Chúng tôi bước vào Ga Quốc tế - Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài ngỡ ngàng, lạ lẫm. Bởi không có tiếng bước chân nhộn nhịp thường ngày, không thấy cảnh đưa tiễn bịn rịn, không nghe phương ngữ, tiếng nói tứ xứ năm châu, không thấy bóng những nhân viên hàng không lịch sự, chỉnh tề và không cả tiếng động cơ, tàu máy. Nội Bài khác lạ, chưa từng có bao giờ…Đó là Nội Bài sau những ngày oằn mình chốt chặn ngăn ngừa COVID-19.

nhung chien si chot chan cua ngo ngan ngua covid 19

nhung chien si chot chan cua ngo ngan ngua covid 19

Chúng tôi bước vào Ga Quốc tế Sân bay Nội Bài ngỡ ngàng, lạ lẫm. Bởi không có tiếng bước chân nhộn nhịp thường ngày, không thấy cảnh đưa tiễn bịn rịn, không nghe phương ngữ, tiếng nói tứ xứ năm châu, không thấy bóng những nhân viên hàng không lịch sự, chỉnh tề và không cả tiếng động cơ, tàu máy. Nội Bài khác lạ, chưa từng có bao giờ…

Hôm ấy 27.3 là ngày đầu tiên sau khi Bộ Giao thông Vận tải có công văn hỏa tốc yêu cầu các hãng bay tạm dừng vận chuyển hành khách là công dân Việt Nam từ nước ngoài về sân bay Nội Bài do các khu cách ly tại TP Hà Nội đã quá tải. Cũng vì thế mà ông Bùi Đức Long - Đội trưởng Đội An ninh trật tự Ga Quốc tế, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài mới có chút thời gian để tiếp chuyện chúng tôi sau những ngày lúc nào cũng “căng như dây đàn” để chống dịch COVID-19. Nhưng nói như cách của ông Long thì Nội Bài chỉ đang “chợp mắt” một lúc mà thôi.

“Anh Long triệu tập anh em họp gấp! Chuẩn bị triển khai nhiệm vụ mới” – Đó là nội dung ngắn ngủi của cuộc gọi khẩn cấp hôm 27 Tết khi thông tin dịch COVID-19 xuất hiện - ông Bùi Đức Long nhớ lại điểm bắt đầu của hành trình những ngày qua.

nhung chien si chot chan cua ngo ngan ngua covid 19
nhung chien si chot chan cua ngo ngan ngua covid 19

Trong những ngày căng mình chống dịch như thế, những nhân viên an ninh hàng không Nội Bài luôn kiêm nhiệm “3 trong 1”.

“Nhiệm vụ chính của chúng tôi là an ninh hàng không và an ninh trật tự. Giờ đây chúng tôi phải kiêm luôn giám sát các hành khách từ vùng dịch về. Đôi lúc vào vai nhân viên y tế đo nhiệt độ, phát khẩu trang, hướng dẫn hành khách cách đeo đúng. Nhiều khi cũng là nhân viên đưa cơm, đồ uống phục vụ hành khách chờ đợi trong quá trình sàng lọc cách ly. Những ca trực kéo dài, đêm hôm sáng sớm, có những ngày không nhìn đến đồng hồ” – ông Long kể.

Cả 2 vợ chồng đều là nhân viên an ninh hàng không, nỗi lo lắng và rủi ro của gia đình ông lại phải nhân đôi. Nhiều ngày liền không về nhà, ông Long rất thương 2 con nhỏ phải tự ở nhà chăm sóc nhau.

“Bố mẹ tôi ở ngay cạnh nhà nhưng thương bố mẹ già nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn nên tôi dặn không được sang thăm cháu. Vợ chồng tôi và 2 con cũng hạn chế đi lại, tiếp xúc để giữ cho cộng đồng. Thỉnh thoảng tôi về nhà, vợ bắt sát khuẩn 3 lần mới được ôm con” – ông Long bật cười.

