Giải pháp phân kỳ đầu tư cao tốc 2 làn xe được xem là bài toán kinh tế phù hợp trong điều kiện ngân sách có hạn và được nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình.

Nhìn từ cao tốc 2 làn xe: Giải bài toán cách nào?- Ảnh 1.

Cao tốc La Sơn - Hòa Liên.

Hệ thống giao thông được ví như mạch máu của nền kinh tế. Đầu tư cho giao thông, đầu tư kết cấu hạ tầng là một trong những điều kiện quan trọng để đất nước phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tuy nhiên, lĩnh vực đầu tư này cần nguồn vốn rất lớn, nhất là phát triển đường cao tốc, vì đi cùng đó là những tiêu chuẩn cao về nhiều mặt. Bài toán này khó giải ngay cả với những quốc gia giàu mạnh như Hoa Kỳ.

Kể từ năm 2020 trở về trước, trong gần 20 năm, Việt Nam chỉ mới đầu tư, đưa vào khai thác được gần 1.163km đường cao tốc, bình quân 80km mỗi năm.

Từ năm 2020 trở lại đây, nhờ quyết sách của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, nhờ phân kỳ đầu tư, nhờ tháo gỡ cơ chế cho dự án đối tác công tư, chỉ trong 3 năm đã có hơn 700km cao tốc được đưa vào khai thác. Bình quân hơn 200km mỗi năm. Gấp gần 2,5 lần so với giai đoạn trước.

Giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT dự kiến nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ khoảng 462.000 tỷ đồng. Tuy vậy, kinh phí phân bổ chỉ đáp ứng khoảng 66%. Phần lớn nguồn vốn này ưu tiên tập trung đầu tư các công trình đường bộ cao tốc.

Trong bối cảnh đó, việc phấn đấu đến năm 2025 cả nước có 3.000km đường cao tốc, tới năm 2030 có hơn 5.000km đường cao tốc như mục tiêu Đại hội Đảng XIII đặt ra là thách thức lớn.

Theo các chuyên gia, trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, giải pháp phân kỳ đầu tư đã được các cơ quan quản lý lựa chọn, đề xuất các cấp có thẩm quyền thông qua đã giúp giải được bài toán cân đối vốn và sớm xây dựng được nhiều tuyến cao tốc, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cấp thiết của đất nước.

Tổ chức giao thông tối ưu nhất với điều kiện hạ tầng hiện có

Nhìn từ cao tốc 2 làn xe: Giải bài toán cách nào?- Ảnh 2.

TS Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC).

Vốn cho đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc rất lớn trong khi nguồn lực còn hạn chế. Vì thế thời gian qua, Bộ GTVT và các địa phương nghiên cứu, đề xuất đầu tư một số tuyến đường bộ cao tốc theo quy mô phân kỳ.

Việc sớm đưa vào khai thác các tuyến đường bộ cao tốc đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trước đây, chỉ có trục đường từ Bắc vào Nam là quốc lộ 1, nay đã có thêm những đoạn cao tốc Bắc - Nam đưa vào vận hành, cho thấy khối lượng công việc đã làm của ngành giao thông rất lớn.

Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận rằng, việc vận hành các tuyến đường bộ cao tốc quy mô phân kỳ còn một số hạn chế như tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông.

Tôi rất đồng tình với quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là phải khẩn trương nâng cấp tuyến đường bộ cao tốc đã được đầu tư phân kỳ đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh, phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế, nhu cầu vận tải. Trong đó, tập trung đầu tư sớm nhất đối với các tuyến đường bộ cao tốc quy mô 2 làn xe và rà soát, bổ sung đầy đủ, đồng bộ các công trình hạ tầng trên tuyến.

Cao tốc 4 hoặc 8 làn xe tùy thuộc vào lưu lượng, điều kiện khu vực đi qua.

Nếu chưa đảm bảo kinh phí và thực hiện được toàn bộ quy mô đầu tư hoàn thiện trên, chúng ta cần rà soát, tổ chức giao thông theo hướng tối ưu nhất với điều kiện hạ tầng hiện có. Ví dụ như bổ sung thêm biển báo, chỉ dẫn, tuyên truyền nhiều hơn, chú trọng xây dựng làn dừng xe khẩn cấp, điểm/trạm dừng nghỉ cho người tham gia giao thông, tránh vấn đề người lái xe chạy quá sức, giảm thiểu tai nạn giao thông.

Không ai muốn tạo ra nút thắt cổ chai ở các cung đường như tại Cam Lộ - La Sơn, nhưng kinh phí giới hạn chỉ dừng lại ở việc phân kỳ đầu tư nên trước mắt cần có phương án tuyên truyền, giáo dục, cảnh báo nâng cao ý thức người tham gia giao thông để đảm bảo an toàn.

Nhanh chóng xây dựng quy chuẩn kỹ thuật đường cao tốc

Nhìn từ cao tốc 2 làn xe: Giải bài toán cách nào?- Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Rõ ràng đầu tư dự án giao thông phải dựa trên nguồn lực và tính toán nhu cầu thực tế.

