Thiếu thuốc trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám chữa bệnh khi người bệnh phải ra ngoài mua thuốc, hoặc chi tiền túi mua thuốc nằm trong danh mục BHYT nhưng bệnh viện hết. Theo Bộ Y tế, thời gian qua, Bộ đã có nhiều chủ trương, chính sách đảm bảo nguồn cung ứng thuốc để đáp ứng đủ, kịp thời, bao gồm cả nhu cầu sử dụng trong các cơ sở khám chữa bệnh và ngoài thị trường. Tuy nhiên, có một số thời điểm, một số thuốc chưa kịp gia hạn đăng ký lưu hành; một số thuốc thuộc nhóm rất hiếm như thuốc chống độc, giải độc tố, huyết thanh kháng nọc rắn… thiếu nguồn cục bộ.

Cấp phép nhập khẩu cho cả các thuốc chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành

Bộ Y tế cho rằng, thiếu thuốc tại một số cơ sở y tế công lập xuất hiện nhiều hơn kể từ sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch COVID-19. Nguyên nhân khách quan do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc do đại dịch COVID-19 và chiến tranh tại châu Âu, giá nguyên vật liệu tăng, ảnh hưởng của chiến tranh tại Trung Đông dẫn đến việc vận chuyển thuốc gặp khó khăn. Bộ Y tế nhận được nhiều thông tin về tình trạng thiếu nguồn cung thuốc đang xảy ra ở các nước trên thế giới kể cả châu Âu, Mỹ; một số thuốc hiếm không thuộc danh mục thuốc được thanh toán BHYT, không có nguồn kinh phí chi trả cho các thuốc này…

Nhiều giải pháp tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc trong bệnh viện -0
Người dân xếp hàng chờ khám tại Bệnh viện Việt Đức.

Bên cạnh đó, thiếu thuốc còn do một số cơ sở khám chữa bệnh thiếu chủ động trong việc lập kế hoạch, đặt hàng với nhà cung ứng, đặc biệt là các thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung, thuốc chuyên khoa phụ thuộc chủ yếu vào các cơ sở sản xuất nước ngoài. Các cơ sở y tế, địa phương chưa sát sao trong việc chỉ đạo đảm bảo cung ứng thuốc (thiếu chủ động trong dự trù, xác định nhu cầu, lập kế hoạch, thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm…). Nhân lực quản lý và thực hiện việc gia hạn đăng ký lưu hành tại Bộ Y tế còn thiếu. Bình quân, mỗi công chức phải đảm nhiệm khoảng 1.300 hồ sơ/năm (trong đó có khoảng 200 hồ sơ gia hạn; chất lượng hồ sơ đăng ký thuốc của doanh nghiệp còn thấp). Ngoài ra, còn do cả  tâm lý cẩn trọng của một số cơ sở khám, chữa bệnh trong công tác tổ chức đấu thầu, mua sắm thuốc mặc dù các quy định về đấu thầu thuốc đã có đầy đủ hành lang pháp lý.

Để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế cho biết, năm 2023, Bộ đã trình cấp có thẩm quyền các văn bản nhằm bảo đảm thuốc, thiết bị y tế đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Tính tại thời điểm hiện tại đang có trên 23.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành đang còn hiệu lực với khoảng 800 hoạt chất các loại nên bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã thực hiện việc cấp phép nhập khẩu cho các thuốc chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành trong một số trường hợp: Thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung, thuốc cấp cứu, thuốc chống độc để phục vụ cho nhu cầu điều trị đặc biệt của bệnh viện; cấp phép nhập khẩu vaccine sốt vàng để sử dụng cho các chiến sĩ trong lực lượng gìn giữ hoà bình tại Nam Sudan.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ thường xuyên có văn bản chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dược, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện các công tác mua sắm, dự trù để đảm bảo đủ thuốc cho nhu cầu điều trị, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết, thời tiết giao mùa là thời điểm có nguy cơ gia tăng các ca bệnh. “Các biện pháp trên có thể giải quyết tạm thời tình trạng thiếu thuốc cục bộ, tuy nhiên để giải quyết các vấn đề liên quan đến đảm bảo cung ứng thuốc một cách triệt để và lâu dài thì cần điều chỉnh các chính sách phù hợp với thực tiễn, trong đó sửa đổi Luật Dược là giải pháp trọng tâm hàng đầu”, đại diện Bộ Y tế cho biết.

