Những ngày gần đây, thông tin về việc Việt Nam có thể “nhập khẩu” chương trình giáo dục của Bắc Âu đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Âu cũng là điều dễ hiểu bởi chương trình giáo dục không chỉ bao hàm tri thức, triết lý giáo dục mà còn là quá trình đào tạo con người, các thế hệ tương lai của đất nước. Ấy là chưa kể cho đến thời điểm này, vẫn còn những ý kiến trái chiều về những mô hình nhập khẩu giáo dục, dạy nghề mà Việt Nam đã và đang triển khai.
Bảng xếp hạng đại học: Đừng biến thành trò chơi của giới quản lý |
Nhật, Việt hành xử ngược nhau |
Trước thềm năm học mới 2017- 2018, việc có nên tiếp tục chương trình giáo dục phổ thông mới VNEN hay không vẫn gây ra những quan điểm trái chiều. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, VNEN thời gian qua tạo ra những luồng dư luận băn khoăn, phản đối là bởi khi áp dụng vào thực tiễn, một số trường đã không dành đủ thời gian để tập huấn giáo viên, giúp họ có sự chuẩn bị tốt cả về chuyên môn và phương pháp, chưa tính toán thấu đáo quy mô trường lớp, sĩ số học sinh cho phù hợp với phương pháp mới.
Vì vậy Bộ trưởng yêu cầu các Sở GD&ĐT phải rà soát lại, nếu trường nào chưa đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất thì dừng triển khai VNEN, không được mở rộng nếu chưa đáp ứng được yêu cầu về giáo viên, cơ sở vật chất theo phương pháp dạy/học mới này. Thực chất VNEN là mô hình trường học mới được khởi nguồn tại Côlômbia tại những năm 1995-2000 để dạy học trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn, theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm.
Mô hình này vừa kế thừa những mặt tích cực của mô hình trường học truyền thống, vừa có sự đổi mới căn bản về mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, tài liệu học tập, phương pháp dạy - học, cách đánh giá, cách tổ chức quản lí lớp học, cơ sở vật chất phục vụ cho dạy - học…Hiện có khoảng 5 triệu trẻ em toàn cầu đang được dạy học theo mô hình này. Đối tượng trẻ em nông thôn, miền núi ghép độ tuổi, trình độ khác nhau, sĩ số lớp ít, không quá 25 học sinh/lớp.
Được triển khai từ năm học 2012- 2013 tại Việt Nam, VNEN áp dụng ở cả thành phố lẫn nông thôn, với 54 tỉnh thành phố, 2.365 trường tiểu học, 1.000 trường THCS... nhưng qua 5 năm thực hiện thí điểm, rõ ràng VNEN vẫn chưa thực sự dung hòa được mô hình trường học mới và truyền thống. Cũng ngay trước thềm năm học mới, nhiều địa phương đã công bố không triển khai nhân rộng hoặc dừng triển khai mô hình trường học mới….
Trong chuyến công du mới đây của lãnh đạo Bộ GD&ĐT tới các nước Bắc Âu, 18 biên bản ghi nhớ giữa các trường đại học Việt Nam và các đối tác Phần Lan được ký kết, trong đó có chuyển giao tài liệu về chương trình và sách giáo khoa; chuyển giao công nghệ đào tạo trực tuyến; hợp tác đại học, phối hợp đào tạo và bồi dưỡng giáo viên...; Tiếp đó tại Đan Mạch, 17 biên bản ghi nhớ giữa các trường đại học Việt Nam và phía Đan Mạch cũng được ký kết liên quan hợp tác trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu y khoa, mỏ địa chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục...
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, những biên bản ghi nhớ là ghi nhận bước đầu về việc các nước bạn sẵn sàng cởi mở trong việc hợp tác, hỗ trợ. Điều này cho thấy các trường của Việt Nam cũng có vị thế nhất định để đối tác đặt niềm tin. Đây là sự khai mở. Còn “cày cấy được gì trên mảnh đất đó” là cơ hội mà các trường phải nắm giữ lấy.
