“Ê, mầy, đi đâu? Lại đây tao biểu?”, tôi giật mình quay lại. Đối diện tôi là một thanh niên vẻ ngoài bặm trợn.

“Ê, mầy, đi đâu? Lại đây tao biểu?”, tôi giật mình quay lại. Đối diện tôi là một thanh niên vẻ ngoài bặm trợn.

Anh ta để tóc dài ngang vai, vẻ mặt hung hăng, áo phanh ngực lộ những hình xăm. Đang lúc tôi bối rối chưa biết phải xưng hô thế nào thì một phụ nữ từ ngôi nhà lụp xụp gần đó cứu nguy: "Ủa, bác sĩ Triết, đi đâu dzô đây? Kiếm ai hả?". "Bác sĩ hả?", thanh niên dịu giọng rồi nhanh chóng biến mất.

"Bác sĩ đừng lo, nó là đại ca ở xóm liều này nhưng dữ với người ngoài thôi, chứ nó biết anh là bác sĩ rồi thì cứ yên tâm đi lại trong xóm. Mà bác sĩ tìm ai hả?", bà hỏi. "Tôi tìm Thuận, nhà ở đây nhưng không biết nhà nào?" - "Chắc là Thuận ‘gà’ rồi, xóm này có mình nó tên Thuận, để tui dắt bác sĩ đi".

Tôi tiếp tục vào xóm liều với bà để đến nhà một bệnh nhân mắc lao. Vài tuần sau, tôi đã thuộc lòng từng ngõ ngách, có thể dọc ngang trong xóm mà không còn phải lo lắng gì.

Tôi về làm ở Trạm y tế phường 27, quận Bình Thạnh ở Thanh Đa, TP HCM năm 1998. Thanh Đa khi đó vì qui hoạch treo nên có nhiều khu xóm được cất tạm bợ, không giấy phép. Sống trong đó phần lớn là dân nhập cư từ các tỉnh với chỗ ở thường thay đổi. Nhiệm vụ của bác sĩ trạm y tế không chỉ là khám chữa bệnh mà còn tham gia công tác phòng bệnh cho cộng đồng, từ tuyên truyền giáo dục sức khỏe, tiêm chủng cho đến quản lý, đến nhà từng bệnh nhân để kiểm tra, nhắc nhở việc uống thuốc hoặc vệ sinh các vật chứa nước mưa để phòng dịch sốt xuất huyết.

Chuyện trên là tình huống khi tôi đi tìm nhà một bệnh nhân đang mắc lao, điều trị nửa chừng thì bỏ dở. Việc bỏ điều trị có thể khiến anh trở thành nguồn lây bệnh lao kháng thuốc cho những người xung quanh. Vì vậy, tìm đến nơi ở của người bệnh, động viên, hỗ trợ họ tiếp tục điều trị là một phương pháp giúp phòng bệnh cho cộng đồng. Lúc đó, lần đầu tiên vào khu ổ chuột nổi tiếng với nhiều tệ nạn, tôi đã gửi hết tài sản của mình cho mấy chị đồng nghiệp ở trạm và nhắn: "Nếu một giờ sau em không về, mấy chị xuống tìm em nha".

Trạm y tế tôi làm có tất thảy bốn người. Ai cũng cùng lúc đảm trách nhiều việc liên quan đến phòng chống dịch bệnh. Chị trưởng trạm ngoài quản lý, tham gia các cuộc họp từ cấp y tế quận đến những buổi họp của ủy ban phường còn quản thêm việc tiêm chủng, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, vệ sinh an toàn thực phẩm. Chị phó trạm quản lý chương trình bà mẹ trẻ em, bệnh lây lan qua đường tình dục, một phần chương trình tiêm chủng và vài hoạt động khác với hơn 30 quyển sổ ghi chép. Chị còn lại quản lý dược, hỗ trợ chương trình tiêm chủng. Tất cả chúng tôi, ngoài nhiệm vụ được giao còn tham gia điều trị những bệnh thông thường cũng như sẵn sàng tham gia phòng chống khi dịch bệnh bất ngờ tăng cao.

Cánh tay nối dài của trạm y tế là mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng. Họ là thành viên của Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, là những người dân sống trong cộng đồng tình nguyện gia nhập mạng lưới. Nhờ có họ, hoạt động tuyên truyền giáo dục về sức khỏe được thực hiện thuận lợi. Những lần bệnh nhân thay đổi nơi ở từ khu này sang khu khác, cũng nhờ họ, nhân viên y tế có thể tìm đến nhà bệnh nhân để hỗ trợ. Những trường hợp nghi bệnh hàng loạt trong cộng đồng được phát hiện sớm cũng nhờ hệ thống nhân viên sức khỏe cộng đồng thông báo sớm. Người phụ nữ đã "giải cứu" tôi trong câu chuyện trên về sau trở thành một cộng tác viên của mạng lưới này - một thành viên ở tuyến cuối cùng trong hệ thống y tế quốc gia.

Sau vài năm làm tại Thanh Đa, tôi chuyển về Phòng Chỉ đạo tuyến của Bệnh viện Nhi đồng 1, tiếp tục tham gia những hoạt động liên quan đến công tác phòng chống dịch nhưng ở mức độ cao hơn. Tôi cũng tham gia hoạt động của bệnh viện liên quan đến huấn luyện, đào tạo, giám sát hỗ trợ điều trị trong Chương trình quốc gia phòng chống dịch sốt xuất huyết. Đó là năm 2007, dịch sốt xuất huyết đột ngột bùng phát mạnh ở các tỉnh thành phía Nam, số ca mắc bệnh và số tử vong tăng cao. Tại Sóc Trăng, khi số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết vượt quá khả năng tiếp nhận của bệnh viện tỉnh, quân đội đã xây dựng một bệnh viện dã chiến để tiếp nhận bệnh nhân. Hệ thống y tế dự phòng tỉnh dưới sự hỗ trợ của viện Pasteur TP HCM cùng tham gia triển khai liên tục những hoạt động phòng chống dịch như phun thuốc diệt muỗi và đến từng gia đình, hướng dẫn và kiểm tra các vật chứa nước là nơi sinh sản của muỗi với sự tiếp sức của nhân viên trạm y tế và mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng.

Nhiều chuyến công tác đã liên tục đưa bác sĩ, điều dưỡng có kinh nghiệm của bệnh viện Nhi đồng 1 đến các tỉnh để thực hiện tập huấn, hỗ trợ chuyên môn, thảo luận những ca bệnh nặng. Rất nhiều chuyến đi bắt đầu lúc cả thành phố còn đang ngủ để đến nơi vừa vặn giờ làm việc buổi sáng ở bệnh viện tỉnh. Để rồi chiều hôm đó, họ lại trở về thành phố, chuẩn bị cho ngày làm việc mới. Điện thoại của những anh, chị có kinh nghiệm về điều trị sốt xuất huyết đều trong tư thế sẵn sàng tiếp nhận cuộc gọi từ đồng nghiệp để hỗ trợ chuyên môn.

Hệ thống chính trị cũng tham gia vào công tác phòng chống dịch. Kinh phí hàng năm tại địa phương đều có một khoản dành cho mùa dịch. Các cuộc họp ở cấp tỉnh đều có một phó chủ tịch tỉnh là thành viên thường trực trong Ban chỉ đạo chương trình phòng chống dịch tham dự. Có lẽ nhờ đó, khi có dịch, các ban ngành liên quan đều được huy động nhanh chóng.

Với dịch Covid-19, nhiều cách tiếp cận phòng, chống được áp dụng thay đổi tùy theo quốc gia. Quan niệm cho rằng nền y tế các quốc gia đã phát triển luôn tốt hơn Việt Nam về mọi mặt dường như bắt đầu lung lay. Nhiều giả thuyết, tranh luận về lý do tại sao trong lúc con số bệnh nhân ở các nước tiên tiến tăng cao mà tại Việt Nam lại tăng chậm hơn được đưa ra. Dĩ nhiên, vẫn còn những hoài nghi về số bệnh nhân nhiễm nCoV thật sự tại Việt Nam. Riêng tôi, dù không còn hoạt động trong lĩnh vực phòng chống dịch, nhưng với những trải nghiệm của mình, tôi tin những gì chúng ta đang đạt được là có thật.

Hình ảnh những chiến sĩ bộ đội nằm ngủ ngoài trời để nhường phòng cho người bị cách ly hay những nhân viên y tế trong đồ bảo hộ đến từng gia đình trong khu cách ly để kiểm tra nhiệt độ và phân phối thức ăn; những cán bộ y tế dự phòng mềm mỏng nhưng cương quyết với người trong nhóm nguy cơ phải cách ly hay gương mặt đăm chiêu nhưng quyết đoán của những người điều hành... Tất cả, làm tôi tin vào điều đó.

Cảm ơn bạn - người đi đầu trong cuộc chiến.

Phạm Minh Triết

nguoi o tuyen dau Tây Ban Nha báo động đỏ khi hơn 5.000 y bác sĩ mắc Covid-19​
nguoi o tuyen dau ‘Hãy cùng chúng tôi’
nguoi o tuyen dau Bác sĩ trước nguy cơ mắc COVID-19: Dấn thân chiến đấu với dịch bệnh

/ vnexpress.net