Tại kỳ họp lần thứ 7 Quốc hội khoá XV lần này, hồ sơ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét và thông qua. Dự kiến sau khi Luật Dược sửa đổi ban hành, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ nghị định hướng dẫn chi tiết để tăng cường đảm bảo cung ứng thuốc có chất lượng, hạn chế tình trạng thiếu thuốc như giai đoạn vừa qua.

Các bệnh viện đấu thầu ra sao?

Tại Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Giám đốc các bệnh viện phía Bắc tổ chức vào giữa tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, nhiều giám đốc bệnh viện bày tỏ sau khi Nghị quyết 30 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn trong mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023, các bệnh viện giải quyết khó khăn trước mắt thế nào? Tại hội nghị này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế đã có các giải pháp chuẩn bị tiếp theo, đó là Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi; Luật Đấu thầu có hiệu lực từ 1/1/2024; Chính phủ ban hành Nghị định 24; đặc biệt, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân… trước khi trình Chính phủ, Quốc hội. Đây là những tháo gỡ cần thiết để các bệnh viện thực hiện mua sắm, đấu thầu.

Nhiều giải pháp tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc trong bệnh viện -0
Người dân xếp hàng chờ khám tại Bệnh viện Việt Đức.

Tuy nhiên, tại thời điểm Chính phủ ban hành Nghị định 24/2024/NĐ-CP ngày 27/2/2024 về công tác đấu thầu, trong đó có những mục rất cụ thể về mua sắm thuốc, vật tư, nhưng nhiều bệnh viện vẫn còn e ngại chưa dám mua sắm mà phải chờ thông tư hướng dẫn. Trong khi đó, theo ông Hoàng Cương, Trưởng phòng Chính sách, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì Nghị định 24 ban hành, các bệnh viện có thể đấu thầu, mua sắm được ngay.

Để thực hiện hiệu quả Luật Đấu thầu, mới đây, Bộ Y tế đã ban hành 4 thông tư trên cơ sở tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế. Bộ Y tế khẳng định, các thông tư đã có nhiều quy định nhằm giải quyết tối đa các bất cập trong đấu thầu mà các bệnh viện phản ánh như thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị cục bộ tại các cơ sở y tế; tồn tại, hạn chế trong lựa chọn nhà thầu đối với mua sắm tập trung; các bất cập trong xây dựng giá gói thầu ... Ngoài ra, 4 thông tư được ban hành cũng tạo khung pháp lý đồng bộ, thống nhất đảm bảo thực hiện hiệu quả Luật Đấu thầu và Nghị định số 24 của Chính phủ.

TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho biết, 4 thông tư đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho bệnh viện, công tác đấu thầu, mua sắm thuận lợi hơn. Tuy nhiên, có một quy định, từ ngữ trong thông tư cần phải giải thích rõ hơn, để các bệnh viện thuận lợi trong mua sắm. Tương tự, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai – PGS.TS Đào Xuân Cơ cũng cho biết, Nghị định 24 và các thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm thực hiện hiệu quả của Luật Đấu thầu đã giúp bệnh viện mua sắm dễ dàng hơn. Nhiều gói thầu được triển khai hiệu quả; nhiều trang thiết bị, máy móc, vật tư được mua sắm thuận lợi, góp phần rất lớn vào công tác khám chữa bệnh, người bệnh ở vùng sâu, vùng xa không phải chờ đợi vài ngày mới được chụp chiếu như trước mà sáng đến khám bệnh, chiều nhận kết quả về nhà.

Theo Bộ Y tế, việc xây dựng kế hoạch và tổ chức lựa chọn nhà thầu thuốc được xây dựng theo 3 cấp: Cấp quốc gia, cấp địa phương và cấp cơ sở, qua đó giảm tải được khối lượng thuốc đấu thầu cho các cấp. Các thông tư sẽ khắc phục được các khó khăn, vướng mắc về công tác mua thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm tại các cơ sở y tế công lập thời gian qua; hoàn thiện hơn các quy định phù hợp theo pháp luật hiện hành, làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm trong từng nội dung, tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở y tế yên tâm, chủ động thực hiện mua sắm thuốc đảm bảo phục vụ cho công tác điều trị người bệnh.

https://cand.com.vn/y-te/nhieu-giai-phap-thao-go-tinh-trang-thieu-thuoc-trong-benh-vien-i734655/

Trần Hằng / CAND