Trước thực trạng có địa phương, bệnh viện "ngại" mua thiết bị y tế vì sợ kỷ luật, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng không phải sợ mua sắm mà sợ mua sắm bậy bạ.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 27/5, khi đề cập vấn đề đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, mua sắm công trong phòng, chống COVID-19 rất lúng túng.

Có tình trạng các nơi sợ việc mua sắm, ngay cả vật tư thiết bị phòng chống dịch cũng rất sợ. Phóng viên VTC News có cuộc phỏng vấn ông Lưu Bình Nhưỡng – Đại biểu Quốc hội khóa XIV về thực trạng này.

Ngại mua thiết bị y tế vì sợ kỷ luật: 'Không phải sợ mua mà sợ mua sắm bậy bạ' - 1
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng.

- Tại buổi làm việc của Thủ tướng với Bộ Y tế ngày 15/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhắc đến thực trạng một số địa phương đang có tâm lý “ngại” mua máy móc, thiết bị y tế do sợ bị xử lý, kỷ luật. Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng, thực tế này không chỉ ở các địa phương còn đang xảy ra dịch mà ở cả các bệnh viện lớn trong giai đoạn chống dịch, thưa ông?

Theo tôi, thực trạng trên bộc lộ một sự yếu kém, lúng túng ở địa phương. Ở đây, có hai vấn đề rất rõ là đạo đức và pháp luật.

Ở khía cạnh đạo đức, điều đòi hỏi chính là sự tiên phong, vào cuộc một cách quyết liệt của ngành y tế, thậm chí chấp nhận sự hy sinh khi dịch bệnh xảy ra.

Còn về vấn đề pháp luật thì chúng ta làm gì cũng có luật quy định. Các địa phương, các bệnh viện không phải sợ mua sắm mà sợ mua sắm bậy bạ, trái pháp luật.

Tôi lấy ví dụ câu chuyện nâng giá, thổi giá, thông đồng để ký hoặc đưa những thiết bị cũ, lạc hậu nhưng lại nói đó là thiết bị mới để đưa vào điều trị. Câu chuyện này xảy ra rất nhiều ở các địa phương.

Thế có gì phải sợ? Mình làm đúng, mua đồ tốt, dù giá đó có đắt thì cũng không phải sợ điều gì.

Nhưng tất cả những sai phạm vừa qua trong mua sắm thiết bị, đấu thầu từ giá thuốc trở đi, đối chiếu theo quy định của pháp luật là sai phạm. Rõ ràng có sự thông đồng, trục lợi từ ngân sách, lợi ích nhóm…

Ngại mua thiết bị y tế vì sợ kỷ luật: 'Không phải sợ mua mà sợ mua sắm bậy bạ' - 2
luu-binh-nhuong-1.jpeg
Các địa phương, các bệnh viện không phải sợ mua sắm mà sợ mua sắm bậy bạ, trái pháp luật.

Ông Lưu Bình Nhưỡng - Đại biểu Quốc hội khóa XIV

- Phải chăng do những bất cập trong Luật Đấu thầu khiến lãnh đạo các địa phương, các bệnh viện đều có tâm lý e ngại và sợ chịu trách nhiệm?

Nếu Luật Đấu thầu có bất cập thì tại sao từ lâu nay không ai có đề cập để xem xét. Hơn nữa, Luật của Quốc hội ban hành, tất cả các bộ ngành đều tham gia đóng góp ý kiến.

Nếu Luật Đấu thầu bất cập ở điểm gì chúng ta phải nói rất rõ. Ở đây có liên quan quá trình thẩm định giá, ký hợp đồng. Giá ở nước nhập về và giá của chúng ta chênh nhau thì xử lý vấn đề đó thế nào, chi phí vận chuyển ra sao, tỷ lệ lợi nhuận tính thế nào cho hợp lý..., chứ không phải câu chuyện mua 2 tỷ đồng nói 10 tỷ đồng.

- Trong Luật Đấu Thầu, khoản 22.1 quy định cụ thể điều kiện được chỉ định thầu trong các trường hợp phòng chống dịch cấp bách nhưng tại sao các địa phương, Bộ ngành, lãnh đạo bệnh viện không áp dụng triệt để?

Vấn đề này phải xem cơ chế đã được phân cấp chưa. Ở cấp nào mới được quyền chỉ định thầu, chỉ định phạm vi nào…

Bộ ngành phải hướng dẫn các địa phương. Bộ Tài chính và Bộ Y tế phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để hướng dẫn thực hiện các quy định đó.

- Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường thì việc các địa phương và các bệnh viện “ngại” nhập máy móc thiết bị, vật tư phục vụ chống dịch sẽ nguy hiểm thế nào, thưa ông?

Nếu các địa phương, các bệnh viện không nhập thiết bị, không nhập thuốc về chống dịch, chữa bệnh thì người bệnh trông cậy vào đâu. Làm như thế, về mặt pháp luật cũng như đạo đức không xứng đáng là người ở tuyến đầu mặt trận chống dịch.

Khi các địa phương, bệnh viện có tâm lý “ngại” mua máy móc, thiết bị y tế do sợ bị xử lý, kỷ luật, thì ai là người phải chịu trách nhiệm trước thực trạng đó?