Nếu nhu cầu lớn mà đầu tư tuyến đường nhỏ, hẹp thì không đảm bảo yêu cầu, ngược lại, xây đường hoành tráng, nhiều làn xe mà không có hoặc ít phương tiện qua thì lãng phí.

Tôi cho rằng, việc nâng cấp mở rộng làn ở đường cao tốc phân kỳ hiện nay cần phải dựa vào nhu cầu và hiệu quả kinh tế. Nếu lượng xe thấp, chưa đến mức phải nâng cấp thì chúng ta nên giữ nguyên trạng. Để bảo đảm an toàn nếu cần thiết thì giới hạn tốc độ và các quy định về tiêu chuẩn an toàn theo quy chuẩn kỹ thuật của đường cao tốc.

Điều quan trọng là cần phải nhanh chóng xây dựng quy chuẩn kỹ thuật đường cao tốc, để khi đầu tư và vận hành chúng ta có căn cứ, từ đó triển khai đồng bộ trên các tuyến đường.

Ta không nên vì một vài vụ việc vừa qua mà phải vội vàng đầu tư, mở rộng ở những đoạn chưa cần thiết. Cần rà soát lại, đầu tư mở rộng mà ít xe đi thì là một sự lãng phí rất lớn.

Cao tốc 2 làn là giải pháp tình thế

Nhìn từ cao tốc 2 làn xe: Giải bài toán cách nào?- Ảnh 4.

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

Việc đầu tư một số đoạn cao tốc phân kỳ trong thời gian vừa qua là có lý do.

Ai cũng muốn đi đường rộng thênh thang nhưng trong bối cảnh nguồn lực có hạn thì giải pháp làm cao tốc 2 làn như trước đây chúng ta thực hiện là giải pháp tình thế.

Tuy nhiên, trong khi vận hành nếu xuất hiện bất cập ở những đoạn cao tốc 2 làn xe thì chúng ta cần điều chỉnh để đảm bảo an toàn, đúng với tinh thần đảm bảo tính mạng, sức khỏe của người dân là trên hết.

Vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo khẩn trương nâng cấp các tuyến cao tốc 2 làn xe. Trong chỉ đạo của Thủ tướng nêu rất rõ công việc cụ thể của các cơ quan hữu quan. Tôi tin rằng Bộ GTVT sẽ phối hợp với cơ quan liên quan để thực hiện nghiêm túc chỉ đạo này của Thủ tướng.

Hiện nay, số ô tô ngày càng tăng, nhu cầu đi với tốc độ ngày càng cao do vậy cần phải có đường cao tốc đảm bảo quy chuẩn. Có vậy, mới đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Theo tôi, từ nay trở đi nếu đầu tư các dự án cao tốc thì nên làm đạt quy chuẩn luôn.

"Liệu cơm gắp mắm" như vừa qua là đúng đắn

Nhìn từ cao tốc 2 làn xe: Giải bài toán cách nào?- Ảnh 5.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Trước đây khi bối cảnh ngân sách có hạn, việc triển khai một số đoạn cao tốc phân kỳ là hợp lý. Nguồn lực có hạn mà nhu cầu phát triển kinh tế địa phương và nhu cầu đi lại của nhân dân cao thì chúng ta "liệu cơm gắp mắm" như trong thời gian qua là đúng đắn.

Không chỉ ở Việt Nam, ngay cả nhiều nước tiên tiến trong giai đoạn đang phát triển thì họ cũng xây dựng những tuyến cao tốc chỉ có 2 làn xe.

Thực tế, khi khai thác, mật độ phương tiện trên một số tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn một là khá cao. Điển hình nhất là Tết vừa rồi, cao tốc Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan nườm nượp xe đi lại.

Khi nhu cầu đi lại của người dân tăng lên cùng với việc ta đã dần sắp xếp được nguồn lực thì việc xem xét đầu tư mở rộng ở những tuyến cao tốc 2 làn là cần thiết.

Và cần phải tính đến việc huy động nguồn lực xã hội để phát triển cao tốc. Một trong những giải pháp đó là thu phí tất cả các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư khi đủ điều kiện, từ đó tạo nguồn lực để tiếp tục đầu tư cho các dự án mới và nâng cấp cao tốc 2 làn xe thành 4 đến 6 làn để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Tuy nhiên, trong lúc chờ các thủ tục triển khai mở rộng, cần điều chỉnh ngay những bất cập nảy sinh trong quá trình khai thác vận hành để đảm bảo an toàn. Những đoạn từ 3 làn gom vào còn 2 làn, 1 làn phải có độ dài nhất định để tài xế có thời gian xử lý. Những chỗ này cần thêm biển báo, vạch kẻ đường, gờ giảm tốc để người điều khiển phương tiện giao thông nhận ra.

Điều quan trọng nữa là cần tăng cường xử lý vi phạm, phạt trực tiếp và phạt nguội để nâng cao ý thức lái xe.

https://www.baogiaothong.vn/nhin-tu-cao-toc-2-lan-xe-giai-bai-toan-cach-nao-192240224213405334.htm

PV / Giao thông