TS Đoàn Văn Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) - nói về kinh nghiệm phát triển nền kinh tế bạc ở Việt Nam.
Khái niệm nền kinh tế bạc bắt nguồn từ thuật ngữ “thị trường bạc” xuất hiện ở Nhật Bản, quốc gia có tỷ lệ người trên 65 tuổi cao nhất trong những năm 1970, để chỉ thị trường cho người cao tuổi, tập hợp các lĩnh vực đa dạng như y tế, ngân hàng, ô tô, năng lượng, nhà ở, viễn thông, giải trí và du lịch, cùng những lĩnh vực khác.
Ước tính thế giới hiện có trên 761 triệu người từ 65 tuổi trở lên, con số này dự kiến tăng lên 1,6 tỷ người vào năm 2050.
Năm 2020, thị trường toàn cầu cho sản phẩm và dịch vụ dành cho người cao tuổi được ước tính đạt giá trị khoảng 15.000 tỷ USD. Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương dự kiến sẽ chứng kiến tăng trưởng nhanh nhất trong nền kinh tế bạc, do tốc độ già hóa dân số nhanh chóng ở các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Ở châu Âu, nền kinh tế bạc chiếm khoảng 25% GDP, với những quốc gia như Ý và Đức có tỷ lệ dân số cao tuổi đặc biệt cao. Phạm vi của nền kinh tế bạc không chỉ bao gồm chăm sóc sức khỏe mà còn mở rộng đến nhiều lĩnh vực khác nhau.
Theo đó, nền kinh tế bạc tác động đến nhiều lĩnh vực của kinh tế: giải trí, giao thông, thực phẩm, an ninh, y tế, nhà ở, bảo hiểm, dịch vụ kỹ thuật số... Rất nhiều lĩnh vực, ngoài giá trị xã hội, còn tạo ra cơ hội đầu tư, khởi nghiệp, tạo việc làm.
Nhật Bản là quốc gia có dân số già hóa nhanh chóng và tỷ lệ người cao tuổi cao nhất thế giới. Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng một loạt các chính sách và chương trình để thích ứng với sự thay đổi này, đưa quốc gia trở thành hình mẫu trong phát triển nền kinh tế bạc. Những nét chính trong nền kinh tế bạc của Nhật Bản là:
Thứ nhất, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi trong đó chú trọng:
Dịch vụ chăm sóc sức khỏe: Chính phủ Nhật Bản đã triển khai hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện, bao gồm phòng ngừa, điều trị, phục hồi chức năng, và chăm sóc tại nhà. Các chương trình chăm sóc dài hạn cung cấp dịch vụ y tế cơ bản cho người cao tuổi, giúp họ dễ dàng tiếp cận hỗ trợ.
Bảo hiểm xã hội: Hệ thống bảo hiểm chăm sóc dài hạn được giới thiệu nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho người cao tuổi và gia đình. Chương trình này cung cấp các dịch vụ y tế, chăm sóc tại nhà và hỗ trợ sinh hoạt.
Thứ hai, khuyến khích lao động cao tuổi, tập trung vào việc:
- Nới lỏng tuổi nghỉ hưu: Tuổi nghỉ hưu chính thức được nâng lên 65, với chính sách khuyến khích người lao động lớn tuổi tiếp tục làm việc. Các doanh nghiệp được hỗ trợ để tạo điều kiện làm việc bán thời gian hoặc tự do cho người cao tuổi.
Theo thống kê vào tháng 9/2023, tại Nhật Bản, những người lao động từ 65 tuổi trở lên hiện chiếm hơn 13% lực lượng lao động cả nước, tỷ lệ người cao tuổi có việc làm ở Nhật Bản thuộc hàng cao nhất trong số các nền kinh tế lớn.
- Tận dụng kinh nghiệm: Chính phủ Nhật Bản khuyến khích các công ty thuê người cao tuổi làm cố vấn, tư vấn hoặc trong vai trò giảng dạy. Điều này giúp tận dụng kinh nghiệm của người cao tuổi và mang lại thu nhập cho họ.
Thứ ba, chú trọng phát triển các sản phẩm, dịch vụ phục vụ người cao tuổi
- Công nghệ hỗ trợ: Đầu tư vào phát triển các sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ người cao tuổi, từ thiết bị trợ giúp di chuyển đến thiết bị theo dõi sức khỏe thông minh. Công nghệ nhà thông minh, robot hỗ trợ cũng được phát triển để cải thiện chất lượng cuộc sống.
