Ngày 20.2, hàng ngàn người dân từ khắp nơi đã đổ về Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, Bình Định) để dự lễ hội Đống Đa.
Mùng 5 Tết, hàng ngàn người dân đi trẩy hội Đống Đa.
Đến từ sáng sớm, anh Nguyễn Vân (30 tuổi, du khách ở TP.HCM) cho biết, từ mùng 4 Tết anh đã đến Bình Định đi thăm thú các thắng cảnh ở phố biển Quy Nhơn. Sáng nay, cả gia đình đến Tây Sơn để thăm Bảo tàng.
“Đây là lần đầu tiên tôi được đi hội Đống Đa. Về Quy Nhơn trời hơi lạnh, lên Tây Sơn thì nắng gắt lo hai con không quen bị đau nhưng chúng tôi vẫn quyết định đến thăm Bảo tàng Quang Trung để bày tỏ lòng kính ngưỡng vị anh hùng dân tộc”, anh Vân cho hay.
Xin nước giếng uống, rửa mặt với mục đích cầu may, xin lộc đầu năm.
Ngoài đến tham quan, thắp hương tưởng nhớ vua Quang Trung và các văn thần võ tướng, năm nay du khách và người dân địa phương đến thăm quan Bảo tàng Quang Trung còn được xem hội thi làm bánh truyền thống với sự tham gia của 10 khối phố của thị trấn Phú Phong, xem múa lân sư rồng, các trò chơi đẩy gậy, kéo co, hội hô bài chòi…
Điều đặc biệt, không chỉ người dân địa phương, nhiều du khách đến Bảo tàng Quang Trung đều thành kính dâng hương tại Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt rồi ra giếng uống nước, rửa mặt với niềm tin tâm linh sẽ trị được bệnh tật. Thậm chí, có người còn mang theo chai lọ “xin” nước đem về cho người thân cùng uống để cầu may. Trong những ngày diễn ra lễ hội mừng chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (mùng 4 và 5 Tết Nguyên đán), khách thập phương đến dâng hương, uống nước để chữa bệnh, cầu tài lộc càng đông.
Du khách thích thú với những món quà lưu niệm ở đất võ Tây Sơn.
“Tuy sinh sống ở Quảng Nam nhưng quê gốc tôi ở Tây Sơn. Mỗi dịp Tết đến dù bận bịu đến mấy tôi cũng sắp xếp công việc để mùng 5 Tết đưa vợ con về thăm lại quê hương đất tổ, giới thiệu cho con biết quê cha có vị anh hùng dân tộc. Mỗi lần đến Bảo tàng Quang Trung, tôi càng thêm yêu và tự hào về lịch sử hào hùng của quê hương mình”, anh Võ Minh Đoan (40 tuổi) chia sẻ.
Trước đó, chiều 19.2 (mùng Bốn Tết Mậu Tuất), UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức Lễ kỷ niệm 229 năm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (1789 – 2018).
Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Kỷ niệm 229 năm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa lịch sử trên quê hương của Tây Sơn Tam Kiệt là việc làm có ý nghĩa thiết thực, thể hiện tình cảm, đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với thế hệ cha ông đã có công dựng nước và giữ nước, là dịp tôn vinh các giá trị truyền thống, lịch sử vẻ vang của dân tộc”.
Ông Thanh nhấn mạnh, hơn 2 thế kỷ đã trôi qua, từ lòng dân Bình Định đến lòng dân cả nước đều khâm phục những người anh hùng nông dân quật khởi, các tướng lĩnh oai hùng, tài hoa của sự nghiệp của nhà Tây Sơn... Tinh thần quật khởi của phong trào nông dân Tây Sơn, mà đỉnh cao là Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa mãi mãi tiếp sức cho thế hệ mai sau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hình ảnh phóng viên ghi nhận tại Bảo tàng Quang Trung vào ngày 20.2:
Ngày hội rộn ràng với rất nhiều trò chơi, bài chòi...
Chen chân xin nước giếng về nhà.
Gian bài chòi dân gian thu hút rất đông người dân.
Hàng nghìn người trẩy hội chùa Hương trong đêm Trước ngày khai mạc lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), hàng nghìn du khách đi đò đêm vào động lễ bái để kịp ... |
Du khách nô nức lên đỉnh Tà Xùa ngắm băng tuyết vui như trẩy hội Từ ngày 3.2 đến chiều 6.2, nhiệt độ trên đỉnh Tà xùa (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) hạ thấp từ âm 1 - 0 ... |