Có ý kiến cho rằng có thể chia thành các nhóm biển số theo quan niệm của người dân, kiểu “ngũ quý”, “tứ quý” thì nên có mức giá khởi điểm cao.
Dự thảo Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe mà Chính phủ vừa trình Quốc hội không đưa ra khái niệm biển đẹp; đồng thời đưa ra mức giá khởi điểm theo 2 vùng là 20 triệu đồng và 40 triệu đồng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nên xác định biển đẹp, biển siêu đẹp để có những mức giá khởi điểm khác nhau và cao hơn.
Biển số đẹp, siêu đẹp giá khởi điểm cần cao hơn
Nhiều ý kiến cho rằng nên xác định rõ thế nào là biển số đẹp, siêu đẹp trước khi đưa ra đấu giá (Ảnh minh họa)
Vừa qua, dư luận xôn xao câu chuyện chủ xe Kia Sonet ở Nghệ An bấm được biển số 37A - 999.99, người này đã nhanh chóng bán lại xe với giá 1,6 tỷ đồng, trong khi giá thị trường của Kia Sonet ở mức 449 - 624 triệu đồng.
Hồi tháng 5, một chủ xe Hyundai Santa Fe ở Bắc Ninh bốc trúng biển 99A - 555.55 và đã được trả giá 4 tỷ đồng, dù giá thị trường của xe Santa Fe là 1,34 tỷ đồng. Chiếc xe Hyundai Santa Fe ở Hà Nội bốc trúng biển số 30G - 999.99 cũng được rao bán xe với giá 4,5 tỷ đồng.
“Thực tế cho thấy, người dân sẵn sàng trả giá nhiều tỷ đồng để có biển số xe yêu thích. Nếu chúng ta tách riêng được những biển số đẹp, siêu đẹp đưa ra đấu giá, sẽ đưa ra được những mức giá khởi điểm cao hơn, từ đó có thể tăng được nguồn thu từ hoạt động đấu giá biển số xe ô tô”, ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhìn nhận.
Theo ông Hòa, chúng ta có thể thành lập hội đồng để thẩm định những biển số đẹp, từ đó đưa ra những dãy số cụ thể. Đây là những số mà nhiều người cho là đẹp, từ đó quy định mức giá khởi điểm cao hơn so với mức sàn.
Hiện dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá Chính phủ vừa trình Quốc hội không đưa ra quy định, khái niệm về biển số đẹp.
Theo đó, tất cả các biển số nền màu trắng, chữ và số màu đen dự kiến cấp trong 1 tháng hoặc 1 quý sẽ được được đăng công khai trên một số cổng thông tin của cơ quan chức năng và trên các phương tiện thông tin đại chúng trước 30 ngày tổ chức đấu giá.
Nhìn vào danh sách biển số đó, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu lựa chọn biển số mình thích để đăng ký đấu giá. Những biển số không ai chọn đấu giá sẽ đưa vào bấm số ngẫu nhiên như bình thường.
Mức đấu giá khởi điểm dự thảo đưa ra là 40 triệu cho vùng 1 (Hà Nội, TP.HCM) và 20 triệu cho vùng 2 (các địa phương còn lại).
Xác định biển đẹp theo quan niệm của người dân
Chia sẻ câu chuyện đấu giá 90 biển số xe tại Dubai gần đây, biển số cao nhất đã được bán với mức 1,2 triệu USD, ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho rằng, chúng ta có thể chia thành các nhóm biển số theo quan niệm của người dân.
Trong đó, nhóm biển số được cho là siêu đẹp mà phần đông đều công nhận như biển mà các chữ số trùng nhau kiểu “ngũ quý”, “tứ quý” thì nên có mức giá khởi điểm cao.
“Chúng ta có thể tính toán đến các biển số mang tính đẹp - độc - lạ để thu hút sự tham gia của nhiều người, như một số nước đã áp dụng, từ đó thu được nhiều hơn về cho ngân sách”, ông Hải Anh đề xuất.
Đồng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng, nên quy định những biển số nào được đấu giá và những biển số nào là để chọn ngẫu nhiên như hiện nay.
“Nếu có những tiêu chí cụ thể để xác định những biển số nào sẽ được lựa chọn để tổ chức đấu giá thì kho số sẽ được chia làm hai loại rất rõ ràng và những biển số thông qua đấu giá sẽ làm tăng giá trị của các biển số xe, kích thích người dân tham gia vào hoạt động đấu giá”, ông Cường nêu quan điểm.
Luật sư Cường cũng lo ngại, nếu chỉ quy định một mặt bằng giá khởi điểm đấu giá biển số xe có thể sẽ trở thành kẽ hở để các cá nhân lợi dụng, móc ngoặc, trục lợi.
Bởi có thể xảy ra tình trạng thông đồng giữa người tổ chức bán đấu giá, người tham gia đấu giá, hoặc chính là cán bộ, công chức trong hệ thống thực hiện câu kết với nhau, có thỏa thuận ngầm để dìm giá xuống, ảnh hưởng trực tiếp đến thu ngân sách từ hoạt động này.
Nên đồng nhất một mức giá khởi điểm
Ngoài ra, ông Cường cho rằng, việc chia mức giá khởi điểm ra 2 vùng là không cần thiết, bởi dự thảo đã quy định được đấu giá trên mọi tỉnh, thành.
“Công dân nào cũng có quyền tham gia đấu giá không phụ thuộc vào hộ khẩu thường trú ở địa phương thì việc quy định giá khởi điểm khác nhau giữa các khu vực không có ý nghĩa. Vì vậy, nên áp dụng một giá khởi điểm trên toàn quốc, để thuận tiện cho việc tổ chức đấu giá sau này”, luật sư Cường nêu quan điểm.
Đây cũng là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận nội dung này ngày 26/10. Tại phiên họp trước đó, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cũng cho rằng, việc quy định giá khởi điểm khác nhau giữa vùng 1 và vùng 2 không có ý nghĩa khi người tham gia đấu giá trên phạm vi toàn quốc. Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị áp dụng thống nhất một mức giá khởi điểm trên toàn quốc là 40 triệu đồng.
Hiện dự thảo đưa ra quy định đấu giá tập trung ở Bộ Công an. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị nên chia về cho các tỉnh, thành phố chủ động tổ chức đấu giá tại địa phương mình với sự tham gia giám sát của Bộ Công an, Bộ Tài chính và một số các cơ quan có liên quan hoặc có thể tổ chức đấu giá theo cụm một số tỉnh.
“Điều này nhằm giảm tải áp lực và tạo sự đồng nhất đối với các địa phương, đặc biệt là những người dân sinh sống tại các địa phương vùng sâu, vùng xa có thể tham gia trực tiếp trên địa bàn tỉnh của mình”, ông Hải Anh nói.
Trước các ý kiến góp ý, đại diện Cơ quan soạn thảo là Bộ Công an thừa nhận việc xác định giá khởi điểm của biển số ô tô “hết sức phức tạp” do đây là tài sản công đặc thù, giá trị cao hay thấp phụ thuộc vào thị trường và mức độ «đẹp» theo sở thích của người tham gia đấu giá.
Tuy nhiên, Bộ Công an cho rằng, giá khởi điểm chỉ là mức ban đầu, tính cạnh tranh giữa những người tham gia sẽ quyết định giá trúng đấu giá của biển số đó. Như vậy, giá trị thật của biển số không phụ thuộc vào giá khởi điểm.
https://www.baogiaothong.vn/nen-phan-loai-bien-dep-roi-dua-ra-muc-gia-dau-d571282.html