Liên tục trong nhiều năm, Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên được chỉ định ký hợp đồng thực hiện việc nạo vét cát khu vực cửa biển Đà Diễn theo hình thức “tận thu, bù chi”.
Chỉ tính từ 2015, hàng triệu m3 cát nhiễm mặn đã được Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên (trước đây là Doanh nghiệp tư nhân Bảo Châu) nạo vét và đem bán. Trong đó, phần lớn cát nạo vét được đem bán cho nước ngoài.
Hút cát bán tiền tỷ
Theo tờ khai quyết toán thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường của Công ty Bảo Châu Phú Yên, tổng khối lượng cát doanh nghiệp khai thác từ 2015 – 2017 là hơn 2 triệu m3. Trong đó, năm 2015 hơn 1,2 triệu m3, năm 2016 hơn 523 nghìn m3 và năm 2017 là hơn 309 nghìn m3.
Khu vực cửa Đà Diễn - nơi Công ty Bảo Châu Phú Yên được chỉ định nạo vét cát bồi lấp với khối lượng lớn, nhiều năm liền. Ảnh: Q.T
Trong nửa đầu 2018, báo cáo về việc nạo vét luồng lạch tại khu vực cửa Đà Diễn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên cho thấy, công ty Bảo Châu Phú Yên được UBND TP Tuy Hòa cho phép nạo vét 2 đợt, tổng khối lượng cát đã nạo vét là hơn 215 nghìn m3.
Tính chung cả đợt nạo vét trước đó, từ 1/9 đến 20/10/2017, chỉ trong khoảng 7 tháng, Công ty Bảo Châu Phú Yên đã nạo vét tổng khối lượng 348.778m3 cát. Toàn bộ lượng cát này đang được UBND TP Tuy Hòa đề xuất UBND tỉnh Phú Yên cho phép doanh nghiệp được bán để bù chi phí.
Thời điểm hiện tại, theo UBND TP Tuy Hòa, Công ty Bảo Châu Phú Yên đã tiêu thụ nội địa khối lượng 15,2 nghìn m3, khối lượng còn lại 333,5 nghìn m3 đang tập kết tại bãi chứa tạm phía kè bờ Nam.
Theo Sở Xây dựng Phú Yên, giá cát san lấp trên thị trường tỉnh khoảng 60.000 đồng/m3, giá cát xây dựng là 120.000 đồng/m3 (tháng 6/2018, tháng 8/2017, liên sở Xây dựng - Tài chính tỉnh Phú Yên công bố giá vật liệu xây dựng chủ yếu trên địa bàn tỉnh, giá cát nền 50.000 đồng/m3, cát xây dựng 66.000 đồng/m3). Như vậy, với khối lượng cát khai thác trong 3 năm trở lại đây thì đơn vị thi công đã thu hàng trăm tỷ đồng. Không chỉ bán nội địa, tháng 1/2016, Công ty Bảo Châu Phú Yên còn ký hợp đồng với TNS REOUCES PTE LTD (BUYER) của Singapore với khối lượng lên đến 1,5 triệu m3.
Mặc dù lý do nạo vét cửa Đà Diễn được UBND TP Tuy Hòa và doanh nghiệp cho biết là để “khơi thông luồng lạch đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tàu thuyền”. Thế nhưng, việc liên tục cho doanh nghiệp nạo vét trong thời gian dài mà không qua đấu thầu và đem bán sản phẩm bù chi khiến dư luận dấy lên câu hỏi nạo vét để thông luồng hay tận thu cát?
Dừng nạo vét
Dù mục đích chính là thông luồng, tạo thuận lợi cho tàu thuyền đi lại nhưng việc nạo vét cửa Đà Diễn trong thời gian qua đã phát sinh nhiều diễn biến bất thường, nhiều cá nhân, tập thể bị UBND tỉnh yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm.
Cụ thể, tháng 11/2016, UBND tỉnh Phú Yên có văn bản yêu cầu UBND TP Tuy Hòa tạm dừng triển khai dự án Nạo vét cửa Đà Diễn và phối hợp với các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng đánh giá kết quả thực hiện dự án.
