Trong một tuyên bố được Người Phát ngôn Điện Kremlin đưa ra ngày 23/6, Moscow khẳng định là nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy của châu Âu, đồng thời lý giải việc cẳt giảm nguồn cung khí đốt đối với Đức.
- Canada tính trả lại tuabin khí đốt cho Nga
- Nga nêu lý do cắt giảm cung cấp khí đốt cho EU
- EU ký thỏa thuận xuất khẩu khí đốt với Israel và Ai Cập
- Nga tiếp tục giảm nguồn cung khí đốt tới châu Âu
TASS dẫn lời Người Phát ngôn Dmitry Peskov nêu rõ: "Nga thực hiện nghiêm túc tất cả cam kết của mình. Với tư cách là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy với châu Âu suốt nhiều thập kỷ, Nga luôn coi trọng danh tiếng của mình trong lĩnh vực này".
Ông Peskov cũng bác bỏ cáo buộc của Đức cho rằng việc Moscow cắt giảm nguồn cung khí đốt đối với nước này là hành động đáp trả chính trị: "Tôi nhắc lại rằng Nga đã và vẫn là nhà cung cấp nguồn năng lượng tin cậy cho châu Âu".
Người Phát ngôn Điện Kremlin lý giải, công ty Siemens của Đức đã trì hoãn việc trả lại các linh kiện cho một trạm nén cần sửa chữa, nên Nga buộc phải cắt giảm 60% khí đốt được vận chuyển tới Đức qua đường ống Nord Stream.
"Các đối tác Đức của chúng tôi nhận thức rõ về chu trình bảo dưỡng công nghệ của một đường ống, vì vậy thật kỳ lạ khi gọi đó là hành động chính trị", ông Peskov nhấn mạnh.
Tuần trước, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã ra một thông báo về việc cắt giảm đáng kể nguồn cung khí đốt tới Đức qua đường ống Nord Stream 1 với lý do sửa chữa máy nén, trong khi chính phủ Đức cáo buộc quyết định này mang mục đích chính trị.
Được biết, Đức đã cố gắng giảm thị phần khí đốt tự nhiên do Nga cung cấp từ 55% trước chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine xuống còn khoảng 35%. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng đã tìm kiếm các nguồn cung cấp mới và đẩy nhanh kế hoạch nhập khẩu khí đốt vào nước này bằng đường biển dưới dạng khí hóa lỏng tự nhiên (LNG).
Hôm 19/6, Đức tuyên bố sẽ khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than trong bối cảnh Nga siết nguồn cung khí đốt, dù việc này có thể tác động nặng nề đến nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu.
Theo Phó Thủ tướng Đức Habeck, dự luật về tăng cường nhiệt điện than dự kiến được thông qua vào ngày 8/7 tại Bundesrat, Thượng viện Đức và thời kỳ tăng nhiệt điện than dự kiến kéo dài tới 31/3/2024, thời điểm Chính phủ Đức hy vọng đã tìm ra biện pháp thay thế bền vững hơn.