Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc đầu tư giai đoạn 2 tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận.
- Đầu tư 1.000 tỷ đồng làm nút giao QL51 với cao tốc Bến Lức - Long Thành
- Cao tốc Bắc-Nam đoạn Cần Thơ-Cà Mau bao giờ thi công?
Cụ thể, căn cứ vào đề nghị của các địa phương và doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu, xử lý đề xuất của các địa phương TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Long An và Tập đoàn Đèo Cả về việc đầu tư giai đoạn 2 tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Trước đó, việc mở rộng tuyến cao tốc được nhận định là cấp thiết bởi tình trạng quá tải phương tiện hiện hữu. Báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, lưu lượng trên tuyến TP Hồ Chí Minh - Trung Lương tăng cao sau khi dừng thu phí, trung bình khoảng 51.000 lượt xe/ngày đêm. Lưu lượng tăng khiến tình trạng ùn ứ thường xuyên xảy ra, xe dàn hàng ngang, chạy vào làn khẩn cấp,… tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT.
Đặc biệt, năng lực thông hành rất thấp, tốc độ khai thác trung bình giảm xuống còn 60 - 70km/h trong khi vận tốc thiết kế là 120km/h. Riêng đối với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (giai đoạn 1) được thiết kế với vận tốc 80km/h, gồm 4 làn xe hạn chế, tuyến chưa bố trí làn dừng khẩn cấp liên tục mà chỉ bố trí điểm dừng khẩn cấp so le nhau khoảng cách thiết kế từ 4-5km.
Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, trong khoảng 3 tháng đưa vào vận hành không thu phí (từ ngày 30/4 đến ngày 3/8/2022), tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã phục vụ hơn 2,2 triệu lượt xe với lưu lượng xe giai đoạn cao điểm lên tới 30.000 lượt xe/ngày đêm.