Những giọt nước mắt, những bức xúc vì không được trả lương, sự xúc phạm khi bị gọi là Chí Phèo, định giá thương hiệu bằng 0…Đó là tất cả những cảm xúc diễn ra trong gần 2 năm cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam.
Ngày 5.5.2016, Tổng Công ty vận tải thủy Vivaso chính thức tiếp quản tiếp quản Hãng phim truyện Việt Nam sau thời gian ngắn Hãng phim này được mời chào cổ phần hoá.
Sau khi tiến hành cổ phần hóa, vốn điều lệ VFS đã được tăng lên đạt 50 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước nắm giữ 20%, cán bộ công nhân viên nắm giữ 4,5%; có 10,5% cổ phần được mang ra đấu giá công khai và 65% vốn được bán cho nhà đầu tư chiến lược, là Tổng công ty vận tải thủy (Vivaso).
Từ đây Hãng phim truyện Việt Nam được đổi tên thành CTCP Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam.
Nghệ sĩ gửi đơn kêu cứu
Tuy nhiên ngày 9.9.2017, lá đơn kêu cứu của 9 nghệ sĩ thuộc Chi hội điện ảnh Hãng phim truyện Việt Nam được gửi tới Ban chấp hành Hội điện ảnh Việt Nam, trong đó nói về những khuất tất trong quá trình cổ phần hoá Hãng phim Truyện Việt Nam.
Trong lá đơn đã nêu rõ những bất hợp lý trong quá trình cổ phần hóa từ việc định giá trị thương hiệu của hãng bằng 0 đồng. Việc tìm cổ đông chiến lược vẻn vẹn 10 ngày khi quảng cáo 3 kỳ lấy lệ trên một báo địa phương nên Vivaso chỉ với 32,5 tỉ đồng đã chiếm 65% tổng giá trị doanh nghiệp trở thành cổ đông chính.
Trong khi đó, Hãng đang sở hữu khu đất “vàng” gồm số 4 Thụy Khuê; số 46, ngõ 151 Hoàng Hoa Thám...ước tính theo giá thị trường vào khoảng 2.000 tỉ đồng. Ngoài ra, còn giá trị thương hiệu của Hãng với trên 400 phim truyện trong gần 60 năm tồn tại.
Kịch bản của phim bị dọn hết ra khỏi Hãng phim Truyện Việt Nam.
Ban giám đốc của Vivaso còn sáp nhập 4 phòng (biên kịch, đạo diễn, quay phim, thiết kế mỹ thuật) vào một phòng bé để dãy nhà trước đây của 4 phòng cho thuê kinh doanh. Toàn bộ số kịch bản quý giá từ khi hãng thành lập cho đến nay bị đem đi gửi ở Viện phim, kho đạo cụ và phục trang bị di dời chuyển đến kho của Vivaso. Ban lãnh đạo công ty không cho cán bộ, nhân viên bất cứ công việc mới nào mà yêu cầu anh em nghệ sĩ tự đi kiếm việc, tự trả lương còn nếu muốn họ trả lương phải đi làm đủ 8 giờ hành chính, sau khi bị phản đối họ mới bỏ quy định này với khối nghệ thuật.
Nghệ sĩ Quốc Tuấn bức xúc khi bị gọi là "Chí Phèo".
Ngày 16.9.2017, các nghệ sĩ như NSND Minh Châu, NSND Thanh Vân, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, diễn viên Quốc Tuấn... có buổi gặp gỡ báo chí chia về tình hình Hãng phim truyện Việt Nam sau gần ba tháng cổ phần của các nghệ sĩ đang làm việc tại đây. Các nghệ sĩ cho biết họ không chống chủ trương cổ phần hóa, thậm chí hết sức ủng hộ vì đó là xu thế chung. Tuy nhiên, sau khi được công ty vận tải thuỷ Vivaso mua lại, không có bất cứ sự thay đổi nào trong cách làm việc của hãng phim trước đây khu chủ đầu mới chỉ tâp chung vào giá trị bất động sản mà hãng phim truyện Việt Nam đang sở hữu.
Trong rối ren, ngoài bế tắc
Tiếp đó, ngày 18.9.2017, các nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam tiếp tục có cuộc họp với Hội Điện ảnh phản ánh tình trạng chậm lương, trả lương thấp và việc đơn vị mua lại Hãng không có định hướng làm phim. Trước sức ép từ phía các nghệ sĩ và dư luận, Ban lãnh đạo Hãng đã có cuộc đối thoại vào chiều 19.9.2017.