Đoạn kè biển khu vực cảng cá Đông Tác bị sạt lở đang được khắc phục. Ảnh: Q.T
Kè bờ Nam sông Đà Rằng bị sụt lún nghiêm trọng. Ảnh: H.H
Theo UBND tỉnh Phú Yên, việc thực hiện dự án Nạo vét cửa Đà Diễn đã được dừng từ cuối 2016 và từ đó chưa có văn bản nào của tỉnh cho triển khai thực hiện lại.
Bên cạnh đó, tại thông báo số 161/TB-VPCP ngày 24/3/2017, Chính phủ cũng chỉ đạo tạm dừng cấp phép thực hiện các dự án xã hội hóa tận thu cát nhiễm mặn để bù chi phí nạo vét.
Ngay sau đó, bộ Xây dựng cũng có văn bản đề nghị UBND các địa phương tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc khai thác cát xây dựng theo đúng quy định, đặc biệt chú ý tới tác động xấu đến môi trường và không gây sạt lở, sụt, lún bờ sông khi khai thác.
“UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… phải chấp hành nghiêm quy định của Chính phủ, các bộ ngành trung ương và chỉ đạo của địa phương liên quan đến việc nạo vét, tận thu cát nhiễm mặn trên địa bàn”, nội dung thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Trà về tình hình liên quan việc triển khai thực hiện hút cát trên địa bàn TP Tuy Hòa nêu rõ.
Do đó, theo UBND tỉnh Phú Yên, việc Ban Quản lý dự án công trình nạo vét cửa Đà Diễn cho phép đơn vị thi công thực hiện việc hút cát nhiễm mặn là trái với sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương.
Đặc biệt, trong thời điểm Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên đang nạo vét cát nhiễm mặn thì Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định có báo cáo về thực trạng gói thầu số 7 thuộc công trình chống xói lở hạ lưu bờ Nam sông Đà Rằng bị sụt lún mái kè nghiêm trọng, nguyên nhân có thể do dự án nạo vét cồn cát tại khu vực Đà Diễn.
UBND tỉnh Phú Yên đã yêu cầu UBND TP Tuy Hòa chỉ đạo tạm dừng ngay việc nạo vét cửa biển Đà Diễn, đồng thời kiểm tra làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan trong việc cho Công ty Bảo Châu Phú Yên nạo vét đủ khối lượng hơn 319 nghìn m3 cát nhiễm mặn.
Trước đó, tháng 1/2010, Công ty Bảo Châu cũng bị UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu phải dừng việc nạo vét cát bồi lấp ở một dự án khác do bị người dân phản đối dữ dội.
Cụ thể, dự án nạo vét cát bồi lấp cảng cá Tiên Châu do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên làm chủ đầu tư, Công ty Bảo Châu thi công từ 24/6 đến 11/2009 đã nạo vét hơn 176 nghìn m3 cát.
Nguyên nhân người dân địa phương phản ứng là do doanh nghiệp này lợi dụng việc nạo vét luồng lạch để hút cát bãi ngang bán ra bên ngoài, đồng thời không nạo vét đúng thiết kế đã được phê duyệt.
Buông lỏng trách nhiệm
Ngày 26/4, UBND tỉnh Phú Yên có thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chí Hiến tại cuộc họp bàn về tình hình thực hiện việc nạo vét tạm thời ra vào cảng cá phường 6, TP Tuy Hòa.
DNTN Bảo Châu hút cát nhiễm mặn ngoài cửa biển Đà Diễn. Ảnh: LĐO
Nội dung văn bản nêu rõ, trước đây, để tạo điều kiện cho tàu thuyền của bà con ngư dân ra vào cảng cá Đông Tác được thuận lợi, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão sắp đến, UBND tỉnh giao UBND TP Tuy Hòa khẩn trương triển khai tổ chức thực hiện việc nạo vét thông luồng vào cảng.
Vẫn theo văn bản, thông báo của UBND tỉnh Phú Yên không đề cập đến việc tiêu thụ khối lượng cát sau khi nạo vét.
“Tuy nhiên, ngày 24/10/2017, UBND TP Tuy Hòa có Thông báo 1006/TB-UBND cho phép Doanh nghiệp tư nhân Bảo Châu được tiêu thụ nội địa khối lượng cát đã nạo vét khi chưa được UBND tỉnh cho phép”, văn bản nêu.