Hợp tác phát triển giáo dục giữa các quốc gia trong thế giới phẳng là một xu thế đáng mừng. Nhưng nhập khẩu giáo dục sẽ thực sự là bài toán khó nếu chúng ta nhập khẩu nguyên xi các chương trình giáo dục, trừ một số môn khoa học tự nhiên. Vì thế việc tiếp cận, tìm hiểu thực tế để tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt rất quan trọng để các cơ sở giáo dục chủ động lựa chọn.
Trong khi việc “nhập khẩu” chương trình giáo dục phổ thông mới VNEN, sau 5 năm triển khai vẫn được coi là giai đoạn thử nghiệm thì rõ ràng chủ trương nhập khẩu chương trình giáo dục từ các nước Bắc Âu không khỏi khiến dư luận băn khoăn.
Theo khuyến cáo từ các chuyên gia giáo dục: Việc nhập khẩu chương trình, tài liệu, công nghệ dạy học hiện đại của nước ngoài nhằm đáp ứng một nhu cầu giáo dục nào đó trong nước là một nhu cầu trong quá trình hội nhập và phát triển. Việc nhập khẩu này cũng sẽ giúp chúng ta thu hẹp khoảng cách. Tuy nhiên, giáo dục luôn song hành, phát triển trên nền tảng văn hóa. Do đó, một trong những điều kiện để việc nhập khẩu thành công đó là sản phẩm, công nghệ đó phải phù hợp với văn hóa và đối tượng sử dụng.
Việc nhập khẩu một chương trình tiên tiến của nước ngoài là tốt, nhưng chúng ta làm như thế nào để khi triển khai nó mang lại hiệu quả như chúng ta mong muốn. Vì thế trước khi nhập khẩu một chương trình mới, chúng ta cần nghiêm túc rút kinh nghiệm những lần nhập khẩu chương trình trước đây - gần nhất là chương trình VNEN.
Liên quan tới câu chuyện nhập khẩu giáo dục, hồi đầu năm 2017, Bộ Tài chính cũng đã đồng ý cho Bộ LĐTB&XH chi số tiền hơn 212 tỷ đồng để nhập khẩu chương trình nghề, đào tạo của các nước về Việt Nam.
Trong đó, Bộ LĐTB&XH được chi hơn 57 tỷ đồng để thuê kiểm định và công nhận 8 bộ chương trình nghề từ Malaysia, thuê chuyên gia nước ngoài hướng dẫn triển khai đào tạo thí điểm, tổ chức đào tạo 8 nghề trọng điểm cho hơn 220 sinh viên; chi hơn 135 tỷ đồng, chuyển nhập 14 bộ chương trình nghề trọng điểm cấp độ quốc tế từ Cộng hòa Liên bang Đức; chi hơn 20 tỷ đồng để nhập 12 bộ chương trình đã chuyển giao từ Úc để đào tạo thí điểm 12 nghề trọng điểm quốc tế tại Việt Nam.
Cũng theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Tài chính, số tiền chi nhập khẩu chương trình dạy nghề quốc tế là con số lớn, các chương trình này phải phù hợp với đặc điểm của Việt Nam nên yêu cầu cơ quan của Bộ LĐTB&XH cần có báo cáo cụ thể, chi tiết về chương trình, mục tiêu và hiệu quả sử dụng chương trình trên. Bên cạnh đó, các cơ quan của Bộ LĐTB&XH cần công bố rộng rãi việc áp dụng chương trình nhập khẩu nghề của nước ngoài và có đánh giá hiệu quả theo từng giai đoạn…
Chuyện “nhập khẩu” giáo dục không phải là chuyện mới, nhưng băn khoăn về nó vẫn là những mối lo muôn thuở. Rằng chương trình hay đến mấy cũng mới chỉ là điều kiện “cần”, những yếu tố “đủ” đi kèm phải có sẽ là chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất, cơ chế đánh giá người dạy và người học...; cùng với đó là nền tảng văn hóa sẽ góp phần quyết định nên thành công của việc nhập khẩu một chương trình giáo dục ưu việt ở nơi đất lạ.
http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/nhap-khau-giao-duc-378902