Tôi cho rằng người đứng đầu các địa phương và các ngành phải chịu trách nhiệm về vấn đề đó. Lãnh đạo Bộ ngành, địa phương, đơn vị chỉ vì sợ trách nhiệm mà không làm là không chấp nhận được. Bản lĩnh cán bộ, đức hy sinh ở đâu?

- Có chuyên gia cho rằng, hiện nay nhiều lãnh đạo các địa phương, Bộ ngành hay các bệnh viện lớn đều có tâm lý thích nhận tiền hỗ trợ từ Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam hoặc nhận tài trợ bằng hiện vật chứ không muốn chờ đợi từ việc đấu thầu mua sắm các thiết bị y tế?

Câu chuyện đó thuộc cơ chế của MTTQ Việt Nam và bản thân MTTQ Việt Nam phải nghiên cứu. Tôi cho rằng, cần lưu ý, khoản tiền vào MTTQ Việt Nam là quỹ nằm ngoài ngân sách. Tuy nhiên, khi chi tiêu vẫn tuân thủ theo hệ thống tài chính Nhà nước, không phải tùy tiện.

Khi chi tiêu từ quỹ đó, MTTQ Việt Nam phải vận dụng tất cả các vấn đề kế toán, tài chính, tuân thủ các quy định.

Vấn đề đặt ra, ai là người sẽ được chi tiêu, chi tiêu bao nhiêu, chi tiêu vào khoản gì; câu chuyện đấu thầu hay không đấu thầu, chỉ định hay không chỉ định… tự MTTQ Việt Nam sẽ bàn bạc và có quy chế.

Tôi cho rằng, nếu MTTQ Việt Nam làm sai thì tổ chức này cũng phải chịu trách nhiệm.

Ngại mua thiết bị y tế vì sợ kỷ luật: 'Không phải sợ mua mà sợ mua sắm bậy bạ' - 3
Cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm và 6 đồng phạm liên quan đến vụ trục lợi khi nâng giá máy xét nghiệm COVID-19 khiến dư luận phẫn nộ.

- Thời gian qua, nhiều lãnh đạo, cán bộ y tế bị đưa ra xét xử vì nâng khống giá thiết bị y tế, ăn chặn tiền của bệnh nhân khiến ông có suy nghĩ gì?

Những người ăn chặn vào tiền của dân nói chung, người bệnh nói riêng là không chấp nhận được.

Những người đó vì lợi ích nhóm mà nâng giá lên, người chịu thiệt thòi chính là người dân. Họ khổ vì bệnh tật, nghèo đói giờ lại thêm những người nâng giá thiết bị vật tư y tế phục vụ cho phòng dịch, máy xét nghiệm… thì đó là hại dân.

Thủ tướng từng nói: “Nhiệm vụ ưu tiên số 1 là phòng chống dịch”. Phòng chống dịch không chỉ có quyết tâm không mà phải có nguồn lực, thiết bị, máy móc, con người, có lãnh đạo chỉ đạo.

Với những ai không làm được thì đứng sang một bên, cách chức, đình chỉ chứ không có câu chuyện ngồi đó mà nói không làm, sợ không dám làm. Chức vụ, quyền lợi, lợi ích, danh hiệu, phần thưởng thì tìm mọi cách để nhận, còn nhiệm vụ, khó khăn thì tìm cách lẩn trốn, đào ngũ…

- Tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội diễn ra chiều 27/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, đừng để "vừa mất tiền, vừa mất người". "Mất người là mất toàn đội ngũ tinh hoa, GS,TS, thầy thuốc nhân dân…". Theo ông, giải pháp gì để khắc phục thực trạng trên?

Để khắc phục thực trạng trên, chỉ có làm đúng chứ không phải là án binh bất động cầu an. Các Bộ ngành lúng túng chỗ nào phải hướng dẫn ngay lập tức chứ không phải ngồi đó kêu ca, lo sợ.

Tôi lấy ví dụ, Bộ Y tế thấy cấp dưới lúng túng thì phải làm việc với Bộ Tài chính thống nhất cơ chế nào để thực hiện quy định này. Có những vấn đề không được phải xin ý kiến Thủ tướng ngay. Các cơ quan quản lý Nhà nước phải tháo gỡ với nhau.

Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội phải giám sát để đánh giá, kiến nghị chính sách, pháp luật và giải pháp thực hiện cho hiệu quả.

Nếu các đơn vị cứ mãi lúng túng thì có tiền cũng không chi được, có tiền không mua được vaccine, thiết bị y tế.

Xin cảm ơn ông!

NGUYỄN HUỆ (thực hiện)

Các nước gửi thiết bị y tế giúp Ấn Độ Các nước gửi thiết bị y tế giúp Ấn Độ
Cháy cơ sở kinh doanh thiết bị y tế trong đêm, khói độc bao trùm nhà dân Cháy cơ sở kinh doanh thiết bị y tế trong đêm, khói độc bao trùm nhà dân
100 loại thiết bị y tế "trùm mền" 100 loại thiết bị y tế "trùm mền"

/ vtc.vn