Thói quen sử dụng sản phẩm nhựa, đặc biệt là nhựa dùng một lần của người dân đang tạo ra nguy cơ lớn với sự tồn vong của hệ sinh thái biển.

Rác thải nhựa đại dương là một trong những mối nguy lớn nhất với hệ sinh thái biển tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung hiện nay.

Những đồ dùng nhựa quen thuộc với người dân trong đời sống hàng ngày, nếu không được xử lý đúng cách mà xả thẳng ra biển sẽ làm tăng phát thải khí nhà kính, gia tăng tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu, đe dọa tồn tại của các sinh vật biển, tăng tốc độ suy thoái của các quần thể san hô và ảnh hưởng đến hệ thống vi sinh vật đại dương.

Nhựa dùng một lần - nỗi ám ảnh của môi trường biển - 1
Ô nhiễm nhựa đang trở thành vấn nạn với môi trường biển.

Đặc biệt, hạt vi nhựa phân rã ra tự nhiên có mặt trong nước, hải sản, không khí và có thể hấp thụ vào cơ thể con người qua đường ăn uống, hô hấp, để lại những tác hại tiềm ẩn khó lường đối với sức khỏe. Tuy nhiên, giảm thiểu lượng rác thải nhựa đổ ra biển không phải bài toán dễ giải.

Không dễ thay thế sản phẩm nhựa

Các sản phẩm nhựa dùng một lần được người dân và doanh nghiệp sử dụng phổ biến bởi sự tiện dụng, giá thành rẻ. Hộp xốp, túi nilon, ly cốc, ống hút nhựa,... từ lâu đã gắn bó với cả người sản xuất và người tiêu dùng.

"Báo chí, truyền thông có nói nhiều đến tác hại của rác thải nhựa, nhưng vì đồ nhựa dễ kiếm, bên cạnh những ưu điểm mà sản phẩm khác khó cạnh tranh được nên các sản phẩm làm từ nhựa vẫn được ưa chuộng trên thị trường", chị N.T.T.H, một tiểu thương ở chợ tại quận Đống Đa chia sẻ.

Trong các sản phẩm nhựa, túi nilon là "vật bất ly thân" của cả người bán lẫn người mua tại các chợ, siêu thị từ thành phố tới nông thôn. Hình ảnh túi nilon nằm vương vãi trên nền đất sau các buổi họp chợ dân sinh đã quá phổ biến tại Việt Nam.

Những sản phẩm quen thuộc, đơn cử như mỳ gói, cũng bao hàm nhiều vật dụng làm từ nhựa như bao bì, dĩa, thìa, vỏ gia vị, hộp đựng,... Lượng sản phẩm nhựa dồi dào từ cả người bán lẫn người mua tạo ra nguy cơ hủy hoại môi trường, trong đó có môi trường biển, nơi Việt Nam có hàng trăm nghìn tấn rác thải nhựa đổ trực tiếp ra biển mỗi năm.

Nhựa dùng một lần - nỗi ám ảnh của môi trường biển - 2
Đồ nhựa dùng một lần được ưa chuộng tại Việt Nam.

Khảo sát của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) cho thấy chỉ 22% những người được hỏi cho rằng bản thân cần giảm thiểu rác thải nhựa, gần nửa số còn lại cho rằng trách nhiệm này thuộc về xã hội. 35% lượng người được hỏi cho rằng việc sử dụng nhựa dùng một lần là nhu cầu xã hội nên khó thay đổi.

Theo ông Tạ Anh Tuấn - Quản lý truyền thông Dự án Giảm thiểu Rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam của WWF, tìm ra nguyên vật liệu thay thế nhựa dùng một lần tại Việt Nam hiện nay không phải nhiệm vụ đơn giản. Đồ nhựa hấp dẫn bởi giá thành rẻ và sự tiện dụng.

Để thuyết phục người dân không dùng đồ nhựa, cần có nguyên vật liệu thay thế, với giá thành và độ phổ biến ít nhất ở mức tương đương.

