Loại tên lửa hành trình mới được xem là đột phá trong công nghệ quân sự của Nga và là thành phần bổ sung cho khả năng răn đe chiến lược của chính quyền Moskva.
- Tổng thống Belarus: Mỹ đang ép Nga sử dụng vũ khí hạt nhân
- Quốc hội Nga tranh luận về việc thu hồi lệnh cấm thử hạt nhân
Ngày 5/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu với những người tham dự Câu lạc bộ thảo luận Valdai ở Sochi rằng, Nga đã thử nghiệm thành công một tên lửa hành trình mới có tên là Burevestnik, tên lửa này có thể mang vũ khí hạt nhân và có thể bắn tới bất cứ đâu trên thế giới.
Tổng thống Putin nhắc lại rằng, theo học thuyết hạt nhân hiện tại của Nga, Moskva sẽ chỉ sử dụng vũ khí chiến lược của mình để đáp trả sự xâm lược của kẻ thù, nhưng ông nhấn mạnh khả năng đáp trả của Nga sẽ đồng nghĩa với những tổn thất “hoàn toàn không thể chấp nhận được” đối với bất kỳ kẻ xâm lược tiềm năng nào.
Những hình ảnh về tên lửa Burevestnik.
Burevestnik là gì?
Tên lửa hành trình 9M730 Burevestnik, được NATO định danh là SSC-X-9 Skyfall, điều đặc biệt là tên lửa này chạy bằng năng lượng hạt nhân, điều này giúp nó có thể hoạt động trong bầu khí quyển Trái đất trong nhiều ngày, nhiều tuần thậm chí nhiều tháng.
Công việc phát triển sản xuất Burevestnik bắt đầu vào tháng 12/2001, ngay sau khi Mỹ tuyên bố ý định rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM). Tên lửa mới được đặt tên là Burevestnik ngay sau khi nó được tiết lộ trước công chúng vào năm 2018. Burevestnik trong tiếng Nga có nghĩa là "kẻ gây bão", "nhà tiên tri của cơn bão" hay "chim hải âu".
Trong khi hầu hết các đặc điểm của Burevestnik vẫn được giữ bí mật, thì những thước phim về tên lửa này do quân đội Nga công bố đã giúp các chuyên gia hình dung sơ bộ về các thông số của nó. Các chuyên gia quân sự cho rằng, trọng lượng của Burevestnik chỉ tương đương với tên lửa tên lửa hành trình tầm xa Kh-101, mặc dù tên lửa mới có kích thước lớn hơn tới hai lần Kh-101.
Ngoài ra, cánh của tên lửa hành trình Burevestnik được đặt ở phía trên thân tên lửa, thay vì bên dưới thân như Kh-101. Burevestnik khởi động bằng nhiên liệu rắn, lực đẩy được cung cấp bởi động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân hoặc động cơ phản lực. Tên lửa có chiều dài khi phóng khoảng 12 mét, giảm xuống còn 9 mét khi động cơ tách ra khỏi tên lửa.
Thông tin chi tiết về quá trình phát triển và đặc điểm của động cơ hạt nhân sử dụng trên Burevestnik vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, ngay sau bài phát biểu giới thiệu loại vũ khí này vào tháng 3/2018 của Tổng thống Putin, truyền thông Nga tiết lộ rằng, các nhà khoa học đã hoàn thành thử nghiệm động cơ hoạt động bằng năng lượng hạt nhân có thể được sử dụng trong tên lửa hành trình và các phương tiện tự lái dưới nước.
Burevestnik cũng đã trải qua quá trình thử nghiệm trên quần đảo Novaya Zemlya ở phía bắc nước Nga, thử nghiệm thực địa đối với động cơ của nó được hoàn thành vào tháng 1/2019. Các cuộc thử nghiệm bổ sung với hàng chục vụ phóng đã được thực hiện từ tháng 6/2016 đến tháng 8/2023.
Tên lửa Kh-101.
NATO gióng lên hồi chuông cảnh báo
“Burevestnik sẽ mang lại cho Nga loại vũ khí hạt nhân có công suất thấp với phạm vi hoạt động không giới hạn”, thiếu tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu Mike Lyons nói với truyền thông Mỹ chỉ vài giờ sau bài phát biểu tại Valdai của Tổng thống Putin.
“Burevestnik là tên lửa hành trình thông thường và có thể được sử dụng trên chiến trường. Trong góc nhìn chiến lược, nếu Nga triển khai vũ khí này ở Bắc Cực, họ có thể dễ dàng phóng tên lửa từ các căn cứ ở đó để tấn công các mục tiêu ở Mỹ mà không cần sử dụng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM)”, Lyons giải thích.
