Thanh tra Cục Đường sắt phát hiện nhiều nhân viên đường sắt thiếu trang thiết bị, uống rượu, ngủ gật khi lên ban làm việc.
Cục Đường sắt Việt Nam vừa có cuộc kiểm tra đột xuất công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt với nhiều vị trí trực tiếp phục vụ chạy tàu tại ga, đường ngang có người gác trên các tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - TP HCM, Bắc Hồng - Văn Điển.
Kết quả kiểm tra cho thấy có nhiều vi phạm kỷ luật lao động, vi phạm quy chuẩn kỹ thuật ở các địa bàn do các công ty cổ phần đường sắt sau quản lý: Hà Hải, Hà Thái, Vĩnh Phú, Bình Trị Thiên, Quảng Nam - Đà Nẵng, Sài Gòn và các chi nhánh khai thác đường sắt Hà Nội...
Cụ thể, một số nhân viên gác ghi bỏ vị trí khi lên ban; sử dụng rượu bia; không mặc đồng phục; thiếu trang thiết bị liên quan đến tác nghiệp theo quy định...
Tại một số vị trí, học sinh thực tập làm nhiệm vụ như nhân viên chính thức, có nhân viên gác hầm, gác đường ngang, tổ dồn, trực ban chạy tàu ngủ khi lên ban.
Vụ tai nạn tàu SE19 và xe ben ở Thanh Hóa được xác định do nhân viên gác chắn vi phạm quy định. Ảnh: Lê Hoàng.
Một số đường ngang có tình trạng cho tổ chức cá nhân bên ngoài kinh doanh gây ảnh hưởng đến tác nghiệp của nhân viên gác đường ngang, an ninh trật tự và an toàn giao thông.
Trong khi đó, "công tác kiểm tra, giám sát của các đơn vị quản lý đường sắt, sử dụng nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu chưa thường xuyên, nội dung kiểm tra không đảm bảo tính nghiêm túc".
Cục Đường sắt đánh giá, sự kiểm tra, giám sát của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam với các tổ chức, cá nhân còn lỏng lẻo, chưa đủ sức răn đe.
Cục Đường sắt đã yêu cầu Tổng công ty Đường sắt xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân vi phạm, siết chặt kỷ luật lao động, cùng với đó là hoàn thiện quy định kiểm tra, giám sát an toàn giao thông đường sắt.
Nhân viên gác chắn làm việc như thế nào? Đồ họa: Việt Chung - Đoàn Loan
Theo ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Đường sắt Việt Nam, đơn vị đã nhận được kết quả kiểm tra của Cục Đường sắt ngày 30/5 và đã gửi cho các đơn vị liên quan để kiểm tra lại và xử lý những vi phạm của người lao động.
Ông Hoạch cũng cho hay, đây là những lỗi vi phạm không mới, khá phổ biến đã được lực lượng chức năng phát hiện nhiều lần. Tuy nhiên, có những lỗi không nghiêm trọng như một số vị trí gác chắn được phép ngủ trong phòng trực ban vì họ lên ban liên tục trong 24h.
"Các kết quả kiểm tra của Cục Đường sắt như thế nào phải kiểm tra cụ thể từng trường hợp.
Chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị thành viên rà soát và chịu trách nhiệm với những vi phạm của nhân viên", ông Hoạch nói.
Sau 4 vụ tai nạn đường sắt liên tiếp cuối tháng 5, Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu lập đoàn kiểm tra các vị trí lao động trực tiếp an toàn đường sắt và lập tổ công tác kiểm tra trách nhiệm các cơ quan liên quan.
Ông Thể cũng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt khẩn trương xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan các vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng thời gian qua.
0h30 ngày 24/5, tàu SE19 từ Hà Nội vào Đà Nẵng, khi đến ga Trường Lâm (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đã đâm vào xe tải. 2 người chết, 10 người bị thương, đầu máy và 6 toa xe bị lật. Công an đã bắt 2 nhân viên gác chắn do thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
16h20 ngày 26/5, tại ga Núi Thành (Quảng Nam), tàu hàng ASY2 đi vào ga theo hướng Nam Bắc. Cùng thời điểm lái tàu hàng 2469 đang dồn toa hướng ngược lại khiến hai đoàn tàu đã tông nhau trực diện... 4 toa xe hàng trật khỏi đường ray, hai đầu máy hư hỏng nặng.
Chỉ 20 phút sau, lúc 16h40 ngày 26/5, tàu hàng chạy hướng Nam Bắc kéo theo 27 toa xe trong lúc vào đường ray số 3 tại ga Yên Xuân (Nghệ An) để tránh tàu ngược chiều thì bất ngờ bị trật bánh tại hai toa 3 và 4. 30 m đường ray, hàng trăm tà vẹt bị hư hỏng, đường sắt qua khu vực này tắc 3 giờ.
13h ngày 27/5, tàu hàng SH3 chạy Bắc Nam, khi tới xã Diễn An (Diễn Châu, Nghệ An) đâm trúng xe bồn trộn bê tông đang vượt qua đường sắt. Đầu máy tàu bị hư nhẹ, đầu xe bồn hỏng nặng. May mắn tài xế xe bồn chỉ bị thương nhẹ.
Nhiều ĐBQH chưa hài lòng, tranh luận gay gắt với Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chưa hài lòng với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải (GTVT) hôm ... |
Đại biểu Dương Trung Quốc: Đường sắt đang bị bỏ rơi "Phải chăng đầu tư làm đường bộ dễ chia sẻ lợi ích hơn đường sắt nên ngành này không được quan tâm?”, đại biểu Dương ... |
“Đường sắt Việt Nam đã quá lạc hậu” 4 ngày xảy ra liên tiếp 5 vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng khiến người dân, ngành đường sắt và cả xã ... |
Những chuyến tàu thu về 1 triệu đồng: Tiền đâu tăng lương? Ngành đường sắt đang đối mặt với nhiều rào cản khó nâng chất lượng đời sống cán bộ, nhân viên vì số lao động dôi ... |