Nguyễn Đức Quỳnh, 22 tuổi, vừa là thủ khoa "đầu vào" lẫn "đầu ra" của Trường ĐH Lâm nghiệp. 9X cũng đã đạt được đai Đỏ và từng có thời gian được đi làm trợ giảng võ thuật giúp thầy.
Vừa có kết quả thi cao nhất lúc vào trường cách đây 4 năm, đến giờ, Quỳnh cũng là người duy nhất có kết quả này trong số 84 thủ khoa các trường đại học, học viện trên địa bàn Hà Nội năm 2017.
Cú đúp thủ khoa
Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc chàng cử nhân khoa Quản lý tài nguyên rừng và môi trường, ngành Quản lý tài nguyên rừng này là một khuôn mặt sáng với nụ cười luôn thường trực trên môi.
Nguyễn Đức Quỳnh. Ảnh: NVCC
Sinh ra trong gia đình thuần nông có 4 anh chị em, cuộc sống chỉ trông vào mấy sào ruộng, các anh chị của Quỳnh khi đi học đều lần lượt phải đi làm thêm để có thêm tiền trang trải cho sinh hoạt, giảm bớt gánh nặng đè lên đôi vai cha mẹ.
Không ngoại lệ, dù là con út, Quỳnh cũng theo chân anh chị, đi làm thêm ở vườn ươm cây giống gần trường, rồi đi nhập số liệu, xử lý số liệu,…để trang trải phần nào chi phí học tập. Tới cuối năm thứ 3 và năm cuối thì đi điều tra thực địa với các thầy để lấy kinh nghiệm.
Chàng trai trẻ luôn dặn bản thân mình phải nỗ lực không ngừng để vươn lên thoát nghèo.
Giữ được vị trí thủ khoa sau 4 năm học, Quỳnh cho hay cách học của mình không có gì quá đặc biệt.
Mỗi giờ lên lớp, cậu sinh viên đến từ Lai Châu đều tập trung lắng nghe bài giảng kết hợp với tìm tòi học hỏi thêm các tài liệu trên thư viện hay trên mạng internet.
Để có thời gian cũng như tinh thần học tập tốt nhất, Quỳnh cũng lên kế hoạch để phân bổ thời gian hợp lý giữa việc học, giải trí và hoạt động tình nguyện.
Tuy nhiên, trước mỗi kỳ thi, Quỳnh luôn danh một sự tập trung cao độ để hệ thống lại và nắm vững được kiến thức của môn học.
Quỳnh cho rằng chỉ khi tiếp cận các các môn học bằng một sự say mê, yêu thích thật sự thì việc học mới đạt được hiệu quả cao nhất.
Quỳnh chia sẻ kỉ niệm đáng nhớ nhất của mình trong quãng thời gian sinh viên có lẽ là 1 tháng thực tập gian khổ cùng các bạn tại Vườn quốc gia Cát Bà với những điều kiện thiếu thốn.
“Công viêc lại vất vả khi mỗi ngày phải đi bộ hàng chục cây số trong rừng để điều tra nghiên cứu nơi đây. Cuộc sống trên đảo thiếu thốn nhiều mặt như hàng ngày nhà ăn chỉ nấu 1 bữa cơm tối nên chỉ được ăn 1 bữa cơm duy nhất vào buổi tối, còn lại 2 bữa sáng và trưa chỉ ăn mì tôm. Tuy vất vả nhưng mình cảm nhận được rõ tình cảm bạn bè cùng nhau vượt khó, sự gắn bó trở nên thân thiết trong những lúc khó khăn. Đó là điều vô cùng đáng nhớ mà đến giờ mỗi khi nhắc đến ai nấy đều xúc động”, Quỳnh kể.
Với những nỗ lực không mệt mỏi, Quỳnh đạt danh hiệu sinh viên giỏi trong tất cả các năm học và được đánh giá là sinh viên xuất sắc toàn khóa học 2013-2017 khi đạt điểm tích lũy 3.77/4.
Không chỉ học giỏi, Quỳnh còn tích cực tham gia các hoạt động, Đoàn, Hội của khoa, trường như Tiếp sức mùa thi, hiến máu nhân đạo,...
Cuối năm thứ 3 đại học, Quỳnh cũng được kết nạp và trở thành Đảng viên.
