Theo chuyên gia Trần Đắc Phu, Chính phủ rất khó khăn đưa ra yêu cầu các địa phương dừng đón người dân hồi hương, bởi lúc này, chống dịch là mục tiêu tối thượng.

Trong chương trình “Gian nan con đường hồi hương” được phát sóng trực tiếp trên VTC1, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, đã có những chia sẻ rất thẳng thắn về vấn đề đang được cả nước quan tâm nhất hiện nay: Cuộc hồi hương của người dân từ vùng dịch TP.HCM trở về quê nhà tránh dịch.

VTC News xin trích dẫn những quan điểm của ông trong buổi toạ đàm này để bạn đọc cùng hiểu hơn về bối cảnh hiện nay của những cuộc hồi hương chưa từng có trong lịch sử Việt Nam.

- Hình ảnh xót xa của những bà con hồi hương trong một tâm thế chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử là họ đang tháo chạy khỏi vùng dịch. Không biết hình ảnh này gợi lên suy nghĩ gì trong ông?

Người ở đâu ở yên đó: Vì mục tiêu tối thượng là chống dịch - 1
tran-dac-phu.jpeg
Lúc này chống dịch là lên trên hết, là mục tiêu tối thượng

PGS-TS Trần Đắc Phu

Trước tiên, tôi cũng làm về vấn đề phòng chống dịch và y tế nhiều năm rồi. Tôi rất đắn đo cho xã hội, với người dân về công tác phòng chống dịch. Nhưng theo tôi, lúc này chống dịch là lên trên hết, là mục tiêu tối thượng.

Chúng ta cũng biết rằng Chính phủ đã phải rất cân nhắc mới ra công điện tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 thêm 14 ngày đối với 19 tỉnh, thành phố phía Nam và vận động, kêu gọi, kiểm soát người dân ở TP.HCM và các địa phương đang thực hiện giãn cách không được rời địa bàn.

Việc người dân đi từ TP HCM và các tỉnh đang có dịch trở về địa phương đang là vấn đề lớn. Điều này có thể dẫn tới sự lây chéo các ca bệnh với nhau vì có những trường hợp không khai báo, không chịu cách ly gây lây lan dịch cho gia đình và cả cộng đồng.

Chính quyền và người dân cần có giải pháp làm sao khắc phục những vấn đề vướng mắc hiện tại, không để lây lan dịch bệnh.

- Hiện nay có rất nhiều địa phương đưa ra những giải pháp rất kịp thời kết nối với hội đồng hương của mình ở TP.HCM cũng như các tỉnh phía Nam hỗ trợ người dân trở về quê cách ly. Nhưng cũng có địa phương lại lúng túng trước vấn đề này. Theo ông thì vấn đề này cần giải quyết như thế nào?

Trước tiên, trong công điện (của Chính phủ) đã nói rõ, người dân chỉ được di chuyển khi được phép. Ở khu vực phong tỏa, người dân đang ở đâu thì phải ở yên đó. Người dân không được phép di chuyển khi không có sự cho phép của địa phương đang cư trú. Dĩ nhiên điều này cần có sự thống nhất giữa chính quyền TP.HCM, các tỉnh phía Nam và địa phương tiếp nhận công dân muốn trở về quê.

Tuy nhiên, người dân cũng cần phải thông cảm cho chính quyền địa phương, bởi có những nơi rất khó khăn, không có chỗ cách ly, không đảm bảo việc phòng chống dịch bệnh, giám sát y tế, xét nghiệm, cách ly, nơi ăn chốn ở và đời sống của người dân...

Chúng ta cần phải có sự thống nhất giữa TP.HCM và các địa phương trong việc tổ chức hồi hương cho người dân. Và phải tính đến việc đề nghị người dân ở lại TP.HCM.

Các địa phương phải thấy được những khó khăn của người dân mới có thể giải quyết các vấn đề trước mắt. Cần làm sao để việc chính quyền tiếp cận với người dân trở nên dễ dàng hơn, để lo cho người dân ăn ở bình thường trong lúc đang phong tỏa, không đói ăn, thiếu mặc. Và chúng ta phải khắc phục những điểm còn thiếu sót.

