Những năm gần đây, số hộ dân không mặn mà với sản xuất nông nghiệp nói chung, gieo cấy lúa nói riêng ngày càng gia tăng. Tại Hà Nội, trong xu hướng đô thị hóa, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị xen kẹt hoặc do hạ tầng không đáp ứng được yêu cầu sản xuất nên bị bỏ hoang. Hiện các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương của thành phố Hà Nội đang nỗ lực ngăn chặn tình trạng đất nông nghiệp bỏ hoang, tránh lãng phí nguồn lực đất đai.

Huyện Gia Lâm tập trung phát triển các mô hình sản xuất rau an toàn để hạn chế đất nông nghiệp bỏ hoang.

Muôn hình, vạn trạng đất bỏ hoang

Hiện diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang của Hà Nội đều nằm trong vùng xen kẹt của các dự án đang giải phóng mặt bằng, hoặc gần khu dân cư, khu công nghiệp, trục đường đang thi công; đất nông nghiệp gặp khó khăn về thủy lợi, nước tưới hoặc nằm trong vùng trũng thấp, thường xuyên bị ngập úng… 

Bà Nguyễn Thị Năm (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) cho biết: “Để sản xuất được 3 sào lúa, mỗi năm, gia đình tôi phải sử dụng bẫy bả để đánh chuột 4 lần, quây ni lông quanh ruộng, nhưng chuột vẫn phá hoại, nên đành phải bỏ hoang. Gia đình tôi cũng muốn cho thuê trồng đào, hoa, cây cảnh, song do diện tích nhỏ, manh mún, không có người thuê”. Còn ở dọc đường trục kinh tế phía Nam (Cienco 5) thuộc địa bàn xã Tam Hương và xã Cự Khê (huyện Thanh Oai) có hàng chục héc ta ruộng bị bỏ hoang do nằm trong dự án, đã quy hoạch phát triển đô thị từ nhiều năm nay. 

Ngoài các yếu tố nêu trên, còn do nguyên nhân là ruộng đất manh mún, chi phí cao. Theo bà Nguyễn Thị Hương, một trong những hộ có ruộng để hoang tại xã Tân Hội (huyện Đan Phượng), gia đình bà có 2 sào ruộng, sau khi trừ chi phí thuê cày, bừa, gặt, mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu…, mỗi vụ lúa (6 tháng) nếu thuận lợi, được mùa cũng chỉ thu được khoảng 400-500 nghìn đồng/sào. 

Không chỉ ở các huyện cận đô, diện tích đất nông nghiệp ít, manh mún, chờ đô thị hóa, tại một số huyện thuần nông trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng có không ít diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Nguyên nhân của tình trạng này là do vào vụ mùa, mưa nhiều, gây ngập úng. Ông Trần Công Ninh (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa) chia sẻ, do nhiều năm gieo cấy vụ mùa bị ngập úng, nông dân đành để hoang, chờ vụ sau sản xuất hiệu quả hơn.

Người dân xã Hoa Sơn (huyện Ứng Hòa) áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, không để đất nông nghiệp bị bỏ hoang.

Vẫn còn nhiều bất cập

Mặc dù, các địa phương đã có nhiều nỗ lực để ngăn chặn nhưng đến nay, toàn thành phố vẫn còn hàng ngàn héc ta đất nông nghiệp bị bỏ hoang, hơn 4.000ha đất canh tác không hiệu quả, chỉ làm một vụ hoặc canh tác mang tính tận dụng. Cụ thể, huyện Thanh Oai có hơn 100ha, huyện Ứng Hòa khoảng 400ha, huyện Mê Linh hơn 100ha…

Theo Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Lê Minh Hoan, việc xử lý đất nông nghiệp bỏ hoang đã được quy định rất rõ trong Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19-11-2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Tại Điều 32, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP nêu rõ: Hành vi không sử dụng đất trồng cây hằng năm trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục, mà không thuộc trường hợp bất khả kháng quy định tại Điều 15 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP sẽ bị xử phạt tiền. Trong trường hợp đã bị xử phạt, mà không đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điểm h, Khoản 1, Điều 64 của Luật Đất đai.

Thế nhưng, trên thực tế việc xử phạt các cá nhân, hộ gia đình… về việc để ruộng bỏ hoang đang gặp rất nhiều vướng mắc, khó thực hiện. Do vậy, đi đôi với tuyên truyền, vận động người dân, mỗi địa phương cần có những giải pháp mang tính đột phá, sáng tạo. Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch cho rằng, để ngăn chặn tình trạng đất bỏ hoang, ngoài vận động người dân cải tạo đồng ruộng, kiên cố hóa kênh tiêu thoát nước, huyện đang giao cho các hợp tác xã thực hiện tốt việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, để ngăn chặn tình trạng đất nông nghiệp bỏ hoang, Hà Nội đã nỗ lực chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả, hoặc chuyển đổi các diện tích đất canh tác cho phù hợp với cây trồng, vật nuôi. Tổng diện tích đã chuyển đổi cây trồng trên đất lúa từ năm 2016 đến nay trên địa bàn thành phố là gần 10.000ha. Ngoài ra, Hà Nội cũng có tới hơn 5.000ha chuyển đổi nội tại trong cây trồng, vật nuôi để nâng cao giá trị sử dụng đất.

Một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay là chính sách chuyển đổi ruộng đồng trũng thấp, cấy lúa kém hiệu quả, sang nuôi trồng thủy sản vẫn còn nhiều bất cập. “Hà Nội đề nghị các bộ, ngành sớm hoàn thiện lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Luật Đất đai để trình Quốc hội thông qua, bảo đảm sự phù hợp với thực tiễn và gia tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa theo hướng tăng quy mô diện tích đất sản xuất nông nghiệp, gắn với quy hoạch lại giao thông, thủy lợi nội đồng; tiến tới tạo thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất, áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp, liên kết sản xuất, tiêu thụ và hạ giá thành sản phẩm, tăng thu nhập cho người sản xuất”, ông Nguyễn Mạnh Phương nhấn mạnh.

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1057660/ngan-chan-tinh-trang-dat-nong-nghiep-bo-hoang

BẠCH THANH / HNM.com.vn