Sau tiếng nổ "rung chuyển trời đất", cả làng Quan Độ (Bắc Ninh) túa ra đường, đạp trên những mảnh vỡ, đầu đạn cũ tháo chạy.
Sau tiếng nổ, làng mạc tan hoang. Ảnh: Giang Huy. |
Trưa 3/1, ngồi chăm vợ tại khoa Ngoại thần kinh lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh, ông Đặng Đình Hộ (49 tuổi) vẫn còn đau đầu vì sức ép vụ nổ ở làng Quan Độ, xã Văn Môn (Yên Phong, Bắc Ninh). Vợ ông, bà Nghiêm Thị Hằng (48 tuổi) nằm mê man trên giường bệnh, đầu băng bó.
4h30, như mọi ngày vợ chồng ông bà dậy chuẩn bị đi tập thể dục thì nghe một tiếng rít lớn, tiếp đó là tiếng nổ chói tai, "trời đất rung chuyển". Một cơn mưa đầu đạn dội xuống nhà, xuyên thủng tường.
"Tiếng nổ kinh khủng lắm, cảm tưởng như có chiếc máy bay đâm vào nhà. Tôi ù hết tai, ngã ra nhà. Vợ tôi ở ngoài hét lên bảo bị chảy máu đầu và ngất luôn", ông Hộ kể lại.
Choáng váng vì sức ép vụ nổ, ông Hộ bò ra dìu vợ vào nhà. Toàn thân bà đầy máu. Con trai 16 tuổi tỉnh dậy cùng bố đưa mẹ đi cấp cứu tại trạm xá xã. Nhìn quanh, ông kịp thấy nhà mình bị tốc mái, vỡ tường và không chỉ mình nhà ông.
"Trên đường lái xe máy đưa vợ đến trạm xá, tôi phải la hét để mọi người tránh đường vì rất nhiều người hoảng loạn lao ra khỏi nhà", ông Hộ kể lại.
Cả làng sau đó túa ra đường, đạp trên những mảnh vỡ, đầu đạn tháo chạy thật xa khỏi hiện trường, tạo nên cảnh hỗn loạn chưa từng có trong lịch sử làng Quan Độ. Trong màn sương lạnh, ánh sáng chưa tỏ mặt người, nhiều người chạy ngược lại nơi phát ra tiếng nổ tìm kiếm người thân.
Trước mắt họ là căn nhà cấp bốn để không cả chục năm nay biến thành hố sâu gần chục mét. Năm ngôi nhà mái ngói xung quanh bị san phẳng. Hàng chục nhà khác bay mất mái, sập tường. Khói bụi mù mịt, không khí sặc mùi thuốc súng.
Người dân cố gắng đào bới, đưa nạn nhân ra ngoài. Hầu hết bị ngất, người nặng chấn thương ngực, nhẹ thì xây xát. Riêng bé một tuổi Nguyễn Tiến Nam ngủ cùng bố mẹ trong căn nhà sát với nhà phát ra tiếng nổ đã không qua khỏi.
Anh Nguyễn Văn Lợi (29 tuổi, bố Nam) bị đa chấn thương, dị vật găm ở gót chân. Sau khi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, anh Lợi đã tỉnh lại, song chưa hề biết vợ mình phải chuyển lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), con trai nhỏ không còn.
Trong ngôi nhà đổ sập gần đó, em Đặng Thùy Trang (3 tuổi) cũng thiệt mạng. Bố em, anh Đặng Đình Tiến sau khi nhập viện sơ cứu, đã xin xuất viện để về lo hậu sự cho con gái duy nhất.
Chiều nay, gia đình đã lo tang lễ cho bé Đặng Thùy Trang, 3 tuổi. Ảnh: Giang Huy. |
"Cảm giác như trải qua một trận bom trong chiến tranh", cụ Cán (90 tuổi) chia sẻ. Sống cách hiện trường gần 1km, mái nhà cụ lỗ chỗ vết thủng, sân vườn la liệt đầu đạn. Tường nhà xuất hiện vết nứt dài cả chục mét. “Cả sáng nay tôi như người mất hồn, lo sợ những viên đạn quanh nhà phát nổ”, cụ Cán nói.