- Dịch vụ chăm sóc: Các trung tâm điều dưỡng, viện dưỡng lão, và dịch vụ chăm sóc tại nhà được triển khai rộng rãi, cung cấp dịch vụ hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày, chăm sóc sức khỏe và tư vấn tâm lý.
Thứ tư, xây dựng môi trường sống thân thiện với người cao tuổi
Thiết kế không gian: Chính phủ Nhật Bản cải thiện hạ tầng công cộng, tạo ra không gian thân thiện với người cao tuổi, bao gồm giao thông công cộng, vỉa hè, qua đường, nhà vệ sinh công cộng, khu dân cư có dịch vụ y tế, không có bậc thềm, căn hộ (cửa rộng, hành lang rộng để cáng có thể hoạt động khi khẩn cấp, một mặt bằng, sàn chống trơn, công tắc điện thấp, có nút gọi khẩn cấp (emergency), xe lăn có thể tiếp cận mọi không gian (giường, nhà vệ sinh, bếp…), và công viên dành riêng cho người cao tuổi.
Dịch vụ công cộng: Tăng cường sự dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ công cộng, từ giao thông, an sinh xã hội, đến giáo dục và giải trí. Các khu vực dân cư được thiết kế để người cao tuổi sống gần các cơ sở y tế và dịch vụ thiết yếu. Nhà dưỡng lão được quy hoạch và xây dựng như trường mầm non ở các đô thị lớn như Tokyo, Osaka, Kyoto, Nagoya…
Thứ năm, giáo dục và hỗ trợ học tập, tập trung vào:
Kỹ năng mới: Các chương trình giáo dục suốt đời giúp người cao tuổi học những kỹ năng mới và tiếp tục phát triển bản thân, từ tin học đến sở thích cá nhân.
Tham gia xã hội: Khuyến khích người cao tuổi tham gia vào các hoạt động xã hội, văn hóa và thể thao, giúp họ duy trì sự tích cực, độc lập và kết nối cộng đồng.
Thứ sáu, thúc đẩy du lịch và văn hóa bạc:
Du lịch dành riêng: Các tour du lịch được thiết kế dành riêng cho người cao tuổi, với dịch vụ hỗ trợ y tế, hướng dẫn viên am hiểu về nhu cầu và sở thích của họ.
Văn hóa bạc: Tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa phù hợp với sở thích và sức khỏe người cao tuổi, giúp họ giải trí và duy trì sức khỏe tinh thần.
Thực tế Nhật Bản đã chứng minh rằng thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ, việc thích ứng với già hóa dân số và phát triển nền kinh tế bạc có thể mang lại lợi ích cả về kinh tế lẫn xã hội.
Thái Lan, quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai ở Đông Nam Á, đã phát triển nhiều chính sách để tận dụng lợi thế từ dân số già và thúc đẩy nền kinh tế bạc. Dân số từ 60 tuổi trở lên của Thái Lan bao gồm 12,7 triệu người hay 19% tổng dân số vào năm 2022.
Chính phủ Thái Lan đã tập trung vào việc xây dựng và mở rộng cơ sở vật chất để cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Chính phủ cũng đầu tư mạnh mẽ vào việc đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi.
Thái Lan đã trở thành một điểm đến nổi tiếng cho du lịch y tế nhờ chi phí phải chăng và dịch vụ chất lượng cao. Chính phủ khuyến khích ngành du lịch y tế phát triển nhằm thu hút khách du lịch nước ngoài, đặc biệt là những người nghỉ hưu và có nhu cầu chăm sóc sức khỏe.
Chính phủ đã điều chỉnh các chính sách visa để thu hút người nước ngoài đến nghỉ hưu và đầu tư vào thị trường bất động sản, từ đó kích thích kinh tế. Các gói visa này thường kéo dài và tạo điều kiện thuận lợi cho người cao tuổi. Loại visa này gọi là “retirement visa”.
Chỉ cần từ 50 tuổi trở lên và sở hữu tài khoản ngân hàng mở tại Thái Lan với số dư trên 800.000 baht (gần 550 triệu đồng), khách nước ngoài có thể xin visa Thái Lan trong 1 năm.
Thậm chí, tháng 9/2022, Thái Lan còn kéo dài khoảng thời gian này lên 10 năm, với một số điều kiện đi kèm nhất định. Gần đây, nội các Thái Lan quyết định giảm mức bảo hiểm y tế bắt buộc với loại visa cho người từ 50 tuổi trở lên từ 3 triệu baht xuống 440 nghìn baht nhằm thu hút thêm du khách về hưu, du khách đến học nấu ăn đồ Thái và học Muay Thái.
