Nội dung trên được nêu ra trong kết luận của Thường trực Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Cụ thể, Thường trực Chính phủ cho ý kiến rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa chính sách phải khuyến khích đầu tư cho loại hình sản xuất nguồn điện này. Quy định việc tích điện cụ thể để nguồn tự sản, tự tiêu nhưng sử dụng không hết được bán thế nào? Giá bán trên nguyên tắc nào? Nên khuyến khích bán nhưng có điều kiện…

Đồng thời, cần làm rõ nội hàm "tự sản, tự tiêu"; quy định rõ trách nhiệm của các Bộ (Xây dựng, Công an, Công Thương…) trong việc quy định các thủ tục về phòng cháy chữa cháy, xây dựng, điều kiện kỹ thuật…để có thể thực hiện ngay khi Nghị định được ban hành, không phải chờ Thông tư hướng dẫn.

Thường trực Chính phủ nêu quan điểm, để Nghị định đi vào cuộc sống, khuyến khích được người dân sử dụng nguồn năng lượng tái tạo sẵn có, Bộ Công Thương cần bổ sung, làm rõ các nội dung chính sách, bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu khuyến khích một cách thực chất, khả thi trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Đồng thời, rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo việc đề xuất chính sách không được sơ hở dẫn đến việc lợi dụng chính sách.

Thường trực Chính phủ cho rằng nên khuyến khích bán nhưng có điều kiện…đối với điện mặt trời mái nhà. (Ảnh minh họa: Báo chính phủ).

Thường trực Chính phủ cho rằng nên khuyến khích bán nhưng có điều kiện…đối với điện mặt trời mái nhà. (Ảnh minh họa: Báo chính phủ).

Trước đó, Bộ Công Thương đề xuất điện mặt trời mái nhà lắp tại nhà ở, cơ quan công sở để tự dùng và nối lưới sẽ không được bán hoặc bán với giá 0 đồng. Tức là người dân, doanh nghiệp có thể bán phần dư thừa nhưng Nhà nước chỉ ghi nhận sản lượng, không thanh toán tiền.

 

Bộ Công Thương cho rằng lượng điện dư thừa có thể ảnh hưởng tới an toàn, an ninh hệ thống điện. Hiện năng lượng mặt trời phụ thuộc vào bức xạ mặt trời và yếu tố thời tiết nhưng đây là các yếu tố bất định. Khi không có bức xạ mặt trời, lưới điện quốc gia vẫn phải bảo đảm cấp đủ điện. Điều này dẫn đến thay đổi, tăng giảm nhanh của hệ thống, khiến nguồn điện chạy nền không ổn định. 

Quy hoạch điện VIII đã nêu rõ ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời tự sản tự tiêu, trong đó có điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, điện mặt trời tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã đề xuất với Chính phủ cho phép điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu được đấu nối với hệ thống điện quốc gia, miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, cũng như đơn giản hóa các thủ tục khác...với mục đích giảm bớt mua điện từ hệ thống điện quốc gia, giảm áp lực cho hệ thống điện.

Mặt khác, việc phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu được miễn giảm thực hiện một số quy định, tiêu chí khắt khe của pháp luật và có nhiều ưu đãi về chính sách, nên Bộ Công Thương lo ngại nếu bán điện thì sẽ xảy ra tình huống vỡ quy hoạch điện của quốc gia và khó kiểm soát hệ thống lưới điện, làm mất an toàn, trục lợi chính sách của Nhà nước.

Vì thế, Bộ Công Thương cho rằng giải pháp chống phát ngược và giải pháp mua với giá 0 đồng trong trường hợp phát lên lưới điện quốc gia là cần thiết và phù hợp, vừa khuyến khích loại hình điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu vừa ngăn chặn được hiện tượng trục lợi chính sách.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không đồng tình với đề xuất trên. Vì mức giá 0 đồng là đi ngược nguyên tắc thị trường. Đồng thời, cơ chế này sẽ khó thu hút doanh nghiệp, người dân đầu tư.

https://vtcnews.vn/nen-khuyen-khich-ban-nhung-co-dieu-kien-dien-mat-troi-mai-nha-ar869948.html

Phạm Duy / VTC News