Văn bản cho hay, ngày 25/4, bên ngoài cửa biển Đà Diễn xuất hiện 1 tàu mang tên Chung Huy 588 chưa rõ mục đích neo đậu. Theo báo cáo của Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn tại Vũng Rô, căn cứ quy định pháp luật về hàng hải và Thông báo 1006/TB-UBND của UBND TP Tuy Hòa, Cảng vụ cho phép chiếc tàu trên vào neo đậu để vào lấy hàng.
Theo tìm hiểu, tàu Chung Huy 588 là đối tác của Công ty Bảo Châu Phú Yên đang vận chuyển cát từ cửa biển Đà Diễn đi tiêu thụ.
UBND tỉnh Phú Yên đã giao Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn tại Vũng Rô chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng yêu cầu tàu Chung Huy 588 rời khỏi hải phận tỉnh Phú Yên trong ngày 26/4.
Theo ông Nguyễn Chí Hiến, tại thông báo số 261, mọi tranh chấp liên quan đến hợp đồng vận chuyển của chiếc tàu nêu trên và thiệt hại nếu có thì UBND TP Tuy Hòa hoàn toàn chịu trách nhiệm về mặt pháp lý và hậu quả xảy ra.
Đồng thời, yêu cầu UBND TP Tuy Hòa chỉ đạo di dời ngay thiết bị nạo vét cát, xà lan chở cát đang tập kết phía bên trong cửa biển Đà Diễn khỏi vị trí đang nạo vét.
UBND TP Tuy Hòa phải có báo cáo giải trình làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra việc tàu hút cát và xà lan chở cát hoạt động ngày 25/4, ký văn bản cho phép Công ty Bảo Châu Phú Yên được tiêu thụ cát nội địa đã nạo vét, cũng như gia hạn cho doanh nghiệp xuất bán cát tiêu thụ nội địa với khối lượng khoảng 117,1 nghìn m3.
Bên cạnh đó, tại văn bản số 1023/UBND-ĐTXD ngày 5/3/2018, UBND tỉnh Phú Yên giao UBND TP Tuy Hòa khẩn trương triển khai tổ chức thực hiện việc nạo vét luồng lạch tạm thời ra vào cảng cá. Trước khi thực hiện nạo vét, UBND TP Tuy Hòa làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan để thống nhất vị trí, phạm vi, khối lượng, quy mô nạo vét và bãi tập kết đảm bảo khơi thông luồng lạch.
Về việc này, thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chí Hiến nêu rõ: UBND TP Tuy Hòa và các sở, ngành chức năng chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao.
Kè bờ Nam sông Đà Rằng bị sụt lún nghiêm trọng
Tuyến kè bờ Nam hạ lưu sông Đà Rằng gần cửa biển Đà Diễn hiện đang bị sụt lún, sạt lở nghiêm trọng.
Ngày 21/7, có mặt tại đây, chúng tôi ghi nhận nhiều vị trí của thân kè bị sạt lở, tạo những hầm ếch dưới chân và mái kè với chiều dài hàng chục mét.
Kè bờ Nam sông Đà Rằng có tổng chiều dài hơn 3,8 km, kinh phí 60,5 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng gần 10 năm. Kè có tác dụng chống xói lở, thoát lũ và ngập úng cho toàn bộ khu vực phía Nam sông Đà Rằng.
Tuy nhiên, việc kè bị bị sụt lún, sạt lở đang uy hiếp hạ tầng cơ sở bên trong, khiến nhiều công trình như hệ thống đường nội ô thuộc Khu đô thị mới Nam thành phố Tuy Hòa, khu cảng cá Đông Tác được đầu tư xây dựng đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng.
Cùng với đó, người dân lo ngại, nếu kè bị đánh sập sẽ làm tràn cát từ hạ lưu sông bồi lấp cửa biển Đà Diễn và lạch Đông Tác khiến tàu thuyền không thể ra vào.
Không bàn giao ngư trường để nhận chìm chất thải nạo vét ở cảng Cửa Lò - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ TN&MT)Trường Sơn khẳng định tại cuộc họp báo thường kỳ chiều nay. |
Ông chủ nhà thầu xây lắp dự án 72 tỷ đội vốn thành 2.600 tỷ là ai? Dự án nạo vét, kè đá 2 bờ sông Sào Khê do UBND tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư và doanh nghiệp xây dựng ... |