"Thay thế nhựa không dễ. Nhựa có rất nhiều đặc tính ưu việt hơn các vật liệu khác như bền, nhẹ dẻo, rẻ tiền, có thể tái chế. Vấn đề là ở chỗ cách sử dụng và quản lý sau sử dụng để giảm lượng thất thoát và gây hại cho môi trường. Vì vậy định hướng của WWF và Dự án là thúc đẩy việc sử dụng và quản lý hiệu quả thay vì thay thế.

Chúng tôi chú trọng vào việc giảm thiểu sử dụng, thải bỏ đúng cách, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất với bao bì và tuần hoàn trong sử dụng nhựa.

Trong hoạt động thuộc dự án Giảm thiểu Rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam mà WWF phối hợp triển khai cùng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, mục tiêu tìm kiếm, hỗ trợ xây dựng các mô hình, ý tưởng khả thi để tăng tỷ lệ và hiệu quả quản lý, xử lý, tái chế rác nhựa, đồng thời thúc đẩy giảm thiểu sử dụng nhựa dùng một lần là những mục tiêu hết sức quan trọng được đề ra từ đầu.", ông Tuấn khẳng định.

Theo quan điểm của WWF-Việt Nam, đại dịch COVID-19 cũng thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Đồ nhựa được sử dụng nhiều hơn, khiến lượng rác thải tăng lên đáng kể.

Nhựa dùng một lần - nỗi ám ảnh của môi trường biển - 3
Thực phẩm đóng hộp được ưa chuộng trong đại dịch.

"Trong ngành dịch vụ ăn uống thì dịch bệnh phần nào thúc đẩy hành vi sử dụng nhựa dùng một lần nhiều hơn do gia tăng nhu cầu sử dụng cốc uống nước, hộp đựng thức ăn dùng một lần thay cho việc sử dụng cốc và hộp đựng dùng nhiều lần.

Giãn cách xã hội cũng làm tăng nhu cầu đặt thức ăn, thực phẩm mang đi, mua sắm trực tuyến,… từ đó lượng rác thải nhựa dùng chủ yếu trong việc đóng gói và vận chuyển tăng lên", ông Tạ Anh Tuấn chia sẻ.

Đề xuất chính sách

Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thu, chuyên gia quản lý môi trường cấp cao của Ngân hàng Thế giới (World Bank), rác thải nhựa đại dương phần lớn xuất phát từ lục địa, nên để giảm thiểu rác thải nhựa, nhất thiết phải thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân.

Ô nhiễm môi trường biển là vấn đề xa lạ với nhiều người, nhưng lại bắt nguồn từ những hành động gần gũi thường nhất.

Bên cạnh các dự án, chương trình hành động để quản lý, xử lý, tái chế rác nhựa, Việt Nam cần có hành lang chính sách hợp lý để giảm thiểu lượng nhựa sử dụng một lần đổ ra biển.

Trong bản đề xuất chính sách, World Bank đưa ra 10 luận điểm, gồm năm điểm hạn chế với: phân phối ống hút và dụng cụ khuấy đồ uống dùng một lần; sử dụng đồ nhựa dùng một lần tại chỗ trong các cơ sở ăn uống; phân phối dao, kéo, đĩa nhựa dùng một lần khi giao đồ ăn trực tuyến; phân phối sản phẩm nhựa dùng trong nhà tắm khách sản, khu du lịch.

Nhựa dùng một lần - nỗi ám ảnh của môi trường biển - 4
Việt Nam là một trong những nước xả thải nhựa ra biển nhiều nhất thế giới.

Với người tiêu dùng, World Bank đề xuất đánh phí khi mua cafe mang đi hoặc túi nilon khó phân hủy. Chính sách môi trường về cơ bản cần sự cứng rắn, chặt chẽ, nhưng với những thói quen hàng ngày của người dân, sự mềm dẻo, linh hoạt là yếu tố cần thiết.