Kho phế liệu từng xảy ra vụ nổ làm một người chết
Theo chị Nghiêm Thị Thảo (em gái nạn nhân Nghiêm Thị Hằng), nhà kho nơi phát nổ vốn trước đây của ông thân sinh anh Nguyễn Văn Tiến và Nguyễn Văn Tạo. Hai người này làm nghề buôn bán phế liệu nổi tiếng trong làng. Cách đây gần 10 năm, chính ngôi nhà đó xảy ra vụ nổ phế liệu làm một người chết. Giờ nhà không có người ở, dùng làm nơi chứa hàng.
Thu mua phế liệu là nghề truyền thống của làng Quan Độ. Từ khi lấy vợ trong làng, anh Nguyễn Văn Lợi theo nghiệp gia đình vợ, chuyên thu gom các loại phế liệu về xử lý, phân loại, rồi bán cho xưởng tái chế sắt thép. Chủ các cơ sở tái chế đánh xe đến vận chuyển phế liệu ngay tại làng.
Anh Nguyễn Văn Lợi trên giường bệnh. Ảnh: Đ.Loan |
Quá trình thu gom phế liệu, anh Lợi gặp nhiều loại vật liệu nổ và thường từ chối mua vì phải "xin giấy tờ rất lằng nhằng". Tuy nhiên, anh biết nhiều gia đình khác trong làng buôn bán loại phế liệu này. Thông thường họ gỡ đầu đạn rất thành thạo để không xảy ra sự cố.
Nghề gom phế liệu cho thu nhập khá nên nhiều gia đình trong làng, trong xã không bỏ nghề. "Cả làng tôi làm nghề này nên vụ nổ sáng nay như một tai nạn, không tránh khỏi", anh Lợi ngậm ngùi nói.
Ông Mẫn Văn Truyền, Phó chủ tịch xã Văn Môn cho hay, bước đầu đánh giá vụ nổ tác động trong phạm vi 5 km, thiệt hại nhiều nhất trong bán kính 1km. Nguyên nhân ban đầu được xác định do người dân mua vật liệu nổ về chế xuất. Nhà chức trách đang làm rõ nguồn gốc phế liệu người dân mua về.
Lãnh đạo tỉnh đã thăm hỏi những người gặp nạn và sẽ khởi tố vụ án nếu có dấu hiệu hình sự, ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh thông tin.
Trước đó 4h30 ngày 3/1, sau tiếng nổ đinh tai, một phần diện tích thôn Quan Độ (Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh) bị san phẳng. Sáu người được đưa tới bệnh viện, trong đó hai người tử vong trước khi nhập viện là bé Nguyễn Tiến Nam (1 tuổi) và Đặng Thùy Trang (3 tuổi).
Phó thủ tướng chỉ đạo truy tìm nguồn gốc vật liệu nổ Thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình đã gửi lời chia buồn tới các nạn nhân và thân nhân người bị nạn. Phó thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức thăm hỏi, động viên người dân khắc phục hậu quả, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng sớm điều tra nguyên nhân vụ nổ. Bộ Quốc phòng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và UBND tỉnh Bắc Ninh khẩn trương điều tra về nguồn gốc vật liệu gây nổ; có biện pháp chấn chỉnh và xử lý nghiêm tập thể, cá nhân vi phạm về quản lý vũ khí, vật liệu nổ để bảo đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là dịp Tết Mậu Tuất 2018, báo cáo kết quả lên Thủ tướng trước 15/1. |
Làng nghề \'mổ xác máy bay\' im ắng sau vụ nổ khiến 2 người chết Vụ nổ ở Bắc Ninh khiến hai người chết, nhiều người thương vong khiến các hộ chuyên thu mua gom phế liệu phải tạm đóng ... |
Vụ nổ Bắc Ninh: Vợ chồng đau đớn vì "tử thần" cướp đi đứa con 10 năm mong mỏi Đôi vợ chồng trẻ cưới nhau 10 năm mới có đứa con đầu lòng. Thế nhưng vụ nổ kinh hoàng "từ trên trời rơi xuống" ... |