Buổi họp giữa các nghệ sĩ và các thành viên Hội đồng quản trị.
Tham dự cuộc họp có những nghệ sĩ gắn bó lâu năm với hãng phim như nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn, đạo diễn Vũ Xuân Hưng, đạo diễn- diễn viên Quốc Tuấn (phim Người thổi tù và hàng tổng)... Về phía ban lãnh đạo có ông Nguyễn Thuỷ Nguyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Vinaso, đơn vị nắm 65% cổ phần hãng phim.
Buổi họp kéo dài gần 4 giờ đồng hồ trong không khí căng thẳng, tranh luận không dứt giữa 2 bên. Tại đây, các nghệ sĩ như NSND Thanh Vân, diễn viên Quốc Tuấn, nhà quay phim Hồng Sơn…tỏ ra bức xúc vì cơ sở xuống cấp, đạo cụ bị hỏng hóc, kịch bản được di dời không biết đi đâu, dồn 4 phòng nghệ thuật vào một phòng. Đặc biệt vấn đề trả lương cho anh em nghệ sĩ, người được trả người không, người trả ít, người trả nhiều không có căn cứ, tiêu chí cụ thể.
Ngày 21.9.2017, Hội Điện Ảnh Việt Nam cùng các nghệ sĩ tổ chức buổi họp mặt báo chí, liên quan đến vấn đề bức xúc tại Hãng phim truyện Việt Nam thời gian qua.
Đạo diễn Quốc Tuấn chủ trì cuộc họp. Anh tỏ ra rất bức xúc và gọi sự vụ này là "kinh khủng". Anh cho biết Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch là người chủ trì việc cổ phần hóa hãng phim, nhưng đến giờ mới biết mọi chuyện.
Nghệ sĩ Quốc Tuấn cho rằng công ty Vivaso không hiểu gì về điện ảnh, điều này chứng tỏ họ chỉ "nhòm" vào khu đất vàng: "Một mảnh đất 5.000 m2 thuê giá ưu đãi nhà nước, vị trí đắc địa, 7.000 m2 ở Cổ Loa, chưa kể đạo cụ, máy quay phim... mà định giá 19,7 tỷ đồng. Đó là điều nực cười, khiến bạn tôi là đại gia cũng phải bật cười, không bằng một căn biệt thự Vinhomes".
Cũng tại buổi gặp gỡ này, trong video được các nghệ sĩ miền Nam gửi ra, là NSND Trà Giang, NSND Đoàn Dũng đã rơi nước mắt khi nói về cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam. NSƯT Minh Đức gọi cuộc cổ phần hóa này là "vắt chanh bỏ vỏ".
Sau những ồn ào, sự vụ tại hãng phim trở thành tâm điểm, được dư luận và truyền thông đặc biệt quan tâm.
Phó Thủ tướng vào cuộc
Ngày 20.9.2017, bất ngờ Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đi thị sát Hãng phim truyện Việt Nam, tại đây ông gặp mặt các nghệ sĩ, đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn, biên kịch Nguyễn Xuân Thành, họa sĩ Thành Chương và họa sĩ Nguyễn Tiến Đức.
Các nghệ sĩ đã đề đạt lên Phó Thủ tướng nguyện vọng của tập thể các nghệ sĩ đang và đã từng công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam. Họ ủng hộ việc cổ phần hóa vì đó là xu thế tất yếu nhưng vấn đề là phải cổ phần hóa như thế nào, để đảm bảo hoạt động của hãng phim cũng như mong muốn cống hiến của các cán bộ, công nhân viên. Các nghệ sĩ rất đau lòng trước thực trạng của Hãng phim hiện nay.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đi thị sát tại Hãng phim Truyện Việt Nam.
Ngày 21.9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì buổi làm việc về vấn đề cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, đại diện Hội Điện ảnh, đại diện Tổng công ty cổ phần Vận tải thủy, đại diện Hãng phim truyện Việt Nam.
Cũng tại buổi họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhiều nghệ sĩ và lãnh đạo Hội Điện ảnh Việt Nam đều khẳng định không đồng tình với việc xác định giá trị thương hiệu 0 đồng cho hãng phim có bề dày lịch sử 60 năm, sản xuất rất nhiều bộ phim kinh điển.
