Nga khẳng định, Thụy Điển và Phần Lan cần từ chối triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ sau khi gia nhập khối quân sự NATO, hoặc là Moscow sẽ có biện pháp để đáp trả.
- Nga cảnh báo EU và G7 về hậu quả của quyết định áp giá trần dầu mỏ
- Nga cảnh báo hậu quả nếu NATO chuyển giao tên lửa Patriot cho Ukraine
Izvestia ngày 9/2 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết, sau khi gia nhập NATO, Thụy Điển và Phần Lan nên lựa chọn từ chối "triển khai vũ khí hủy diệt hàng loạt trên lãnh thổ, cũng như hạn chế sự xuất hiện của lực lượng liên minh và cơ sở hạ tầng quân sự".
"Đã có những tiền lệ như vậy. Hãy chờ xem", ông Grushko nói và cảnh báo: "Trong mọi trường hợp, Phần Lan và Thụy Điển phải hiểu rằng, chúng tôi sẽ cân nhắc mọi mối đe dọa quân sự tiềm tàng từ lãnh thổ các nước đó trong kế hoạch phòng thủ của Nga".
Theo lời quan chức ngoại giao Nga, Stockholm và Helsinki đã duy trì quan điểm trung lập trong nhiều năm, nhưng "đột ngột quyết định gia nhập NATO chỉ sau một đêm", động thái mà Moscow lâu nay thể hiện sự không hài lòng.
Phần Lan và Thụy Điển chưa bình luận về tuyên bố của Nga. Hai quốc gia Bắc Âu đang trong quá trình gia nhập NATO và cần được tất cả 30 thành viên liên minh quân sự chấp thuận. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa "bật đèn xanh" vì các bất đồng về người Kurd với Thụy Điển.
Nga hiện có chung đường biên giới trên đất liền dài hơn 1.200km với các quốc gia thành viên NATO. Khi Phần Lan gia nhập NATO, con số này sẽ tăng lên 2.600km. Việc NATO mở rộng hiện diện ở cửa ngõ khiến Nga bất an, bởi Moscow và NATO lâu nay vẫn coi nhau là đối thủ chính.
Hồi tháng 11/2022, Thủ tướng Phần Lan và người đồng cấp Thụy Điển cho biết hai nước này vẫn để ngỏ khả năng triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ sau khi gia nhập NATO.