4 học sinh của một trường THPT ở Hà Nội có biểu hiện mệt mỏi, buồn nôn ngã ra sàn lớp học phải nhập viện cấp cứu sau khi hút thuốc lá điện tử; một nữ sinh viên 20 tuổi ở Hà Nội bị ngừng tim sau khi được bạn rủ rê hút thuốc lá điện tử chứa cần sa; một thiếu niên 16 tuổi ở Ninh Bình sau buổi liên hoan với bạn bè về nhà co quắp, gồng cứng người, đau ngực đưa cấp cứu sau khi dùng bóng cười…Ma tuý thế hệ mới ẩn núp dưới nhiều hình thức với những chất cực độc, đang lôi kéo giới trẻ vào những cơn nghiện, tác động nguy hiểm tới sức khỏe, có thể biến người trẻ tuổi thành một "ông già".

Phì phèo điếu thuốc mới chứng tỏ "dậy thì thành công"

Con gái vốn là học sinh giỏi của một trường cấp hai nổi tiếng ở Hà Nội, cha mẹ không ngờ có một ngày nhận được thông báo "mời phụ huynh" của giáo viên chủ nhiệm. Họ sốc khi cô giáo cho biết, con gái và một nhóm học sinh bị bảo vệ nhà trường phát hiện trong cặp sách có thuốc lá điện tử. Khai thác thông tin, họ càng té ngửa khi biết, con gái sử dụng thuốc lá điện tử từ năm lớp 8, học theo một bạn trong lớp. Lâu dần, thỉnh thoảng nữ sinh này và vài học sinh ở trường khác đi chơi cùng nhau, cùng hút thuốc lá điện tử. "Năm nay là cuối cấp, thấy con chăm chỉ đi học thêm, chúng tôi vẫn nghĩ con chỉ tập trung vào học, không ngờ lại dính vào thuốc lá điện tử", vị phụ huynh này chia sẻ.

Ngăn chặn ma tuý thế hệ mới xâm nhập học đường -0
Tuyên truyền tác hại của ma túy trong học đường là một nội dung quan trọng trong công cuộc đấu tranh đẩy lùi tệ nạn ma túy. Ảnh: CTV.

 Tình trạng học sinh sử dụng thuốc lá điện tử không còn xa lạ, nhưng hầu như cha mẹ không phát hiện, chỉ khi có những vụ ngộ độc xảy ra hoặc thấy con có biểu hiện nặng thì nhiều người mới biết. TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Một số trẻ vị thành niên hiện nay đang bị lệch lạc, phải phì phèo thuốc lá điện tử thì mới ra dáng của "dậy thì thành công".

Trung tâm chống độc vừa điều trị cho một nam sinh 16 tuổi (Ninh Bình) có tư tưởng như vậy. Từ 3 tháng trước, nam sinh này bắt đầu hút thuốc lá điện tử. Phì phèo điếu thuốc để chứng tỏ mình "đã lớn", sau đó thành nghiện. Chiều ngày 25/3, nam sinh đi liên hoan cùng bạn bè. Đến 20h ngày 26/3, người nhà phát hiện học sinh này co quắp, gồng cứng người, đau ngực, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cấp cứu. Sau đó, bệnh nhân được chẩn đoán co giật chưa rõ nguyên nhân và được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai. Kết quả nam sinh này bị ngộ độc bóng cười.

Trước đó 2 ngày, Trung tâm cũng tiếp nhận nam bệnh nhân N.Đ.N (22 tuổi, Mai Sơn, Sơn La) vào trong tình trạng kích thích, nôn, chóng mặt, bủn rủn chân tay, đau thắt ngực trái từng cơn. Bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào 3 năm và hút thuốc lá điện tử từ tháng 1/2023. Theo người nhà, tối 23/3, bệnh nhân hút thuốc lá điện tử nhiều. Đến 3h, nam thanh niên uống cafe, hút thuốc lá điện tử và sau khoảng 1 giờ, bệnh nhân bị ngộ độc thuốc lá điện tử với các triệu chứng như trên.

Gần đây nhất, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) đã vào cuộc xác minh nhiều học sinh của Trường THPT Hà Đông phải nhập viện cấp cứu vì liên quan đến thuốc lá điện tử. Theo đó, vào ngày 4/4, 3 học sinh lớp 10 sau khi uống chai nước Fuzetea trà chanh sả của 1 học sinh thì mệt, buồn nôn, khó chịu, nóng trong người. Sau đó, cả 3 em được nhà trường đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 103. Qua xác minh, một học sinh thừa nhận đã nhỏ 2 giọt tinh dầu thuốc lá điện tử vào chai nước để trêu đùa bạn bè. Cùng ngày hôm đó, sau khi sử dụng pod hút thuốc lá điện tử của một người bạn cùng khối, 1 học sinh lớp 10 trường này choáng, mệt và ngã ra sàn lớp học.

Ngăn chặn ma tuý thế hệ mới xâm nhập học đường -0
Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu nhiều trường hợp học sinh, sinh viên ngộ độc thuốc lá điện tử và ma túy thế hệ mới. Ảnh minh họa.