Người ở đâu ở yên đó: Vì mục tiêu tối thượng là chống dịch - 2
Đà Nẵng hỗ trợ người dân hồi hương di chuyển qua địa phận thành phố. (Ảnh: VTC1)

Hiện nay các tỉnh Tây Nguyên đã có những ca dương tính bởi chính dòng người hồi hương từ các vùng dịch đã làm mất đi vùng xanh an toàn ở vùng sâu vùng xa trong đại dịch COVID-19, góc nhìn dịch tễ của ông về vấn đề này ra sao?

Đúng như vậy. Chúng ta đều biết người lao động ở TP.HCM đa phần là dân tứ xứ, họ không có chỗ ở cố định, một phần không nhỏ đến từ các vùng sâu, vùng xa, nhận thức về dịch bệnh của họ có thể chưa đủ. Chính điều này tạo nên sự phức tạp trong tổ chức khai báo y tế hoặc khoanh vùng dịch.

Thậm chí, chính quyền địa phương chưa chắc đã nắm được khi họ hồi hương vì y tế cộng đồng ở đó còn chưa có, cũng chưa có ca COVID-19 nào. Người dân khi về quê cũng chưa chắc biết mình nhiễm bệnh, từ đó lại lây lan ra người nhà, cộng đồng, thành ra không kiểm soát được.

Không kiểm soát được trong phòng chống dịch là điều chúng tôi rất sợ, bởi các ca bệnh rải rác có thể âm thầm bùng lên thành ổ dịch ở huyện, ở quận, lan ra cả tỉnh, cả thành phố.

Giống như câu chuyện của TP Hà Nội hiện nay, số ca bệnh chưa nhiều nhưng cứ rải rác giữa các quận nên chúng ta phải phong tỏa. Chúng tôi thấy rằng việc đó rất nguy hiểm.

Người ở đâu ở yên đó: Vì mục tiêu tối thượng là chống dịch - 3
PGS-TS Trần Đắc Phu trong cuộc tọa đàm "Hồi hương mùa dịch: Đường về nhà sao quá gian nan". (Ảnh: VTC1)

- Dưới góc độ chuyên gia y tế, theo ông, năng lực tiếp nhận lực lượng lao động hồi hương lớn như vậy ở các tỉnh miền Trung và phía Bắc hiện nay như thế nào?

Tôi cho rằng rất khó khăn. Các địa phương đó đang phải xử lý nhiều tình huống. Ví dụ những trường hợp cách ly người nhập cảnh, cách ly F0, F1 tại các địa phương, phân loại, rà soát lại phải xét nghiệm...v.v

Chúng ta phải tính toán sau cho hợp lý, kể cả việc âm tính tại thời điểm xét nghiệm. Nếu không cách ly 14 ngày thì trong thời gian đó có thể lây bệnh và tạo ổ dịch mới. Nhiều tỉnh và thành phố không có điều kiện để cách ly như vậy. Chúng ta phải tính toán rất kỹ, phối hợp vấn đề chống dịch với vấn đề an ninh. Phải đưa việc chống dịch lên hàng đầu, nhưng đồng thời cũng phải cân đối đảm bảo an ninh tại TP.HCM để cho người dân phần nào đó yên tâm ở lại tại chỗ. Như vậy sẽ nhàn hơn việc di chuyển xong lại phải cách ly. Đằng nào chúng ta cũng đã lấy việc phong tỏa làm cách ly.

Nếu được tiếp tế, bổ sung hậu cần đủ, người dân cố gắng ở lại cho đến khi hết dịch mới tính toán về quê sẽ tốt hơn. Chứ lúc đang dịch, việc di chuyển sẽ tạo ra gánh nặng về cách ly và xét nghiệm.

- Dư luận xã hội đang băn khoăn về cách các chính quyền địa phương từ chối tiếp nhận các lao động xa quê trở về để đảm bảo phòng chống dịch, coi đó là căn bệnh thành tích của địa phương lại vô tình đẩy gánh nặng cho các vùng dịch, điển hình như TP.HCM. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào? Liệu các địa phương bây giờ mới lên kế hoạch ngồi lại bàn với nhau thì có kịp hay không?