"Vì cốc cafe được sử dụng rộng rãi và thuận tiện cho người tiêu dùng, một lệnh cấm sẽ gặp phải sự phản đối mạnh mẽ. Các công cụ kinh tế sẽ phù hợp hơn giúp cắt giảm tiêu thụ", World Bank nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, chính sách hướng tới thay đổi thói quen người tiêu dùng là chưa đủ. Xu hướng sử dụng đồ nhựa của nhà sản xuất ảnh hưởng không nhỏ đến thói quen khách hàng. Tác động được đến nhà sản xuất, các đơn vị kinh doanh, nhà hàng, cafe, du lịch là điểm cốt lõi được hầu hết các tổ chức quốc tế như WWF, World Bank đặt ra.

Nằm trong biệt thự Pháp cổ, tọa lạc ở con phố Chân Cầm nằm sát Nhà Thờ lớn Hà Nội, quán cafe Loading T sử dụng ống hút bằng inox, thay cho ống hút nhựa dùng một lần. Sau khi khách sử dụng, ống hút inox được rửa sạch, khử trùng và tái sử dụng.

Ước tính một ngày, quán đón khoảng 100-150 khách. Ống hút inox giúp quán giảm được khoảng 200 ống hút nhựa - thứ vật liệu thường không được tái sử dụng.

Ở ngõ 3B Hàng Tre, Hidden Gem Coffee thu hút khách du lịch trong và ngoài nước bởi toàn bộ vật liệu trong quán đều làm bằng vật liệu tái chế, với thông điệp "Nói không với nhựa".

Nhựa dùng một lần - nỗi ám ảnh của môi trường biển - 5
Một số quán cafe sử dụng ống hút inox.

Tuy nhiên, xu hướng sử dụng các vật liệu thay thế nhựa chỉ diễn ra lẻ tẻ ở các cơ sở kinh doanh, chưa có chế tài áp dụng đồng bộ, dù Khoản 1, 3 Điều 73 Luật Bảo vệ Môi trường đã quy định:

"Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hạn chế sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học theo quy định; Các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần và sản phẩm thay thế bao bì nhựa khó phân hủy sinh học được chứng nhận thì được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật".

Một trong bốn trọng tâm WWF-Việt Nam đề ra trong kế hoạch giảm rác thải nhựa là "trách nhiệm của nhà sản xuất" (EPR).

"Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai tích cực nhằm đưa ra và áp dụng các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020, đặc biệt là việc thực hiện cơ chế Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) được đề xuất là một cơ chế bắt buộc, tuân theo mô hình của Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi đã được thông qua.

Trong thời gian tới, WWF sẽ tiếp tục tham vấn cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua nghiên cứu bổ sung về độ sẵn sàng của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thực hiện EPR, hỗ trợ thuê chuyên gia luật và môi trường để phân tích các giải pháp, lựa chọn trong việc xây dựng hướng dẫn và thực thi EPR tại Việt Nam", ông Tạ Anh Tuấn, đại diện WWF-Việt Nam chia sẻ.

Đòi hỏi các bên liên quan phải phối hợp hành động, thay đổi toàn diện từ nhận thức, thói quen người dùng đến nhà sản xuất, cuộc chiến chống rác thải nhựa còn rất dài, nhưng cần phải hành động quyết liệt trước khi quá muộn.

Một số quốc gia châu Á đang tích cực thực hiện các biện pháp cắt giảm rác thải nhựa. Từ năm 2022, các cửa hàng cafe và nhà hàng tại Hàn Quốc sẽ bị cấm sử dụng các sản phẩm dùng một lần tại cửa hàng. Các quán cafe và các nhà hàng phục vụ đồ ăn, uống có thể bị phạt tùy vào tần suất vi phạm chính sách cấm nhựa sử dụng một lần và quy mô của các cửa hàng.

HỒNG NAM

Vì sao nhận thức về rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam còn hạn chế? Vì sao nhận thức về rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam còn hạn chế?
Moderna chạy theo lợi nhuận, làm ngơ trước đề nghị mua vaccine của nước nghèo? Moderna chạy theo lợi nhuận, làm ngơ trước đề nghị mua vaccine của nước nghèo?
Vì sao Châu Nhuận Phát luôn cự tuyệt đóng phim với Thành Long? Vì sao Châu Nhuận Phát luôn cự tuyệt đóng phim với Thành Long?

/ vtc.vn