Kết thúc buổi họp, Phó Thủ tướng đề nghị thanh tra toàn bộ quá trình cổ phần hóa. Vào đầu tháng 10.2017, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng có ý kiến chỉ đạo, giao Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Xúc phạm nghệ sĩ
Tuy nhiên, trước thềm thanh tra, ông Nguyễn Thủy Nguyên - chủ tịch Vivaso - lại tiếp tục gây bức xúc trong dư luận với những lời lẽ xúc phạm nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam nặng nề.
Theo đó, trong một cuộc họp với các nghệ sĩ vào chiều ngày 29.9, ông Nguyên đã gọi Quốc Tuấn là "Chí Phèo", "đi đâu cũng khóc như mưa". Các nghệ sĩ một lần nữa phản ứng dữ dội vì cho rằng đó là cách ứng xử thiếu văn hóa, không thể chấp nhận được đối với ông chủ của một đơn vị nghệ thuật.
Ngày 13.10.2017, tại trụ sở Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Ở một diễn biến tiếp theo xoay quanh những ồn ào của Hãng phim truyện Việt Nam, vào cuối tháng 10.2017 các nghệ sĩ đã nhận được bản thông báo gửi từ một công ty đấu giá, ghi rõ kế hoạch đấu giá một số tài sản của Hãng.
Theo đó, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (thuộc Bộ Tài chính) đã ký Hợp đồng Dịch vụ đấu giá tài sản với Công ty cổ phần đấu giá Thành An.
Tài sản đấu giá bao gồm phương tiện vận tải, máy móc thiết bị, vật tư hàng hóa Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam tiếp nhận từ Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam, được cho là “tài sản tồn đọng không cần dùng, chờ thanh lý đã loại trừ khỏi giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa”.
Công ty Cổ phần đấu giá Thành An thông báo đấu giá khối tài sản này với giá khởi điểm 793.600.000 đồng (đã bao gồm VAT). Thời gian, địa điểm tổ chức cuộc đấu giá sẽ được tổ chức vào 9h ngày 9.11.2017 tại Trung tâm giao dịch Công ty cổ phần đấu giá Thành An - Tầng 6, số 4 Phạm Ngũ Lão, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Cùng với đó là một công văn của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (thuộc Bộ tài chính) gửi cho CTCP Đầu tư và phát triển Phim truyện Việt Nam yêu cầu phía công ty phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho công ty đấu giá tổ chức cho khách hàng đi xem tài sản, bán đấu giá và bàn giao tài sản cho khách hàng trúng đấu giá.
Công bố kết luận thanh tra
Ngay sau những bức xúc của anh em nghệ sĩ và dư luận khi đang trong quá trình thanh tra lại bán đấu giá tài sản, Bộ VHTTDL đã có công văn đề nghị công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) tạm thời dừng triển khai việc bán đấu giá tài sản Hãng phim truyện Việt Nam. Và sau đúng một năm, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết quả quá trình cổ phần hoá hãng phim Truyện Việt Nam với nhiều sai phạm và hạn chế.
Như vậy sau gần hai năm cổ phần hoá hãng phim truyện Việt Nam, mới đây, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra với nhiều vấn đề về chuyện cho thuê đất trụ sở, mối bức xúc nghệ sĩ đã được phần nào trả lời, được giải toả. Cho dù phía trước còn chưa biết số phận Hãng phim truyện sẽ đi về đâu, như thế nào nhưng tất cả các anh, em nghệ sĩ đều mong mỏi, sẽ có một đối tác chiến lược liên quan hay có chuyên môn về nghệ thuật đảm nhận và dẫn dắt anh cả của làng điện ảnh Việt Nam để có những bước phát triển mạnh mẽ đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc cổ phẩn hoá các doanh nghiệp nhà nước.
Kết luận thanh tra Hãng phim truyện Việt Nam xong, nghệ sĩ vẫn lo Tuy tỏ ra hài lòng với kết quả thanh tra Hãng phim truyện Việt Nam vừa được công bố, nhưng NBK Trịnh Thanh Nhã, đạo ... |
CPH Hãng phim truyện Việt Nam: Sai phạm chọn nhà đầu tư chiến lược Chiều tối qua (20.9), Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã thông báo kết luận thanh tra “Công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt ... |
Hãng phim truyện Việt Nam cho thuê nhà đất trái thẩm quyền Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ VH, TT&DL xác định giá trị thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam để ... |
Nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam mong sớm có kết quả thanh tra Tập thể nghệ sĩ cho biết hãng hoạt động trì trệ, không có dự án mới, xảy ra nhiều mâu thuẫn trong hơn sáu tháng ... |