Hạt giống tốt vứt đâu cũng có thể nảy mầm
Ngoài thời gian học tập trên trường, Quỳnh đặc biệt yêu thích võ thuật và đã theo học võ cổ truyền suốt 4 năm đại học tại Võ đường Mai Sơn Lâm.
9X cũng đã đạt được đai Đỏ và từng có thời gian được đi làm trợ giảng võ thuật giúp thầy.
Nguyễn Đức Quỳnh (bên trái)
Việc học võ ngoài giúp giảm căng thẳng sau những giờ học, nâng cao sức khỏe bản thân thì quá trình tập luyện gian khổ cũng giúp rèn luyện nhân cách, ý chí, nghị lực và tự tin để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Qua đó, Quỳnh còn có cơ hội được có thêm nhiều bạn bè, huynh đệ thân thiết và sẵn sàng giúp đỡ em trong quá trình học tập và cuộc sống.
Với thành tích học tập tốt, Quỳnh đã nhận được một số lời mời từ các doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức phi chính phủ.
Tuy nhiên, Quỳnh gác lại những cơ hội đó để xác định trở về quê hương Lai Châu.
Dù chưa biết tại địa phương có những chính sách tạo điều kiện cho những người có kết quả tốt nghiệp cao hay không nhưng Quỳnh vẫn tin rằng việc lựa chọn về quê để lập thân, lập nghiệp sẽ có ý nghĩa với nơi mà mình được sinh ra và lớn lên.
Quỳnh có niềm yêu thích với võ thuật.
Quỳnh thú thật: “Em rất muốn được về công tác tại quê hương để được cống hiến sức mình xây dựng quê hương cũng như có điều kiện gần gũi gia đình. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có nơi nào nhận và cũng chưa biết liệu tỉnh em có chính sách gì để ưu đãi cũng như thu hút các thủ khoa về làm việc hay không?”.
Tôi hỏi tấm bằng thủ khoa hẳn sẽ khiến em tự tin hơn khi đi tìm việc, Quỳnh đáp:
“Thực ra đối với em thì tấm bằng thủ khoa không quá quan trọng. Chưa kể, nhiều khi nó còn là mặt trái bởi khiến người ta kỳ vọng quá nhiều. Dù có danh hiệu thủ khoa hay không thì em sẽ vẫn tự tin khi đi xin việc thôi. Như bố vẫn thường nhắn nhủ rằng đã là hạt giống tốt thì vứt ở đâu cũng có thể nảy mầm tươi tốt. Nếu mình thật sự có năng lực thì đâu cần phụ thuộc vào tấm bằng đâu anh”.
Nói thêm về cơ hội khác nếu "trượt là người Nhà nước", Quỳnh cho hay:
"Nếu không có cơ hội để công tác tại quê hương thì có thể khi đó em sẽ xin vào các công ty tư nhân hoặc các tổ chức phi chính phủ để làm. Nhưng như vậy chắc sẽ ở một tỉnh thành khác vì quê em hiện không có các công ty những lĩnh vực đấy!".
Giá như tôi có thể chăn lợn như em Dù người đời có nói hươu nói vượn về kinh nghiệm sống và sự chủ động trong công việc cũng không làm suy suyển sự ... |
Nữ thủ khoa Sư phạm đi chăn lợn: Đừng chỉ “há miệng chờ sung”! Dù có là thủ khoa đi chăng nữa nhưng cũng cần phải biết tạo cơ hội cho bản thân mình, đừng chờ ai ban phát ... |
Đầu vào 3 điểm/môn, đầu ra... chăn lợn là bình thường?! Khi viết những dòng này, tôi cũng vừa đọc được thông tin có một trường phía Nam vừa mời thủ khoa chăn lợn Bùi Thị ... |
Thủ khoa Sư phạm đi chăn lợn: Phải sống bản lĩnh Tôi nghĩ, một sinh viên giỏi không chỉ là lý thuyết mà cần phải giỏi trong tất cả các lĩnh vực, không ngại va chạm ... |
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/guong-mat-tre/thu-khoa-kep-dai-hoc-co-nang-luc-that-thi-khong-can-phu-thuoc-vao-tam-bang-404088.html