biết, "tôi nhất định sẽ làm như vậy, nhưng trước hết nên làm sáng tỏ vấn đề".
Căn cứ quân sự Bulboaca chỉ cách biên giới với nước Cộng hòa không được công nhận Pridnestrovie (hay còn gọi là Transnistria) vài chục cây số. Vào tháng 8, tại căn cứ này đã tổ chức cuộc tập trận chung Mỹ - Moldova mang tên "Dragoon Pioneer".
Tuy nhiên, Tổng thống Moldova đã nhiều lần lên tiếng chống lại kế hoạch gia nhập Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương của Thủ tướng nước này là ông Pavel Filip. Ông Dodon cũng không tán thành sự tham gia của các quân nhân Moldova trong các cuộc diễn tập quân sự của NATO.
Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga hiện đang bảo vệ chính quyền ly khai ở Pridnestrovie |
Theo ý kiến của Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự Mỹ ở làng Bulboaca cho thấy rằng, Hoa Kỳ bắt đầu đào tạo lính biệt kích và các đơn vị đặc nhiệm trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột mới với Pridnestrovie.
Trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik, nhà phân tích chính trị Valery Korovin, đồng thời là Giám đốc Trung tâm phân tích địa chính trị Nga bày tỏ ý kiến rằng, Moldova có thể trở thành một bàn đạp kế tiếp cho kế hoạch bành trướng của Mỹ sang hướng Đông.
Ông Valery Korovin cho rằng, Moldova có thể trở thành một bàn đạp kế tiếp cho kế hoạch bành trướng của Mỹ trên lục địa Á-Âu.
"Pridnestrovie là một ranh giới địa-chính trị trên lục địa Âu Á. Sự tồn tại của nước Cộng hòa này mâu thuẫn với chủ trương địa-chính trị của Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương, vốn có thái độ thù địch với bất cứ biểu hiện của chính sách đa cực trên lục địa Á-Âu.
Do đó, “người ta” (chỉ Mỹ) sẽ làm tất cả để xóa bỏ “sự hiện diện Nga" (lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga ở Pridnestrovie).
Người Mỹ khá công nhiên nói về chiến lược và phương pháp của mình. Họ công bố đấu thầu mà không được sự chấp thuận của Tổng thống kiêm Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Moldova. Điều nàygiống như một tuyên ngôn của Mỹ trước cộng đồng quốc tế là: Toàn thế giới là của Mỹ.
Washington cho rằng, tất cả những gì không do Mỹ kiểm soát và tác động đều là những “lỗ đen” - như từ dùng của Zbigniew Brzezinski, là không gian chưa được khai phá, cần được bao phủ bằng “mạng lưới che chở của Mỹ” với sự kiểm soát theo mô hình “Mẫu quốc - thuộc địa”.
Hoa Kỳ là một mạng lưới đế chế mới, khai thác tất cả các không gian mà họ nắm được để phục vụ lợi ích Mỹ. Vì thế Moldova trở thành một bàn đạp kế tiếp để mở rộng sự bành trướng của Hoa Kỳ trong lòng lục địa Á-Âu" - ông Valery Korovin nói trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.
Mỹ-Moldova-Ukraine siết chặt vòng vây quân Nga ở Pridnestrovie
Xung đột quân sự giữa Moldova và nhà nước ly khai Cộng hòa Pridnestrovie Moldova tự xưng (PMR) bắt đầu từ tháng 3/1992 và chấm dứt bằng một thỏa thuận ngừng bắn năm 1992, với sự giám sát của một cơ quan quân sự quốc tế là Ủy ban Kiểm soát Liên hiệp ba bên Nga, Moldova, Transnistria.
Hòa bình trong khu vực xung đột được duy trì nhờ sự hỗ trợ của lực lượng bao gồm 402 quân nhân Nga (cùng lực lượng bảo đảm, tổng cộng khoảng 1400 người), 492 quân nhân Transnistria, 355 quân nhân của Moldova và 10 quan sát viên quân sự từ Ukraine.
Lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế được triển khai tại 15 đồn cố định và trạm kiểm soát, bố trí tại các địa bàn then chốt trong vùng, chịu trách nhiệm giám sát các thỏa thuận an ninh trong khu phi quân sự, bao gồm 20 địa phương ở cả hai bên bờ sông. Trong đó, vai trò quan trọng nhất thuộc về Nga.
Từ đó đến nay, vùng lãnh thổ ly khai Pridnestrovie liên tục đòi sáp nhập vào Nga, nhưng vì những lí do riêng, Moscow đã không tiếp nhận yêu cầu này và tiếp tục dùng lực lượng gìn giữ hòa bình để giữ vững trạng thái “độc lập không chính thức” của họ.
Số lượng người gốc Nga và người nói tiếng Nga chiếm tỷ lệ lớn ở Moldova và Pridnestrovie nên dân chúng Moldova và Pridnestrovie luôn muốn chính quyền tiếp tục duy trì quan hệ chặt chẽ với Nga, không muốn bài xích và đoạn tuyệt quan hệ với Moscow.
Một vấn đề khác là đa số dân nước này muốn đất nước tiếp tục đi theo con đường trung lập, hộ sự phát triển quan hệ hợp tác với cả Nga và EU; chống việc trực tiếp gia nhập NATO và các hình thức gia nhập gián tiếp như sáp nhập vào quốc gia NATO Romania.
Pridnestrovie nằm kẹp giữa lãnh thổ của Moldova và Ukraine |
Hiện Pridnestrovie hiện cùng với 3 quốc gia không được công nhận khác là Nagorno-Karabakh (tách ra từ Azerbaijan, muốn sáp nhập vào Armenia), Abkhazia và Nam Ossetia (chính thức độc lập khỏi Gruzia năm 2008) hình thành Cộng đồng vì Dân chủ và Quyền của các Dân tộc; liên kết với 2 nước ly khai khác là Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine.
Để chống lại vòng vây của NATO đang siết chặt quanh mình, Moscow đã sử dụng rất hiệu quả con bài "ly khai, đòi độc lập" ở các quốc gia này để cài cắm thế lực của Nga ở vùng này, nhằm ngăn chặn khả năng gia nhập NATO hoặc ít nhất cũng khống chế được cục diện đất nước đó.
Do đó, chính quyền Kiev cũng đang rất lo lắng lực lượng quân sự Nga hiện diện ở Pridnestrovie sẽ hỗ trợ quân sự cho lực lượng thân Nga rất đông đảo ở Odessa gây ra một sự kiện Crimea hay Donbass mới ở tỉnh có vị trí chiến lược hết sức quan trọng bên bờ Biển Đen này.
Còn Mỹ và NATO không muốn có 1 lực lượng quân sự Nga như một cái dằm trong lòng các quốc gia NATO ở Đông Âu sát bên bờ phía Tây Biển Đen, làm chỗ dựa cho các thế lực thân Nga ở Đông Âu và hỗ trợ lực lượng đòi li khai ở vùng Odessa của Ukraine.
Giới chức lãnh đạo Moldova và Mỹ-NATO không bao giờ muốn ảnh hưởng của Nga lan rộng trong xã hội Moldova và toàn khu vực Đông Âu, do đó, đã không ít lần Moldova đề nghị rút quân Nga ra khỏi khu vực ly khai Pridnestrovie nhưng Moscow không chấp thuận.
Bởi vậy, giới phân tích nhận định rằng, việc Mỹ quyết tâm mở căn cứ quân sự ở Moldova là để hợp lực với Ukraine bao vây chặt lực lượng quân sự Nga ở Pridnestrovie.