Năm 2021, lực lượng quản lý thị trường và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số kiểm tra hơn 3.000 vụ lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng lậu.
- Lập sàn thương mại điện tử ảo, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư
- Bùng nổ nạn giả mạo thương mại điện tử để lừa đảo tuyển dụng
- Tăng truy vết dòng tiền qua các nền tảng thương mại điện tử
Tác động của dịch COVID-19 sau 2 năm qua đã thúc đẩy nhanh sự tăng trưởng thương mại điện tử và xu hướng mua sắm đa kênh có sự tăng trưởng vượt bậc, nhiều nhất trong nhóm người tiêu dùng phục hồi sau dịch.
Giao diện trang thương mại điện tử Tiki |
Tuy nhiên, mỗi năm, một sàn thương mại điện tử phát hiện hàng nghìn thương hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ hoặc kém chất lượng và thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ ra khỏi sàn. Dù vậy, đến nay tình trạng này vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để và đã làm giảm độ tin cậy đối với người tiêu dùng.
Còn nhiều kẽ hở
Hiện nay, các hình thức gian lận trong thương mại truyền thống đã diễn ra trên sàn thương mại điện tử với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy doanh thu thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và thuộc nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Báo cáo Toàn cảnh kinh doanh sàn thương mại điện tử nửa đầu năm 2022 cũng nêu rõ Việt Nam đang trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.
Một số ngành hàng làm đẹp, thời trang nữ, gia dụng là những sản phẩm được quan tâm, mua sắm nhiều nhất trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki và Sendo.
Đáng lưu ý, mức giá trên sàn thương mại điện tử Việt Nam nửa đầu năm 2022, phân khúc giá từ 200 nghìn đồng tới 5 triệu đồng dễ "chốt đơn" nhất trên tất cả sàn thương mại điện tử. Bởi những sản phẩm có giá trị cao, cần sự tư vấn và bảo hành lâu dài vẫn được người tiêu dùng ưu tiên mua sắm tại hệ thống cửa hàng, showroom uy tín.
Nhận định từ các chuyên gia cho thấy bên cạnh những kết quả tích cực, hiện nay thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức với những hạn chế trong khả năng kiểm soát rủi ro liên quan đến chất lượng hàng hóa, phương thức thanh toán, thiết lập các tuyến vận chuyển linh hoạt, xử lý thủ tục thông quan hàng hóa với chi phí vận hành tối ưu.
Thực tế cho thấy, nhiều sàn thương mại điện tử mải chạy theo việc thu hút người bán tham gia mà chưa chặt chẽ các khâu kiểm soát, xác minh các loại hàng hóa nên đã tạo kẽ hở cho hàng giả, hàng nhái chen chân.
Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), chia sẻ lợi dụng sự phát triển nhanh của thương mại điện tử và phương thức mua bán không tiếp xúc, thanh toán qua internet dễ dàng, nhiều tổ chức, cá nhân tìm mọi cách để trục lợi, do vậy, tình trạng kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng xảy ra trong thời gian qua có chiều hướng gia tăng rõ rệt.
Theo ông Nguyễn Đức Lê chia sẻ thương mại điện tử trước đây chỉ là bán hàng trên website của doanh nghiệp, cao hơn là trên các sàn thương mại điện tử. Nhưng hiện nay, các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok cũng bán được hàng và đây mới chỉ là bước đầu của nền kinh tế số.
Chưa kể, mô hình thương mại điện tử không chỉ ở một nơi, mà đa quốc gia, lãnh thổ, lĩnh vực. Vì vậy, việc đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, xâm phạm bản quyền sẽ gặp nhiều khó khăn trên không gian mạng.
Đơn cử như vụ thu giữ ở Thanh Hóa vừa qua, đối tượng sử dụng 2-3 địa điểm, nơi bán hàng riêng, nơi livestream riêng và kho lại ở một chỗ khác. Trong khi rất khó tiếp cận các địa điểm này vì đối tượng ở khu vực quân sự có đơn vị chức năng bảo vệ, ra vào rất khó khăn. Hoặc đối tượng sử dụng nhà riêng là nơi tập kết hàng, muốn khám nhà ở là nơi cất giấu theo luật phải có quyết định của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp quận, huyện.
Trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) thực hiện kiểm tra hơn 3.000 vụ việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với số tiền xử phạt lên tới hơn 20 tỷ đồng.
Dự báo trong từ 2-3 năm tới, tỷ lệ gian lận trên thương mại điện tử sẽ chiếm từ 50- 60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung.
Cũng trong năm 2021, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ gần 14.000 sản phẩm, thiết bị hỗ trợ điều trị COVID-19... có dấu hiệu vi phạm trên gần 4.300 gian hàng.
Một thống kê khác của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho thấy, mỗi năm cơ quan này nhận được khoảng 1.500 đơn khiếu nại của người tiêu dùng; trong đó, 50% số khiếu nại liên quan tới các giao dịch mua bán trên các nền tảng trực tuyến, gồm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và mua bán không có hóa đơn chứng từ.
Ông Vũ Anh - Giám đốc chiến lược sàn thương mại điện tử Vỏ Sò cũng cho rằng thực tế các sàn thương mại điện tử cố chạy theo mục tiêu mở rộng thu hút được nhiều người bán trên đó. Vì thế nên các sàn thương mại điện tử làm chưa chặt chẽ các khâu kiểm soát, xác minh các loại hàng hóa.
