Sau đúng một thập kỷ, chính sách quốc phòng của Nhật Bản lại một lần nữa được sửa đổi mạnh mẽ, mang tới bước ngoặt lớn về định hướng an ninh cho nước này trong vòng 10 năm tới. Cùng với thay đổi này, Nhật Bản kỳ vọng sẽ đạt được sự cân bằng mới trong quan hệ quốc tế thông qua hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ cùng các đồng minh để hoàn thành mục tiêu xây dựng một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
- Đối thoại Chính sách quốc phòng Việt Nam - Mỹ năm 2022
- Nhà Trắng đe dọa phủ quyết dự luật chính sách quốc phòng
Tên lửa dẫn đường đất đối hạm - kiểu 12 giúp tăng cường khả năng phản công của Nhật Bản.
Ba văn kiện quan trọng vừa được nội các Nhật Bản thông qua bao gồm: “Chiến lược An ninh quốc gia” với nội dung định hướng về ngoại giao và an ninh; “Chiến lược phòng thủ quốc gia” chỉ ra các phương pháp và phương tiện để đạt được mục tiêu phòng thủ và “Chương trình nâng cao năng lực quốc phòng” quy định tổng ngân sách quốc phòng và loại thiết bị nào sẽ được phát triển.
Theo các nhà phân tích, có rất nhiều nội dung đáng chú ý trong ba văn kiện liên quan tới lĩnh vực quốc phòng của Nhật Bản.
Thứ nhất, “Chiến lược An ninh quốc gia” đã định vị Trung Quốc như một thách thức chiến lược lớn nhất từ trước đến nay đối với đất nước Mặt trời mọc.
Thứ hai, “Chiến lược phòng thủ quốc gia” đã nêu rõ việc Nhật Bản sẽ sở hữu “khả năng phản công”. Đây là thay đổi lớn trong chính sách an ninh của Nhật Bản thời hậu chiến. Cho đến nay, ứng phó của Nhật Bản đối với tên lửa đạn đạo chỉ giới hạn ở phương pháp đánh chặn tên lửa đang bay. Tuy nhiên, do công nghệ tên lửa của nhiều quốc gia đang được cải thiện nhanh chóng, chính phủ Nhật Bản cho rằng, tăng cường “khả năng phản công” là điều cần thiết để bảo vệ được đất nước trong thời kỳ có nhiều biến động mới. Sở hữu khả năng phản công sẽ cho phép Nhật Bản, trong trường hợp khẩn cấp có thể phá hủy các căn cứ phóng tên lửa của các đối thủ muốn tấn công Nhật Bản từ trên bộ, trên biển hoặc trên không. Trong thời gian tới, Chính phủ nước này sẽ sử dụng tên lửa phòng thủ và các phương tiện khác để thể hiện khả năng phản công. Một trong số đó là tên lửa dẫn đường đất đối hạm - kiểu 12 đang được cải tiến và tầm bắn có thể lên đến hơn 1.000km trong tương lai. Ngoài ra, Nhật Bản hy vọng sẽ triển khai tên lửa phóng từ mặt đất do các đơn vị trong nước sản xuất vào năm tài chính 2026. Nếu số lượng hạn chế, nước này sẽ tập trung sử dụng tên lửa hành trình Tomahawk do Mỹ sản xuất.
Thứ ba, “Chương trình nâng cao năng lực quốc phòng” cho thấy kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng trong giai đoạn 2023-2027 lên 43.000 tỷ yên (tương đương khoảng 315 tỷ USD), tăng 15.500 tỷ yên so với giai đoạn 2019-2023. Trong đó, khoảng 36 tỷ USD sẽ được sử dụng để chế tạo các tên lửa tầm xa có thể phóng từ bên ngoài tầm bắn của kẻ thù và mua tên lửa hành trình Tomahawk có tầm bắn lên tới khoảng 1.600km.
Đây là kế hoạch quốc phòng lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai của Nhật Bản. Theo Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida: "Đó là câu trả lời cho những thách thức an ninh khác nhau mà chúng ta đang phải đối mặt", đồng thời mô tả "Nhật Bản và người dân đang đứng trước một bước ngoặt trong lịch sử".
Bước chuyển trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản được triển khai trong bối cảnh nước này và Mỹ quyết tâm củng cố sức mạnh đồng minh thông qua việc cùng nhau thống nhất các chiến lược và mục tiêu trọng tâm, đồng thời phối hợp với các đối tác giải quyết các thách thức an ninh đang gia tăng một cách toàn diện. Hai bên cũng cam kết duy trì trật tự thế giới dựa trên luật lệ cũng như các giá trị và nguyên tắc cơ bản. Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở cũng là mục tiêu chung của Nhật Bản và Mỹ nhằm tăng cường sức cạnh tranh vào khu vực này trong thời gian tới.
Theo nhận định của các chuyên gia, về cơ bản chính sách quốc phòng mới của Nhật Bản phản ánh áp lực gia tăng từ an ninh quốc tế và khu vực, từ vấn đề hạt nhân Triều Tiên đến xung đột Nga - Ukraine. Điều này khiến Nhật Bản chủ động hơn trong chiến lược quốc phòng để gia tăng khả năng phòng thủ cũng như sức mạnh trước những biến động khó lường của thế giới.