Trung Quốc là quốc gia có số lượng người cao tuổi lớn nhất trên thế giới, với khoảng 254 triệu người trên 60 tuổi tính đến năm 2020, chiếm khoảng 18% dân số. Trung Quốc sớm quan tâm, thúc đẩy nền kinh tế bạc; nhiều văn bản với các nội dung ít nhiều liên quan tới nền kinh tế bạc đã được ban hành ở cả cấp trung ương và cấp địa phương.
Tháng 1/2024, Quốc Vụ viện Trung Quốc đã ban hành văn bản hướng dẫn để củng cố “nền kinh tế bạc”, đưa ra 26 biện pháp nhằm cải thiện dịch vụ thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, giải trí và văn hóa dành cho người già, đồng thời phát triển các cụm công nghiệp sản xuất các sản phẩm dành cho “nền kinh tế bạc”.
Văn bản kêu gọi các ngân hàng tăng cường hỗ trợ xây dựng các cơ sở dưỡng lão và các dự án liên quan đến “nền kinh tế bạc”. Ngoài ra, các chính quyền địa phương được phép phát hành trái phiếu đặc biệt để phát triển “nền kinh tế bạc”.
Văn bản hướng dẫn cũng đặt ra các biện pháp thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi, tập trung vào các sản phẩm đổi mới, chăm sóc sức khỏe thông minh, sử dụng robot điều dưỡng và dịch vụ chăm sóc tại nhà cũng như mở rộng ngành công nghiệp thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng.
Quy mô nền kinh tế bạc của Trung Quốc ở mức khoảng 7.000 tỷ NDT, tương đương 6% GDP của đất nước, và có thể đạt 30.000 tỷ NDT (4.200 tỷ USD) vào năm 2035, chiếm khoảng 10% GDP.
Trung Quốc đặt mục tiêu thành lập khoảng 10 cụm công nghiệp sản xuất các sản phẩm cho nền kinh tế bạc ở các khu vực chiến lược như Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc, đồng bằng sông Dương Tử, và khu vực vịnh Quảng Đông-Hong Kong-Macao.
Đồng thời, phát triển mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi, tập trung vào sản phẩm đổi mới, chăm sóc sức khỏe thông minh, robot điều dưỡng, và dịch vụ chăm sóc tại nhà.
Năm 2021, người cao tuổi Việt Nam chiếm 8,3% tổng dân số, tức 8,16 triệu người cao tuổi. Theo dự báo, số người cao tuổi của Việt Nam sẽ tăng lên 16,8 triệu người vào năm 2039 và đạt 25,2 triệu người vào năm 2069. Về tỉ lệ, dự báo đến năm 2030 số người cao tuổi chiếm 17% và tăng lên 25% vào năm 2050.
Người cao tuổi đối diện với gánh nặng "bệnh tật kép" và thường mắc các bệnh mạn tính như mạch vành, tăng huyết áp, tiểu đường, thoái hóa khớp, ung thư...
Về khả năng chi tiêu, người cao tuổi ở Việt Nam thường có nguồn thu từ lương hưu, tiết kiệm và đầu tư; khả năng chi tiêu của họ phụ thuộc vào mức độ ổn định tài chính và kế hoạch tài chính cá nhân.
Về thói quen tiêu dùng, những năm gần đây đã có sự chuyển dịch trong hành vi tiêu dùng của người cao tuổi, với xu hướng tăng chi tiêu cho sức khỏe, du lịch, giáo dục và giải trí.
Có thể nói, sự già hóa dân số, những đặc điểm riêng của nhóm đối tượng người cao tuổi ở Việt Nam đặt ra nhiều thách thức về kinh tế, xã hội nhưng cũng là cơ hội vàng để Việt Nam phát triển nền kinh tế bạc.
Trên cơ sở điều kiện thực tế của Việt Nam và kinh nghiệm của một số nước, ở giai đoạn hiện nay, theo chúng tôi Việt Nam nên bắt tay ngay vào nghiên cứu, đưa ra tầm nhìn, xây dựng chính sách, pháp luật, chiến lược, kế hoạch hành động cụ thể để kích hoạt và phát triển nền kinh tế bạc.
Xin được đề xuất 10 gợi mở như sau:
Một là, nghiên cứu kinh nghiệm thế giới, đưa ra tầm nhìn, nhận thức về nền kinh tế bạc. Để phát triển toàn diện nền kinh tế bạc tại Việt Nam, trước hết cần có tầm nhìn, nhận thức chính xác, đầy đủ về nhu cầu, động lực, định hướng của nền kinh tế bạc.
