Với một bộ phận Phật tử, Phật đản chỉ là kỷ niệm ngày Phật ra đời, nhưng với những bộ phận Phật tử khác, đây là dịp kỷ niệm 3 sự kiện lớn trong cuộc đời Đức Phật.

Lễ Phật đản năm 2022 sẽ rơi vào Chủ nhật, ngày 15/5 Dương lịch, tức ngày rằm tháng 4 năm Nhâm Dần.

Nguồn gốc ngày lễ Phật đản 

Từ xa xưa, Đại lễ Vesak - Phật đản hay lễ Tam hiệp, là ngày lễ kỷ niệm 3 sự kiện quan trọng trong cuộc đời Đức Phật Thích Ca (Phật đản sinh, Phật thành đạo và Phật nhập Niết bàn). Đại lễ được tổ chức tại các quốc gia Phật giáo theo truyền thống Nam truyền, bắt đầu từ Sri Lanka, sau đó truyền sang Myanmar, Thái Lan, Lào... Phật giáo Tây Tạng cũng coi ngày này là ngày Tam hiệp. 

Theo truyền thống Phật giáo Bắc tông và Phật giáo Trung Hoa, Phật đản chỉ là ngày kỷ niệm ngày sinh của đức Phật Thích Ca. Ngày Phật đản hay Vesak, Tam hiệp được kỷ niệm vào các ngày khác nhau tùy theo quốc gia. Một số quốc gia với đa số Phật tử chịu ảnh hưởng Bắc tông (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) thường tổ chức lễ Phật đản vào ngày 8/4 Âm lịch. Các quốc gia theo Nam tông thường tổ chức vào ngày trăng tròn trong tháng 4 Âm lịch hay là ngày trăng tròn tháng 5 Dương lịch.

Ngày 28/10/1999, đại biểu các nước của 34 nước trên thế giới đệ trình lên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc dự thảo nghị quyết công nhận Đại lễ Vesak kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh, thành đạo và nhập Niết bàn.

Đến ngày 12/11/1999, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết công nhận ngày trăng tròn tháng 5 Dương lịch là Đại lễ Vesak kỷ niệm ngày đản sinh, thành đạo và nhập Niết bàn của Đức Phật.

Nghị quyết viết: "Lời dạy của Đức Phật, và thông điệp về từ bi, hòa bình và thiện tâm của ngài đã chuyển hóa hàng triệu người... Thừa nhận ngày trăng tròn tháng 5 hàng năm là ngày thiêng liêng nhất của Phật tử, kỷ niệm ngày sinh, thành đạo và nhập niết bàn của Đức Phật".

Ngày lễ Phật đản là ngày gì? - 1
Lễ Phật đản là ngày gì? Nhiều quốc gia coi đây là ngày Tam hiệp, kỷ niệm ngày Phật đản sinh, thành đạo và nhập Niết bàn.
 
Từ đó, năm 1999 đến nay, mỗi năm tại trụ sở chính của Liên Hợp Quốc ở New York và nhiều nơi trên thế giới, Liên Hợp Quốc đều tổ chức lễ kỷ niệm Đại lễ Vesak. Đặc biệt, các nước có truyền thống Phật giáo lâu đời tại châu Á, mỗi năm đều theo tinh thần của nghị quyết Liên Hợp Quốc mà long trọng tổ chức Đại lễ Vesak, trong đó có Việt Nam vào năm 2008 và năm 2014.
 

Đại lễ này diễn ra với nhiều nội dung, bên cạnh nội dung sinh hoạt tôn giáo, còn có hội thảo về các chủ đề Phật giáo đối với đời sống xã hội, triển lãm, biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân gian của các nước đăng cai, du lịch tham quan thắng cảnh, thắng tích Phật giáo.

Cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon từng phát biểu nhân Đại lễ Vesak 2007: "Hơn 2.500 năm qua, những lời dạy của Đạo sư Giác ngộ, Phật Thích Ca vẫn tiếp tục là kim chỉ nam và đã mang lại ý nghĩa cho cuộc đời của hàng triệu người trên thế giới.

Việc tổ chức hàng năm đại lễ này là cơ hội để Phật tử xác quyết niềm tin vào giáo lý của ngài, đồng thời phát huy tinh thần từ bi - trí tuệ và hòa bình mà Phật đã truyền trao".

Ý nghĩa ngày Phật đản

Phật đản là ngày nghỉ lễ quốc gia tại nhiều nước châu Á như Thái Lan, Nepal, Sri Lanka, Maylaysia, Miến Điện, Singapore, Indonesia, Hàn Quốc, Campuchia...

Vào ngày lễ, Phật tử thường vinh danh Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng (qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, đến nghe thuyết giảng) và thực hành ăn chay và giữ ngũ giới, tứ vô lượng tâm (từ bi hỷ xả), thực hành bố thí và làm việc từ thiện, tặng quà, tiền cho những người yếu kém trong cộng đồng.

Kỷ niệm Vesak cũng có nghĩa là làm những nỗ lực đặc biệt để mang lại hạnh phúc, niềm vui cho những người bất hạnh như người già cao niên, người khuyết tật và người bệnh, chia sẻ niềm vui và hòa bình với mọi người.

Ở một số quốc gia, đặc biệt là Sri Lanka, hai ngày được dành cho việc cử hành Vesak, việc bán rượu và thịt thường bị cấm và tất cả các cửa hàng rượu, bia và lò giết mổ phải đóng cửa do nghị định của chính phủ.

Chim, côn trùng và thú vật được phóng sinh như là một "hành động mang tính biểu tượng của sự giải thoát", của sự trả tự do cho những người bị giam cầm, bị bỏ tù, bị tra tấn trái với ý muốn của họ.

Tại Ấn Độ, Nepal, người dân thường mặc áo trắng khi lên các tịnh xá và ăn chay. Tại hầu hết các quốc gia châu Á đều có diễu hành xe hoa và nghi lễ tụng niệm, tại Hàn Quốc có lễ hội đèn hoa sen Yeon Deung Hoe rất lớn.

HOÀNG XUÂN / VTC News