Ngăn chặn sớm từ chính trường học và gia đình

Những năm qua, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nhiều bệnh nhân là trẻ vị thành niên, thiếu niên bị ngộ độc sau khi sử dụng nhiều sản phẩm thuốc lá điện tử, ma túy tổng hợp. "Từ những vụ việc vừa qua cho thấy thuốc lá điện tử đang len lỏi và xâm nhập sâu vào giới trẻ, dẫn dụ từ học sinh cấp hai theo các cách khác nhau từ hương vị, hương thơm, kiểu cách, hình thức, thậm chí cách truyền thông tạo nên sở thích, thị hiếu phong cách để dẫn dụ bán hàng", TS.BS Nguyễn Trung Nguyên lo ngại.

Theo TS Lê Trung Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản lý, Viện Nghiên cứu Tâm lý người sử dụng ma tuý (PSD), chất ma tuý lan truyền trong giới trẻ, cộng đồng xã hội khó phát hiện vì thiếu chế tài để kiểm soát. Thầy cô, cha mẹ và các em chưa được trang bị kỹ năng phòng ngừa, chưa có phòng tuyến lớp 1-2-3-4 bảo vệ các em trước "cơn bão" ma tuý.

Cấp cứu và điều trị cho rất nhiều học sinh, sinh viên ngộ độc do thuốc lá điện tử, ma tuý thế hệ mới, BS Nguyên cho biết: "Ma túy thế hệ mới có nhiều chất độc, nó có thể biến người trẻ tuổi thành một "ông già". Tim người trẻ rất khỏe mạnh, không dễ bị co thắt như người già có bệnh lý xơ vữa hay mỡ máu. Nhưng sau khi hút các chất gây nghiện, người trẻ tuổi rất nhanh chóng bị co thắt mạch vành, hẹp mạch máu gây tổn thương cơ tim. Có những trường hợp trẻ sử dụng ma túy tổng hợp dài ngày gây ra tổn thương não bộ nghiêm trọng như: Tai biến mạch máu não, xuất huyết não, co thắt làm vỡ mạch, tử vong; hoặc thiếu máu lên não nghiêm trọng, thậm chí cả nửa não bị thiếu máu não, nặng hơn rất nhiều so với nguyên nhân thiếu máu não ở người có tuổi".

Để ngăn ngừa thuốc lá điện tử và ma tuý tổng hợp thế hệ mới xâm nhập vào giới trẻ, BS Nguyên cho rằng, nhiều nước, trong đó có Trung Quốc, tháng 10/2022 cấm sử dụng thuốc lá điện tử. Việt Nam không còn cách nào khác là cần phải khẩn trương có quy định cấm lưu hành thuốc lá điện tử, nếu không sẽ phải đối mặt nhiều vấn đề phức tạp sắp tới, đợi khi hậu quả xảy ra trên diện rộng thì đã muộn.

Còn theo TS Lê Trung Tuấn, cần phải trang bị nhận thức từ các cha mẹ, thầy cô, xã hội…vì mọi người luôn cho rằng ma tuý xa vời và không đụng vào con em, gia đình mình. Nhưng khi "đụng" vào rồi, những thứ xây dựng để bảo vệ một cá thể vô cùng vất vả. Hành trình trở về của những thanh niên sử dụng ma tuý rất xa. Vì vậy, cần phải đào tạo, trang bị cho con em mình hiểu về tác động của ma tuý sẽ có hại gấp 10 lần so với những thứ các em yêu thích khác, từ đó các em sẽ có lựa chọn cách thể hiện bản thân phù hợp.

"Hiện nay, PSD đồng hành cùng Chính phủ, Bộ GD&ĐT ban hành bộ tài liệu có tính chất tổng thể cho 4 nhóm đối tượng cần tuyên truyền từ học sinh, sinh viên, giáo viên – cán bộ quản lý, cha mẹ. Bộ tài liệu cung cấp kiến thức cho từng đối tượng. Với cán bộ quản lý sẽ giúp thầy cô phát hiện sớm học sinh có dấu hiệu sử dụng ma tuý. Với cha mẹ, hướng dẫn cách phát hiện dấu hiệu lạ từ chai nước, ống hút, tờ giấy xé đi để tiên đoán liệu trình dấu hiệu con mình sử dụng ma tuý gì, cường độ bao lâu. Phát hiện sớm ngăn chặn con em mình lấn sâu vào ma tuý", TS Tuấn nói.

Theo chuyên gia, nếu mỗi năm chúng ta bỏ ra vài chục giờ đào tạo, thực hiện bài bản thì cái được lớn nhất chính là cứu được cả thế hệ. Nếu cộng đồng xã hội cùng vào cuộc chung tay thì sẽ thành công trong phòng ngừa ma tuý. Bộ GD&ĐT cũng ban hành bộ tài liệu này chính thống và có kế hoạch 5 năm tới để ngăn ngừa ma tuý học đường.

https://cand.com.vn/giao-duc/ngan-chan-ma-tuy-the-he-moi-xam-nhap-hoc-duong-i689485/

Trần Hằng / Công an nhân dân