Sự trỗi dậy của nền kinh tế bạc phản ánh sự đánh giá lại của xã hội đối với người cao tuổi, xã hội không còn coi họ chỉ là gánh nặng kinh tế mà thay vào đó ghi nhận sự đóng góp của họ cho xã hội và tiềm năng của họ với tư cách là người tiêu dùng.
Hai là, hoàn thiện chính sách về nền kinh tế bạc. Người cao tuổi luôn là đối tượng nhận được sự quan tâm của Đảng, nhà nước và cộng đồng.
Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu BCH TW Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới nhấn mạnh: “Hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi; khuyến khích người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế - xã hội; xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của người sử dụng lao động và người lao động cao tuổi.
Tích cực, chủ động xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi; phát triển mạnh hệ thống chuyên ngành Lão khoa trong các cơ sở y tế. Khuyến khích phát triển cơ sở chăm sóc người cao tuổi; cung cấp các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, văn hóa, giải trí của người cao tuổi”.
Trong thời gian tới, cần tiếp tục xây dựng các chính sách tổng hợp hướng tới việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, phát huy vai trò của họ trong xã hội và khai thác các tiềm năng kinh tế từ nhóm này.
Các chính sách về nền kinh tế bạc nên được xây dựng với nội dung trọng tâm là nhấn mạnh vai trò của nền kinh tế bạc, định hướng các lĩnh vực ưu tiên phát triển, các chính sách hỗ trợ đối với nền kinh tế bạc tại Việt Nam.
Ba là, hoàn thiện pháp luật về nền kinh tế bạc. Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều quy định pháp luật liên quan tới người cao tuổi, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi trong đời sống xã hội.
Tuy nhiên, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật theo hướng này làm cơ sở, hành lang pháp lý cho sự phát triển của nền kinh tế bạc. Ví dụ: Hoàn thiện pháp luật khuyến khích tư nhân, cộng đồng tham gia đầu tư xây dựng, vận hành các trung tâm điều dưỡng, dưỡng lão; các trung tâm này phải có khả năng cung cấp dịch vụ toàn diện, từ hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày đến chăm sóc y tế chuyên sâu;
Xây dựng chính sách, pháp luật về visa hưu trí, tương tự như kinh nghiệm của Thái Lan, với các điều kiện như độ tuổi tối thiểu, chứng minh tình trạng nghỉ hưu chính thức tại quốc gia của mình; có thu nhập hoặc khoản tiết kiệm ổn định để đảm bảo tự trang trải cuộc sống mà không cần làm việc tại quốc gia định cư; có bảo hiểm y tế hợp lệ trong suốt thời gian cư trú;
Nghiên cứu xây dựng mới hoặc hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm chăm sóc dưỡng lão ngoài bảo hiểm y tế theo mô hình Nhật Bản để đảm bảo mọi người cao tuổi đều có khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng. Xem xét sớm sửa đổi Luật Người cao tuổi để phù hợp với thực tiễn;
Bốn là, xác định vai trò của nền kinh tế bạc trong tổng thể nền kinh tế quốc dân, xây dựng chiến lược trong đó có Chiến lược quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2030 – 2050, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để kích hoạt và phát triển nền kinh tế bạc;
Năm là, lượng hóa quy mô, tính lan tỏa của nền kinh tế bạc dành cho nhóm người từ 50 tuổi trở lên theo tiêu chuẩn tính toán quốc tế;
Sáu là, quy hoạch và xây dựng:
Hoàn thiện và xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế, định mức dự toán cho các sản phẩm và dịch vụ phục vụ người cao tuổi, chú ý các tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế công trình và phương tiện công cộng như vỉa hè, lối đi, phương tiện giao thông, nhà ở, bãi biển, công viên…phù hợp, thân thiện với người cao tuổi, người tàn tật;
Quy hoạch xây dựng các trung tâm điều dưỡng, dưỡng lão khắp cả nước như quy hoạch trường học, cơ sở y tế để đảm bảo khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc của người cao tuổi; phát triển hệ thống dịch vụ chăm sóc người cao tuổi;
Thiết kế theo chuẩn quốc tế với cơ sở vật chất hiện đại, bao gồm phòng vật lý trị liệu, khu vực giải trí, phòng khám bệnh, và không gian xanh cho hoạt động ngoài trời; đa dạng mô hình: Thiết kế mô hình phù hợp với nhu cầu của từng nhóm người cao tuổi, từ những người có khả năng sống độc lập đến những người cần chăm sóc đặc biệt;
Chăm sóc tại nhà và từ xa: Khuyến khích phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà và từ xa, như telemedicine, giúp người cao tuổi tiếp cận dịch vụ tư vấn y tế mà không phải đi lại;
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu chăm sóc người cao tuổi.