Tôi cho rằng chúng ta cứ xác định những người đang ở TP.HCM là đang ở khu vực phong tỏa. Chúng ta chấp nhận quy định phong tỏa, người dân ở đâu ở yên đó. Nhưng đồng thời, chúng ta phải cân đối lại cách tiếp cận, điều phối giữa hậu cần và giải quyết an sinh xã hội của người dân trong vùng dịch và dân lao động nhập cư.

Phải tính toán khó khăn của TP.HCM cũng là một vấn đề, tiếp đón những lao động nhập cư cũng là một vấn đề. Nếu cân đối được dưới sự chỉ đạo chung, điều hành, để việc chống dịch tốt hơn, đáp ứng được hậu cần, tránh đi lại tốn kém, thì người dân nên ở lại. Chứ về quê với hành trình như thế, kể cả mua vé máy bay, đều tốn kém và gây khó khăn trong việc phòng chống dịch.

Tôi cho rằng cần tính toán việc này và phải có một kế hoạch cụ thể giữa nơi đến và nơi đi. Lúc này chỗ nào cũng khó khăn.

- Lao động trực tiếp gặp khó khăn và lời hứa hỗ trợ của địa phương thì nguồn hỗ trợ sẽ đến từ đâu ngoài các chính sách lao động theo quy định?

Chúng ta có nguồn lực nhưng điều phối không tốt. Chúng ta tiếp cận không tốt thành ra bị thiếu. Đất nước đang khó khăn thật nhưng Chính phủ và TP.HCM có cách tiếp cận, điều phối để (nguồn lực) đến tay người mất việc mới là việc quan trọng. Không chỉ người dân ở TP.HCM mà cả bao gồm lao động nhập cư. Họ không có hộ khẩu hay giấy tờ gì cả nhưng chính quyền phải tiếp cận được họ. Đây là điều vô cùng quan trọng trong lúc này.

Người ở đâu ở yên đó: Vì mục tiêu tối thượng là chống dịch - 4
Cần sự phối hợp giữa các địa phương để hỗ trợ người dân giữa đại dịch. (Ảnh: VTC 1)

- Đối với những người lao động xa quê không có bảo hiểm, lao động tự do, họ sợ khi bị ốm vào viện không có tiền điều trị chẳng hạn thì ông có chia sẻ gì để người dân yên tâm?

Trước tiên tôi muốn nói rằng phải chống dịch đi. Đó không chỉ là vấn đề y tế mà còn vấn đề xã hộ. Lo về ăn uống, lo về cơ sở vật chất, nhưng quan trọng nữa là lo về tinh thần của người dân. Có người về quê vì không có công ăn việc làm, nhưng mà cũng có tâm lý về để tránh dịch. Chúng ta phải nắm bắt được việc này. Xem kinh nghiệm của Trung Quốc, họ phong tỏa rất chặt nhưng mà vẫn đảm bảo được cho người dân. Mình cũng phải tình cách học tập tháo gỡ vấn đề tiếp cận.

Tiếp đó là vấn đề y tế, vô cùng quan trọng. Làm sao để những trường hợp không bị mắc bệnh trở thành F0? Phải giáo dục cho họ về phòng bệnh. Với F0 thì tư vấn triệu chứng để điều trị và cấp cứu kịp thời không để diễn biến nặng, không để tử vong. TP.HCM và các tỉnh đang làm vấn đề này theo sự chỉ đạo của Bộ Y tế.

Còn về vấn đề bảo hiểm, bệnh nhân trong dịch được chi trả bảo hiểm y tế 100% không phải trả tiền, rất rõ ràng ngay từ đầu.

Tôi cho rằng bây giờ tất cả các ngành, các địa phương phải ngồi với nhau cùng tháo ngỡ để làm sao chúng ta tiếp cận người dân một cách tốt nhất với phương châm ưu tiên chống dịch lên hàng đầu. Người dân phải thông cảm cho chính quyền, chính quyền và chính phủ phải hiểu được cái khó của người dân. Người dân đã bị giãn cách 14 ngày, có chỗ đến hơn 21 ngày. Phải nắm các vấn đề và giải quyết ngay các vấn đề y tế lẫn an sinh xã hội.

