Ngày 27 tháng 7 - Ngày Thương binh Liệt sĩ - là dịp để cả dân tộc Việt Nam cùng cúi đầu tưởng nhớ những người đã ngã xuống và bày tỏ lòng tri ân sâu sắc với những người đã hiến dâng máu xương cho Tổ quốc, những người đang sống tiếp với vết thương chiến tranh và rộng hơn là với tất cả những ai đã có công với cách mạng.
Đây không chỉ là một ngày để tưởng niệm, mà là một ngày để biết ơn – biết ơn những liệt sĩ đã hóa thân vào lòng đất mẹ, biết ơn những thương binh vẫn sống với ký ức không nguôi của chiến trường, và biết ơn những người đã âm thầm góp sức, góp trí trong hành trình giải phóng dân tộc, gìn giữ độc lập và kiến thiết đất nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định đầy xúc động: "Người có công với cách mạng là tài sản quý báu của dân tộc, là biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước và đạo lý Việt Nam". Đây không chỉ là sự ghi nhận trang trọng, mà còn là lời nhắc nhở thế hệ hôm nay về một đạo lý cốt lõi: khi một dân tộc biết trân trọng người có công, thì dân tộc đó vẫn còn giữ được linh hồn và sức mạnh nội sinh.
Ngày 27/7 vì thế là ngày để cả đất nước sống chậm lại, nhìn sâu vào lịch sử và lắng nghe tiếng gọi của trách nhiệm. Bởi hòa bình không tự nhiên mà có. Độc lập không tự nhiên mà đến. Tổ quốc hôm nay là hình hài được xây đắp nên từ máu xương, từ sự phấn đấu, hy sinh của hàng triệu triệu người con đất Việt.
Máu xương đã xây đắp nên hình hài Tổ quốc
Việt Nam là một đất nước được xây đắp nên từ những cuộc chiến sinh tử. Mỗi tấc đất quê hương đều thấm mồ hôi, nước mắt và máu của biết bao người con ưu tú. Trong thế kỷ 20, hơn 1,2 triệu liệt sĩ đã nằm xuống. Hàng triệu thương binh mang trên mình thương tật không thể chữa lành. Và hàng triệu gia đình mãi mãi khuyết bóng người thân yêu.
Không có sự đánh đổi nào cao cả hơn sự đánh đổi bằng sinh mệnh. Không có tình yêu nước nào sâu sắc hơn tình yêu thể hiện bằng việc sẵn sàng ngã xuống cho dân tộc trường tồn. Chính họ – những anh hùng không tiếc máu xương, không tiếc thanh xuân – đã xây đắp nên hình hài của một Việt Nam độc lập, tự do, hôm nay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong lễ thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ tối ngày 26/7 tại Quảng Trị đã nhấn mạnh: "Đất nước ta vinh dự, tự hào đã sinh ra các Anh hùng liệt sĩ và các Anh hùng liệt sĩ đã làm rạng rỡ cho non sông, đất nước ta".
"Uống nước nhớ nguồn" - Cội rễ đạo lý Việt
Trong mọi nền văn hóa lớn, đạo lý tri ân luôn là điểm tựa cho đạo đức xã hội. Nhưng ở Việt Nam, tinh thần ấy không chỉ là đức tính, mà còn là hồn cốt dân tộc. Từ ngàn xưa, cha ông đã dạy: "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Đó không chỉ là lời dạy, mà là cách sống.
Trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt, đạo lý ấy càng tỏa sáng. Toàn dân tham gia các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", chăm lo cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng. Nhà nước đã ban hành hàng trăm chính sách ưu đãi người có công – thể hiện trách nhiệm thiêng liêng và bền bỉ của một quốc gia không bao giờ quên cội nguồn.
Nhưng điều đáng quý hơn nữa là: đạo lý ấy đã đi vào máu thịt người dân, như một niềm tin thế tục. Không ai bị bắt buộc, nhưng ai cũng tự nhiên thấy cần tri ân. Đó là sức mạnh tinh thần làm nên bản lĩnh Việt Nam.
"Uống nước nhớ nguồn" - Cội rễ đạo lý Việt
Tri ân không chỉ là hành động hướng về quá khứ. Tri ân là sự tiếp bước, là lời hứa với những người đã khuất rằng: "Chúng tôi sẽ không để sự hy sinh của các anh, các chị trở thành vô nghĩa."
Chúng ta tri ân bằng cách sống tử tế hơn, trách nhiệm hơn. Tri ân bằng việc xây dựng một xã hội nhân văn, công bằng - nơi những người có công không bị lãng quên, nơi lòng biết ơn không bị phai nhạt. Tri ân bằng cách trao lại niềm tin cho những thế hệ tiếp nối - rằng dù đất nước có hiện đại đến đâu, đạo lý vẫn là gốc rễ.
Có biết bao thương binh, tuy mất mát một phần cơ thể, nhưng không mất đi ý chí. Họ tiếp tục sống, tiếp tục cống hiến. Có người làm doanh nghiệp, người làm thầy giáo, người về quê làm giàu cho xóm làng. Họ chính là biểu tượng sống động của tinh thần "tàn nhưng không phế", là nguồn cảm hứng bất tận cho những thế hệ đi sau.
Sống xứng đáng với những hy sinh
Một ngày để biết ơn. Một đời để tiếp bước. Đó không chỉ là thông điệp, mà là lời hứa danh dự của cả dân tộc với những người đã nằm lại trong lòng đất mẹ.
Xin cúi đầu trước những người đã ngã xuống. Xin nghiêng mình trước những người thương binh vẫn mang nặng vết thương năm xưa. Và xin nhắn nhủ với chính mỗi chúng ta: hãy sống cho thật tử tế, sống có ích, sống biết, san sẻ, yêu thương và cống hiến, sống có trách nhiệm bởi đó là cách đẹp nhất để trả ơn.
Ngày 27/7, vì thế, không chỉ là một ngày lễ mà là một lời nhắc nhở thiêng liêng: khi lòng biết ơn còn hiện diện, thì dân tộc còn tiến xa. Khi đạo lý còn sáng, thì đất nước còn vững mạnh. Khi những nghĩa trang liệt sĩ vẫn được chăm sóc, là những đền đài thiêng liêng, thì Tổ quốc vẫn còn nguyên khí, vẫn còn đó sức mạnh nội sinh.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng