Theo con số của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, từ đầu năm đến nay đã có đến 595 nghìn người rút BHXH một lần. So với cùng kỳ năm 2023, số lượng đã tăng đáng kể và người rút BHXH phần lớn là lao động có độ tuổi trung bình từ 20 - 40.
- Nhiều băn khoăn xung quanh quy định chỉ được nhận 50% khi rút BHXH một lần
- Rút hay không rút BHXH một lần?
Lao động rút BHXH một lần liên tục gia tăng, trong khi Luật BHXH sửa đổi dự kiến chuẩn bị được thông qua tới đây vẫn chưa chốt được 1 trong 2 phương án đưa ra theo dự thảo. Số lao động rời bỏ hệ thống an sinh liên tục tăng là vấn đề đáng báo động. Các chuyên gia cho rằng, chính sách BHXH cần có các giải pháp đồng bộ cả trước mắt và dài hạn, cùng với đó là sự đồng thuận từ phía người lao động.
Người rút BHXH tăng mạnh
Theo con số của BHXH Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024, có hơn 686 nghìn người hưởng các chế độ BHXH, tăng hơn 3% so với cùng kỳ. Trong đó, có 595 nghìn người hưởng BHXH một lần, tăng 3,7%. Đa số là người lao động ngừng đóng BHXH sau một năm (chiếm khoảng 98%). Con số lao động rút BHXH một lần của năm 2023 là hơn 1 triệu người. Trong khi đó, trong giai đoạn 2016 - 2021, cả nước bình quân mỗi năm có gần 700 nghìn người hưởng BHXH một lần. Rõ ràng, số lao động rút BHXH một lần hiện nay đang tăng nhanh và đây là thực trạng rất đáng báo động.
BHXH Việt Nam cho hay, đa số người rút BHXH một lần là lao động trẻ. Có đến 78% lao động rút BHXH một lần có tuổi từ 20 đến dưới 40 tuổi. Những người này chủ yếu làm việc trong doanh nghiệp, bị mất việc sớm, cuộc sống khó khăn. Tuy vậy, lý do lao động rút BHXH một lần còn đến từ việc lo sợ chính sách thay đổi sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi. Cùng với đó, BHXH Việt Nam cũng cho rằng, chính sách BHXH tự nguyện còn thiếu hấp dẫn, mức hỗ trợ đóng của Nhà nước còn thấp…. “Khi người lao động đến làm thủ tục rút BHXH một lần, cán bộ BHXH của chúng tôi đều phân tích và vận động người lao động không nên rút và hãy tiếp tục bảo lưu BHXH khi nào có điều kiện thì tham gia lại để sau này có lương hưu và được hưởng nhiều chính sách khác khi về già. Cũng có nhiều người hiểu ra vấn đề và không rút nữa, tuy vậy cũng có người vì nhiều lý do mà vẫn rút BHXH một lần”, ông Đào Duy Hiện, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) chia sẻ.
Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đưa ra 2 phương án về vấn đề giải quyết BHXH một lần là: Phương án một, lao động tham gia trước ngày 1/7/2025, sau 12 tháng nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH thì được rút một lần. Đối với lao động tham gia BHXH sau ngày 1/7/2025 thì không được rút BHXH một lần; Phương án hai là lao động chưa đủ 20 năm đóng BHXH, thì được rút BHXH một lần nhưng không quá 50%, số còn lại được bảo lưu để hưởng chế độ khi quay lại hệ thống an sinh. Tuy vậy, sau một thời gian dài bàn thảo, phương án chính thức vẫn chưa được chốt và đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Cần thêm chính sách hỗ trợ
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, thực trạng người lao động rút BHXH một lần tăng cao trong những năm gần đây là đáng báo động. Nguyên nhân dẫn đến việc nhiều lao động phải rút BHXH một lần đến từ việc thu nhập, đời sống gặp rất nhiều khó khăn, không còn tiền tích trữ nên buộc phải rút BHXH một lần để lo trang trải cuộc sống. Bên cạnh đó, còn có việc chính người lao động chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tác dụng của các chính sách về BHXH, giá đỡ an sinh của họ khi về già. “Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, chính sách BHXH hiện nay cũng chưa thật sự hấp dẫn, linh hoạt để thu hút, giữ chân người lao động tham gia vào hệ thống an sinh này. Cùng với đó, tình trạng doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH cũng ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi của không ít người lao động, do đó ảnh hưởng đến niềm tin của người lao động”, ông Hiểu đánh giá. Nói về 2 phương án trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi, ông Hiểu cho rằng, vẫn phải cho người lao động rút BHXH một lần, bởi rút BHXH là quyền con người của lao động. Khi người lao động tham gia bằng tiền của họ, họ phải được quyền rút BHXH. Tuy nhiên, mong muốn là hạn chế rút và hai phương án của dự thảo Luật BHXH đều có những ưu điểm nhưng cần kèm theo các chính sách như hỗ trợ tài chính cho người lao động để không phải rút BHXH một lần.
TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội cũng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc người lao động phải rút BHXH một lần là do khi người lao động bị mất việc làm phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt như cần tiền để chi tiêu sinh hoạt cho gia đình hàng ngày hoặc đầu tư cho con ăn học, cho nên nhu cầu tài chính ngắn hạn của người lao động sau khi nghỉ việc rất lớn. Tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc, làm gia tăng số người hưởng BHXH một lần. Trong khi đó, theo quy định của Luật BHXH, thời gian đóng BHXH dài, tối thiểu phải đủ 20 năm mới được hưởng chế độ hưu trí, nên chưa hấp dẫn người lao động. “Tuy nhiên, người lao động cũng phải hiểu đây là giá đỡ an sinh cho mình khi về già, không còn khả năng lao động, không có thu nhập thông qua việc hưởng chế độ hưu trí định kỳ hàng tháng. Hệ lụy của việc rút BHXH một lần ảnh hưởng rất lớn không chỉ đối với người lao động mà còn ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội. Để hạn chế việc người lao động rút BHXH một lần, cần thiết phải có đồng bộ nhiều giải pháp, cả trước mắt và dài hạn, trong đó quan trọng nhất là tạo được sự đồng thuận của người lao động. Cùng với đó, TS Nguyễn Thị Lan Hương khuyến nghị, việc quy định đồng bộ các chính sách khác để thu hút, giữ chân người tham gia BHXH ở lại hệ thống BHXH là rất cần thiết, ngoài việc siết chặt điều kiện về hưởng BHXH một lần thì cần phải có quy định khác đồng hành trong thời gian người lao động chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu hay trợ cấp hằng tháng nhưng cần có nguồn tài chính ổn định để trang trải cuộc sống, đặc biệt với lao động trẻ có “trách nhiệm” sinh con và nuôi con trưởng thành. Do vậy, chính sách BHXH cần được sửa đổi trên nguyên tắc khóa chính sách cũ và mở ra một chính sách mới với mục tiêu thay thế và tốt hơn chính sách cũ.