Vào năm 2020, Giám đốc Tình báo Quốc phòng lúc đó là Trung tướng Jim Hockenhull đã cảnh báo rằng, “Burevestnik có phạm vi tiếp cận trên toàn cầu rất hiệu quả và sẽ cho phép tấn công từ những hướng bất ngờ, điều này mang lại cho Moskva một loại vũ khí có thời gian bay gần như vô hạn”.
Bên cạnh đó, Burevestnik là tên lửa hành trình nên nó có thể thực hiện chuyến bay ở độ cao thấp từ 50-100 mét, khiến nó về cơ bản vô hình trước radar của đối phương.
Chuyên gia Dmitry Kornev, người sáng lập cổng thông tin MilitaryRussia.ru đã theo dõi sự phát triển của Burevestnik kể từ lần xuất hiện đầu tiên vào năm 2018, cho biết:
"Đặc điểm tầm bắn tuyệt vời của Burevestnik giúp tên lửa có khả năng di chuyển về phía mục tiêu từ một hướng hoàn toàn bất ngờ. Và do đó trở thành một phương tiện hiệu quả trong khả năng răn đe chiến lược của Moskva, để đối phó với những chiến lực gần đây của Mỹ nhằm vô hiệu hóa các mục tiêu kiểu như tên lửa hành trình Nga".
Kornev cho biết thêm, với tầm bắn cực xa kết hợp với khả năng cơ động, giúp cho Burevestnik tạo nên sự khác biệt so với tên lửa đạn đạo truyền thống, vốn bay theo quỹ đạo cố định và khiến chúng dễ bị đánh chặn.
Tên lửa hành trình thông thường có thể thực hiện các thao tác cơ động, uốn lượn đường bay theo địa hình, tuy nhiên chúng lại bị giới hạn về phạm vi hoạt động. Nhưng đối với Burevestnik, không có giới hạn nào về phạm vi bay, nghĩa là nó có thể bay vòng quanh toàn bộ lục địa, đại dương và thậm chí bay vòng quanh Trái đất nhiều lần trên đường đến mục tiêu.
“Đây là một thành phần hoàn toàn mới trong lực lượng răn đe hạt nhân của chúng tôi”, ông Dmitry Kornev nhấn mạnh và cho biết Burevestnik sẽ là phương tiện tạo nên “bộ tứ hạt nhân mới” mà trước đó đã có 3 thành phần, bao gồm máy bay ném bom tầm xa, tàu ngầm hạt nhân và các đơn vị tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Các chuyên gia Nga đang kiểm tra tên lửa Burevestnik.
Mỹ sẽ đối phó như thế nào?
Các nhà quan sát nhấn mạnh rằng, “Hiện nay, Lầu Năm Góc không có gì trong kho vũ khí của mình để chống lại Burevestnik, nhưng họ sẽ tăng cường phòng thủ trên không, mặc dù điều đó không đảm bảo rằng những tên lửa của Nga sẽ bị đánh chặn hoàn toàn”.
Kornev nhấn mạnh thêm, có khả năng Mỹ sẽ phát triển các phương tiện giám sát ngoài không gian để kịp thời phát hiện những tên lửa như vậy. Nếu biết những tên lửa như vậy đang bay ở đâu, thì bất kỳ máy bay chiến đấu nào cũng có thể bắn hạ chúng. Nhưng để làm được điều đó, cần phải có một hệ thống phát hiện, một hệ thống truyền thông tin tối tân. Đó sẽ là một khoản đầu tư khổng lồ, những chi phí này vượt gấp nhiều lần chi phí phát triển chế tạo tên lửa Burevestnik.
Theo các chuyên gia quân sự, vẫn còn nhiều câu hỏi liên quan đến tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân, liệu Nga có tạo ra một hệ thống vũ khí để triển khai Burevestnik không? Bởi vì khả năng của tên lửa là một chuyện, nhưng để tạo ra một phương tiện vận chuyển và phóng tên lửa, cũng như đào tạo nhân sự và vận hành chúng lại là chuyện khác.
Theo quan điểm của Kornev, một vấn đề khác nằm ở chỗ Burevestnik là hệ thống đầu tiên trên thế giới thuộc loại này. "Chúng tôi không có kinh nghiệm, vì vậy tất nhiên sẽ có những rủi ro nhất định. Nhưng nếu chúng ta không thực hiện chương trình Burevestnik một cách nghiêm túc, chúng ta chắc chắn sẽ khó có thể tạo ra thứ gì đó độc đáo so với đối thủ", nhà quan sát tổng kết.
https://vtc.vn/nga-la-quoc-gia-dau-tien-tren-the-gioi-so-huu-bo-tu-ran-de-hat-nhan-ar825858.html