Thái Lan được cho là bán phá giá khi xuất mỗi tấn đường thô và luyện của nước này sang Việt Nam là 334 USD, thấp hơn chi phí mía để làm đường.
Thái Lan, Philippines, Indonesia và Việt Nam là 4 quốc gia sản xuất mía đường chính trong ASEAN. Đầu năm nay, Việt Nam đã thực hiện cam kết Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN - ATIGA giống 3 nước còn lại. Với cam kết này, Việt Nam không giới hạn lượng đường nhập khẩu từ các nước trong khu vực và áp dụng mức thuế chỉ 5%.
Tuy nhiên, tại hội thảo về giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam sáng 1/12, tức sau 11 tháng tham gia ATIGA, nhiều ý kiến nhận định, các quốc gia trồng mía còn lại không mở cửa thị trường theo cam kết. Đồng thời, họ còn áp dụng những biện pháp khác để bảo vệ thị trường. Trong số đó, Thái Lan được lưu tâm đặc biệt bởi 90% trong số 1,3 triệu tấn đường nhập vào Việt Nam sau ATIGA có nguồn gốc từ đây.
Dẫn ra dữ liệu chính thức của Văn phòng Hội đồng đường Thái Lan (Office of Cane and Sugar Board – OCSB), ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, giá xuất khẩu bình quân đường thô và luyện của Thái Lan sang Việt Nam là 334 USD một tấn. Mức này không chỉ rẻ hơn giá bán tại thị trường nội địa Thái Lan đang là 755 USD một tấn mà còn thấp hơn cả chi phí mía để sản xuất đường, hiện là 410 USD một tấn.
"Điều này làm nổi rõ tính chất phá giá của đường Thái khi tràn vào Việt Nam. Rõ ràng không có sự công bằng trong cạnh tranh ngành mía đường", ông nói.
Vụ mùa đông xuân 2019-2020 bị lỗ nặng vì khô hạn, nông dân trồng mía ở An Khê, Gia Lai chặt mía cho bò ăn. Ảnh: Đức Hòa. |
Mặt khác, hồi tháng 4/2020, Chính phủ Thái Lan quyết định tiếp tục trợ cấp một khoản hỗ trợ cho nông dân lên đến 325 triệu USD bất chấp việc khắc phục những khiếu nại của Brazil lên WTO về vấn đề trợ cấp không phù hợp quy tắc chưa được giải quyết.
Trước đó, nghị quyết của Chính phủ Thái Lan tháng 3/2020 có bằng chứng cho thấy việc đường bị cấm nhập khẩu vào nước này. "Điều đó hàm nghĩa không có chuyện thương mại tự do trong lĩnh vực đường suốt những năm qua tại Thái Lan", Hiệp hội Mía đường nhấn mạnh.
Đường Thái giá rẻ tràn vào đã khiến các doanh nghiệp, người nông dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng giám đốc Công ty mía đường Sóc Trăng cho biết, vùng nguyên liệu sản xuất mía đường ở tỉnh ông đang giảm mạnh. Nếu năm 2017, diện tích sản xuất là 8.400 ha, đến năm 2020 chỉ còn 2.400 ha và dự kiến còn dưới 2.000 ha vào năm 2021. Sản lượng thu mua giảm dần qua các năm, hiện chỉ còn 170.000 tấn so với 476.000 tấn của 3 năm trước. Thu nhập của người trồng mía cũng bị giảm đáng kể.
Ông Hiếu nhấn mạnh, nguyên nhân khiến sản lượng, diện tích giảm liên tục là do ảnh hưởng của đường Thái giá rẻ vào Việt Nam, dưới cả hình thức chính ngạch và hàng nhập lậu.
"Khi bắt được đường lậu thì đường tồn kho có người mua ngay, có ngày bán được trăm tấn. Nhưng nếu im ắng thì đường lậu và các loại đường khác lại bao phủ hết thị trường. Đây là khó khăn nhất của chúng tôi", ông nói.
Bà Trần Thị Yến, người trồng mía đến từ Phú Yên nói rằng khi đi chợ chỉ toàn thấy đường đựng trong bao bì in chữ Thái. Theo bà, từ năm 2016, khi đường nhập lậu Thái tràn vào thị trường khiến giá đường giảm mạnh kéo theo giá mía tại ruộng cũng giảm sâu. Thêm vào đó, chi phí trồng mía tăng vọt cũng gây ra sức ép lớn cho người nông dân.
"Cây mía không còn tạo ra lợi nhuận kinh tế lớn, người nông dân trồng mía không thu được lãi, thậm chí là lỗ vốn, dẫn đến phải giảm diện tích trồng hoặc bỏ đất hoang. Nhiều trường hợp người trồng mía bỏ xứ đi làm thuê", bà kể.
Do vậy, người nông dân và doanh nghiệp đều có chung ý kiến, mong muốn sớm có biện pháp ngăn chặn đường lậu và siết chặt phòng vệ thương mại để ổn định thị trường trong nước.
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) thông tin, Bộ đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường nhập khẩu từ Thái Lan.
"Cả hai vụ việc đều đang trong quá trình điều tra. Bộ Công Thương sẽ tiến hành theo đúng quy định nhằm thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước", ông Dũng nói.
Ông cũng cho biết, các biện pháp phòng vệ thương mại đã được áp dụng đều đem lại hiệu quả tích cực cho các ngành sản xuất trong nước, giúp ngành khắc phục thiệt hại do sự gia tăng của hàng nhập khẩu gây ra. Việc này cũng từng bước giúp các ngành sản xuất trong nước liên quan phát triển.
Ngoài các vấn đề chặn đường lậu và dùng các biện pháp phòng vệ thương mại, phía doanh nghiệp cũng có những kiến nghị khác nhằm giúp ngành mía đường phục hồi. Ví dụ người dân được bán mía với giá tương đồng các nước tham gia ATIGA, khoảng 12.000 đồng một tấn; chính sách khuyến nông, các khoản vay ưu đãi...
Phương Ánh
Mỹ áp thuế chống bán phá giá cá tra-basa Việt Nam về mức 0,15 USD/kg Đây là thông tin tích cực đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra-basa của Việt Nam trong bối cảnh tình hình dịch bệnh ... |
Việt Nam áp thuế chống bán phá giá lên thép Trung Quốc, Hàn Quốc Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép phủ màu có xuất ... |