Bảy là, khuyến khích đầu tư vào công nghệ và đổi mới sáng tạo
Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông minh: Khuyến khích doanh nghiệp phát triển các giải pháp công nghệ thông minh như thiết bị theo dõi sức khỏe, hệ thống an ninh, nhà thông minh để giúp người cao tuổi duy trì cuộc sống độc lập, phát triển phương tiện giao thông như xe điện với thiết kế thông minh phù hợp với người cao tuổi, người khuyết tật như một số quốc gia đã triển khai.
Hỗ trợ các công ty khởi nghiệp: Cung cấp vốn và hỗ trợ kỹ thuật cho các công ty khởi nghiệp tập trung vào việc phát triển công nghệ dành riêng cho người cao tuổi, như các nền tảng chăm sóc sức khỏe trực tuyến hoặc các hệ thống học trực tuyến; nhận chuyển nhượng các phát minh, sáng chế trong lĩnh vực phục vụ người cao tuổi;
Sản xuất: Nghiên cứu thành lập các khu công nghiệp chuyên sâu sản xuất các sản phẩm phục vụ nền kinh tế bạc như mô hình Trung Quốc.
Tám là, đầu tư vào giáo dục, đào tạo cho người cao tuổi
- Đào tạo kỹ năng kỹ thuật số; Đào tạo, tập huấn về chương trình sức khỏe và dinh dưỡng: Tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo về chăm sóc sức khỏe, chế độ dinh dưỡng phù hợp. Điều này giúp người cao tuổi hiểu rõ về những thay đổi sinh học và cách thức duy trì sức khỏe trong giai đoạn này của cuộc đời;
- Khóa học nâng cao kỹ năng xã hội: Khuyến khích tham gia các khóa học phát triển kỹ năng xã hội như giao tiếp, lãnh đạo, hoặc ngoại ngữ. Điều này sẽ giúp người cao tuổi duy trì kết nối với xã hội, đồng thời mở ra cơ hội tìm kiếm việc làm bán thời gian hoặc tư vấn;
- Xây dựng chính sách để tạo điều kiện cho người cao tuổi học tập suốt đời như mô hình của Thái Lan, Nhật Bản và một số quốc gia khác.
Chín là, tăng cường cơ hội việc làm phù hợp cho người cao tuổi
Làm việc bán thời gian và làm việc từ xa: Tận dụng kinh nghiệm và kỹ năng của người cao tuổi bằng cách cung cấp việc làm bán thời gian hoặc làm việc từ xa, giúp họ tiếp tục tham gia vào thị trường lao động mà không bị áp lực về thời gian; Hỗ trợ tư vấn và huấn luyện;
Khuyến khích người cao tuổi bắt đầu các doanh nghiệp nhỏ hoặc hoạt động tự do, hỗ trợ vốn và tư vấn về kế hoạch kinh doanh.
Mười là, triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển nền kinh tế bạc bao gồm cả các giải pháp hỗ trợ về tài chính và phi tài chính.
Giải pháp tài chính: Nghiên cứu ban hành chính sách, pháp luật về bảo hiểm, phúc lợi xã hội chăm sóc dưỡng lão; hoàn thiện chính sách bảo hiểm y tế với người cao tuổi; có chính sách ưu đãi thuế, phí với các ngành sản xuất các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động là người cao tuổi…;
Giải pháp phi tài chính: Quy hoạch; tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức dự toán; cắt giảm thủ tục hành chính cho các dự án phục vụ người cao tuổi; đào tạo nguồn nhân lực (bác sỹ, y tá, điều dưỡng, tâm lý);
Xây dựng hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật thân thiện với người cao tuổi, hỗ trợ hạ tầng với các khu công nghiệp chuyên biệt sản xuất các sản phẩm phục vụ người cao tuổi, hạ tầng tương thích và kết nối với các cơ sở phục vụ người cao tuổi (trung tâm dưỡng lão, câu lạc bộ…).
https://vtcnews.vn/nen-kinh-te-bac-thi-truong-ty-do-dang-bi-bo-ngo-o-viet-nam-ar876319.html