Điều này tạo ra tình trạng trong số các hàng hóa đưa lên sàn có rất nhiều mặt hàng giả, hàng nhái. Thêm vào đó là, có tình trạng mặc dù không phải là hàng giả hàng nhái nhưng tiêu chuẩn chất lượng một số mặt hàng không đảm bảo, gây thiệt hại cho chính người tiêu dùng.
Gắn trách nhiệm với chủ sàn
Thừa nhận những hạn chế tại các sàn thương mại điện tử hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết để bán hàng qua mạng, hầu hết các đơn vị đều phải đầu tư rất nhiều nhưng chỉ cần một đơn hàng giao không đúng, bị tố trên mạng xã hội thì phải rất lâu mới vực lại kinh doanh.
Bán hàng online là phương thức được nhiều cơ sở, doanh nghiệp áp dụng |
Bởi vậy, nên hiện nay các đơn vị đều phải có chính sách hậu mãi, không phải hàng mua rồi miễn đổi trả như trước. Do đó, người tiêu dùng thậm chí có thể trả hàng khi không hài lòng, không cần là hàng kém chất lượng.
Thời gian qua, để “lọc” hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, một số sàn thương mại điện tử đã dùng công nghệ “máy học” (một ứng dụng của trí tuệ nhân tạo AI) như Tiki, Sendo, Chotot... Thế nhưng, chủ các sàn thương mại điện tử cũng thừa nhận, dù áp dụng giải pháp nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để tình trạng hàng giả, hàng nhái.
Chẳng hạn, nếu người bán cố tình khai báo gian dối thông tin, lấy hình ảnh của sản phẩm khác đăng lên sàn để vượt qua bộ lọc chỉ có thể ngăn chặn, tháo gỡ sản phẩm, khóa shop bằng phản ứng nhanh của khách hàng qua report hoặc đường dây nóng…Ngoài ra, sàn áp dụng các biện pháp lọc kết hợp AI và thủ công.
Đại diện Sendo thông tin, ước tính bộ lọc có thể lọc chính xác từ 80-85% trường hợp hàng giả, hàng nhái và 100% với trường hợp hàng cấm theo quy định của pháp luật. Còn lại sẽ phát hiện thủ công dựa theo các mặt hàng thường bị làm giả và theo review của shop.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các sàn thương mại điện tử đang áp dụng chế độ đền bù cho khách hàng không may mua phải hàng giả, hàng nhái trên sàn. Theo đó, người mua thanh toán hàng hóa qua nền tảng của sàn thương mại điện tử từ 3-7 ngày sau khi giao hàng thành công nếu không có khiếu nại của khách hàng, sàn sẽ hoàn tiền cho người bán.
Tuy nhiên, việc ngăn chặn hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái không còn là vấn đề của một vài cá nhân, tổ chức hay công ty, mà là trách nhiệm của toàn xã hội và nhà nước.
Nhằm kiểm soát hàng giả hàng nhái trên thương mại điện tử, theo ông Vũ Anh, khi các đối tác đưa sản phẩm hàng hóa lên sàn bán, điều đầu tiên phải làm là mã số thuế, các thông tin của doanh nghiệp bán hàng phải đầy đủ.
Hơn nữa, các sàn cũng nên hợp tác, phối hợp với các đơn vị truy xuất nguồn gốc, hoặc các tổ chức tiêu chuẩn chất lượng… để xác minh đúng tiêu chuẩn và nguồn gốc hàng hóa.
Ông Nguyễn Đức Lê cũng cho rằng để việc đấu tranh chống hàng giả, buôn lậu trên các nền tảng thương mại điện tử đạt được hiệu quả cao lực lượng quản lý thị trường, cần được đào tạo thêm để có thể phát hiện, nhận diện được ngay các sản phẩm vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, vai trò của các chủ sàn thương mại điện tử, nhà cung cấp nền tảng kinh doanh cần được thể hiện rõ hơn, còn hiện nay chủ yếu mới chỉ là theo dõi đơn hàng.
Một vấn đề bức xúc cho người tiêu dùng nữa là việc khiếu nại với sàn thương mại điện tử cũng còn bất cập, do khi xảy ra khiếu nại khách hàng thường không được sàn giải quyết hoặc nếu có giải quyết thì rất chậm.
Bởi vậy, nếu các sàn thương mại điện tử làm tốt hơn khâu này sẽ đảm bảo tiêu chí vừa bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và chung tay chống hàng hóa nhập lậu, hàng kém chất lượng...
Theo Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025 (Kế hoạch 888), Tổng cục Quản lý thị trường đặt mục tiêu cụ thể hàng năm để đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm bản quyền hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ không những ở thương mại truyền thống mà cả không gian thương mại điện tử.
Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường cũng kết hợp với các cơ quan chức năng trao đổi thường xuyên hơn thông tin về hàng giả hàng nhái; kết hợp các hiệp hội, cơ quan báo chí để xử lý và ngăn chặ nnhững vi phạm, tạo môi trường lành mạnh cho doanh nghiệp chân chính và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
https://congthuong.vn/ngan-chan-nhung-vi-pham-gian-lan-tren-san-thuong-mai-dien-tu-178059.html