- Đối với những trường hợp người lao động đã rời vùng dịch về quê thì không được địa phương tiếp nhận bây giờ quay lại vùng dịch cũng không được ở lại giữa đường cũng không xong thì giải pháp để giải quyết vấn đề này là như thế nào?

Công điện nói rất rõ, ví dụ như người về Cà Mau, đi từ TP.HCM về tới Tiền Giang thì Tiền Giang phải lo. Và cả ba tỉnh phải phối hợp với nhau để làm sao cho người dân về đến nơi, tránh trường hợp không nơi nào nhận.

-Về an sinh xã hội, tâm lý của người dân trong vấn đề chống dịch ông nghĩ sao về vấn đề này?

Tôi luôn đặt vấn đề phòng dịch lên trên hết. TP Hà Nội hiện nay những chỗ nào bùng dịch đều đã bị phong tỏa. Các địa phương cũng coi đây như ổ dịch, từ Hà Nội về thì lại phải xét nghiệm, cách ly gây tốn kém ở các địa phương. Chúng ta phải bàn bạc, giải quyết tình thế không để xấu như TP.HCM. Còn câu chuyện có cho người dân về quê hay không thì phải sau đợt giãn cách xã hội hiện nay.

Trong thời điểm này, ở TP Hà Nội vẫn an toàn hơn bởi thực phẩm, chợ búa, siêu thị vẫn đầy đủ, người dân chưa phải quá khó khăn. Nhưng mà chúng ta phải rút kinh nghiệm từ TP.HCM và bàn về tình huống xấu như thế thì làm như thế nào, không để bị động.

Thứ 2, trong chống dịch, vấn đề y tế chỉ là một phần, còn có can thiệp về vấn đề chính sách xã hội và những vấn đề xã hội chịu ảnh hưởng do dịch. Vấn đề an sinh xã hội ảnh hưởng vô cùng lớn đến người dân, tránh để việc chống dịch lại ảnh hưởng đến an sinh xã hội một cách không đáng có. Tâm lý của người dân đôi khi cũng là về quê để tránh dịch chứ chưa phải là vì khó khăn.

- Vậy theo ông công tác chống dịch ở TP.HCM sau công điện của Chính phủ sẽ triển khai những bước mới nào nhằm vượt qua đại dịch?

Trước tiên là phải làm sao giảm số ca mắc mới, giảm tử vong. Tỷ lệ mắc mới cao không chỉ ở Việt Nam, những nước khác như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ... có hoàn cảnh giống nước ta cho thấy số mắc cao dẫn đến số ca tử vong tăng cao bởi chủng Delta vô cùng phức tạp.

Quan điểm của công điện là người ở đâu ở yên đó rất đúng. Đặc biệt là cứu chữa những bệnh nhân triệu chứng nhẹ đến nặng để giảm số ca tử vong vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó vấn đề ăn uống, tâm lý của người dân cũng tác động rất lớn tới việc bệnh chuyển từ nhẹ sang nặng... v.v Chúng ta cần giải quyết một cách tổng thể về chính sách giữa chống dịch và an sinh xã hội.

Theo như tôi biết TP.HCM sau 14 ngày giãn cách trước đã rút kinh nghiệm trong vấn đề xét nghiệm, truy vết, đặc biệt trong điều trị cũng như trao đổi giữa người bệnh và nhân viên y tế v..v

Do đó những ngày tới tình hình ở TP.HCM sẽ có những triển vọng tốt hơn và Bình Dương, Đồng Nai cũng vậy.

TRÀ KHÁNH

Thủ tướng gửi thư động viên các lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19 Thủ tướng gửi thư động viên các lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19
Cà Mau không cứng nhắc, máy móc trong phòng chống dịch COVID-19 Cà Mau không cứng nhắc, máy móc trong phòng chống dịch COVID-19
Chống dịch Chống dịch

/ vtc.vn