Không ít cá nhân tham gia giao thông bị xử phạt hành chính do vi phạm nồng độ cồn nhưng phương tiện là do đi mượn. Vậy theo quy định, người cho mượn xe có bị phạt không và nếu xe bị tạm giữ họ có phải đi lấy xe về?

Theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, mức xử phạt với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển ô tô và xe máy tham gia giao thông đường bộ được quy định như sau:

Với người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn: Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/ 1 lít khí thở: phạt tiền 6-8 triệu đồng và tước GPLX từ 10-12 tháng;

Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/ 100 mililit máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/ 1 lít khí thở: phạt tiền 16-18 triệu đồng và tước GPLX từ 16-18 tháng;

Vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/ 1 lít khí thở: phạt tiền 30-40 triệu đồng và tước GPLX từ 22-24 tháng.

Về mức xử phạt đối với người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn: Chưa vượt quá 50 miligam/ 100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở: phạt tiền 2-3 triệu đồng và tước giấy phép lái xe (GPLX) từ 10-12 tháng;

Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/ 1 mililit máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/ 1 lít khí thở: phạt tiền 4-5 triệu đồng và tước GPLX từ 16-18 tháng.

Vượt quá 80 miligam/ 100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/ 1 lít khí thở: phạt tiền 6-8 triệu đồng và tước GPLX từ 22-24 tháng.

Bên cạnh đó, Luật Giao thông đường bộ 2008 cũng nghiêm cấm hành vi "giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ".

 
CSGT kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông ảnh 1

CSGT kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông

Theo các quy định trên, người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn sẽ bị xử phạt hành chính. Trường hợp phương tiện đi mượn và chủ phương tiện biết rõ người mượn xe không đủ điều kiện lái xe tham gia giao thông (vừa sử dụng rượu bia hoặc chất kích thích khác, trong tình trạng say xỉn, không có bằng lái...) mà vẫn giao xe cho mượn cũng sẽ bị xử phạt. Hình thức xử phạt tùy thuộc vào mức độ vi phạm.

Trường hợp xe cho mượn vi phạm giao thông bị tạm giữ, theo khoản 2 Điều 9 Thông tư 47/2014 của Bộ Công an về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, người đến nhận lại phương tiện phải là người vi phạm/ đại diện tổ chức vi phạm hành chính được ghi trong Quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm.

Khi đi phải mang theo Quyết định trả lại tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Căn cước công dân/ Hộ chiếu… (hoặc xác nhận nhân thân của UBND cấp xã nơi cư trú).

Theo đó, người đến nhận xe vi phạm phải là người vi phạm được ghi trong Quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chứ không phải chủ chiếc xe cho mượn. Người vi phạm có thể ủy quyền cho người khác đến nhận xe thay nhưng phải có văn bản ủy quyền theo quy định.

https://www.anninhthudo.vn/nguoi-muon-xe-vi-pham-nong-do-con-chu-xe-co-the-bi-phat-nang-post555940.antd

H.L / anninhthudo.vn