Chiều 30 Tết, nam thanh niên 26 tuổi qua đời do chấn thương sọ não đã hiến tạng cứu sống nhiều người bệnh nặng. Hơn 150 y bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108 đã thực hiện ca ghép đa tạng trong thời khắc chuẩn bị đón giao thừa.

Trong ngày 30 Tết, Bệnh viện TWQĐ 108 đã tổ chức lấy- ghép 8 mô tạng gồm tim, gan, thận, thận-tụy, 2 tay, 2 giác mạc (trong đó có 2 tạng lần đầu thực hiện tại bệnh viện là ghép tim và ghép tụy-thận), đồng thời lấy phổi điều phối cho Bệnh viện Phổi Trung ương ghép.

Trước đó, Bệnh viện TWQĐ 108 tiếp nhận một bệnh nhân nam (26 tuổi) bị chấn thương sọ não nặng do tai nạn giao thông. Các y, bác sĩ đã nỗ lực điều trị, hồi sức tích cực tìm cơ hội sống cho bệnh nhân nhưng may mắn đã không đến với bệnh nhân.

Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân được chẩn đoán chết não. Sau khi nhận được thông tin về tình trạng của bệnh nhân và với tấm lòng thiện nguyện, nhân đạo, gia đình bệnh nhân đã đồng ý hiến mô, tạng để cứu sống nhiều bệnh nhân hiểm nghèo khác.

Ghep_gan1-1707492888871
Hơn 150 y bác sĩ thực hiện ca lấy - ghép đa tạng vào ngày 30 Tết.

Chiều tối ngày 8/2 (tức 29 Tết), bệnh viện đã khẩn trương tổ chức hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành để xây dựng kế hoạch lấy-ghép đa mô, tạng bảo đảm an toàn, chặt chẽ, khoa học và tuân thủ đúng các quy định về lấy-ghép mô tạng.

Thiếu tướng GS.TS Lê Hữu Song - Giám đốc Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết: “Đối với cuộc “đại phẫu thuật” lần này, bệnh viện chủ động hoàn toàn về công tác tổ chức, điều phối và thực hiện. Bệnh viện đã huy động hơn 150 cán bộ nhân viên tham gia để lấy-ghép đồng thời các mô, tạng và tổ chức chu đáo công tác hậu sự cho người bệnh chết não hiến đa mô, tạng”. 

Ghep_gan-1707493013003
Các y bác sĩ nghiêng mình trước nghĩa cử cao đẹp của nam thanh niên 26 tuổi.

Trong số các ca ghép trên, ghép đồng thời tuỵ-thận được đánh giá là kỹ thuật phức tạp nhất. “Ghép tụy là một kỹ thuật ngoại khoa phức tạp đòi hỏi sự đánh giá, chuẩn bị kỹ lưỡng trước ghép về chỉ định và sự phù hợp giữa người cho-người nhận; bất cứ sai sót nhỏ nào khi phẫu thuật tuỵ có thể gây ảnh hưởng rất lớn tới các tạng khác và nguy hiểm cho người nhận. Đặc biệt, bệnh nhân phải trải qua quá trình hậu phẫu (điều trị và theo dõi sau ghép) rất phức tạp với nhiều nguy cơ, biến chứng có thể xảy ra.

Tuy vậy, để chuẩn bị cho ca ghép này, các đơn vị trong Bệnh viện đã phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị tốt nhất đối với người hiến cũng như người nhận. Bệnh nhân nhận tuỵ-thận đã được điều trị và theo dõi liên tục tại Bệnh viện trong hơn 1 năm nay bảo đảm luôn sẵn sàng ghép khi có nguồn hiến”, GS.TS Lê Hữu Song chia sẻ thêm.

Ghep_gan_2-1707492977222
Bác sĩ chuẩn bị ghép phổi cho người bệnh.

Chiều 30 Tết, những nhịp tim đầu tiên ở người nhận tim đã chạy trên màn hình theo dõi liên tục (monitor), cùng với các mô, tạng khác đang dần hồi sinh trong cơ thể của các bệnh nhân nhận gan, thận, thận-tuỵ, chi thể, trong niềm hân hoan, hạnh phúc của các thầy thuốc...

“Có thể đây là ngày 30 Tết chỉ xảy ra một lần trong đời đối với người thầy thuốc của Bệnh viện TWQĐ 108 như tôi, kết thúc năm cũ để tiếp nối một năm mới, bắt đầu với nhiều cuộc đời được tái sinh”, Thiếu tướng PGS.TS Phạm Nguyên Sơn - Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện xúc động bày tỏ.

Trần Hằng / CAND