Thời gian cao điểm những nhân viên an ninh, lực lượng y tế trực chốt kiểm soát Nội Bài phải tiếp xúc hàng nghìn người một ngày và những rủi ro luôn chầu chực. Đến thời điểm này, 1 cán bộ của Đội An ninh trật tự Ga Quốc tế vẫn đang trong diện cách ly vì tiếp xúc với khách nước ngoài mắc COVID-19.

nhung chien si chot chan cua ngo ngan ngua covid 19
nhung chien si chot chan cua ngo ngan ngua covid 19

Những “chiến sĩ” ấy đã trải qua những ngày làm nhiệm vụ chẳng dễ dàng gì. Trong những ngày đầu, người nước ngoài hầu như không chịu hợp tác sàng lọc cách ly. Đến sau này khi lượng người Việt từ nước ngoài ồ ạt trở về, công việc lại càng tăng nặng bội phần.

“Nhớ nhất là một trường hợp khả năng là con lãnh đạo cứ nằng nặc không cách ly tập trung rồi nói nhà tôi có trang trại to ở Sóc Sơn, tôi chả ốm đau gì hết, tôi lên đấy tự cách ly. Có gia đình có tiền thì thuê xe cứu thương đến đón nên nhất quyết không lên xe cách ly tập trung. Chúng tôi rất mệt mỏi và áp lực. Nhưng điều duy nhất chúng tôi nghĩ đến trong những ngày qua là họ là bà con, là đồng bào của mình” – ông Long bày tỏ.

Chưa dừng lại ở những áp lực trong đơn vị, ngay cả cuộc sống ở nhà của những “chiến sĩ” ấy cũng đảo lộn. Những kỳ thị, nghi ngại khiến họ chỉ biết quay lưng thở dài.

“Đồng nghiệp tôi kể trước đây khi đi làm về anh em lối xóm đã chào nhau từ đầu ngõ nhưng bây giờ nhiều lúc họ nhìn thấy thì quay đi như là không biết. Chắc sợ phải mời nhau chén nước chè lại lây con COVID-19. Tôi hiểu họ lo lắng chính đáng nhưng mình vẫn buồn” – ông Long trầm ngâm.

nhung chien si chot chan cua ngo ngan ngua covid 19
nhung chien si chot chan cua ngo ngan ngua covid 19

Chị Đoàn Thị Thanh Nga, Trung tâm An ninh hàng không Nội Bài đã mang thai đến tháng thứ 7: “Khi dịch bùng phát tôi đang mang bầu em bé nên rất lo lắng bởi vì môi trường làm việc quá nhiều rủi ro. Thế nhưng, tôi được ưu tiên làm việc chỉ tiếp xúc kiểm soát nhân viên nội bộ, hạn chế tiếp xúc với hành khách. Lượng khách đổ về rất đông, thấy anh em chịu đầu sóng ngọn gió, tôi vẫn muốn đi làm để chung sức với đồng nghiệp dù gia đình có khuyên nên tạm nghỉ”.

nhung chien si chot chan cua ngo ngan ngua covid 19

Ông Phạm Quý Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm An ninh hàng không, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đã có những phương án đảm bảo chống dịch COVID-19. Vào giai đoạn đầu rất khó khăn, vất vả trong việc phân loại phối hợp với các đơn vị để đưa hành khách nghi lây nhiễm về các vị trí để cách ly.

“Lúc đó có rất nhiều vấn đề lúng túng, tuy nhiên sau khoảng thời gian đó chúng tôi đã chủ động và triển khai phương án phòng chống dịch và phối hợp rất tốt với các đơn vị. Cho đến thời điểm hiện nay chưa có nhân viên an ninh hàng không nào mắc COVID-19. Điều đó với chúng tôi là chính là thành công ban đầu!” – ông Vũ nói.

nhung chien si chot chan cua ngo ngan ngua covid 19

Khi mọi hoạt động hàng không tạm đóng cửa, một số phi hành đoàn vẫn thực hiện những chuyến bay đặc biệt, đón những hành khách là đồng bào, du học sinh từ vùng tâm dịch về quê mẹ.

Vừa thực hiện xong chuyến hành trình đưa 350 hành khách là đồng bào, du học sinh từ London về nước, chị Nguyễn Thanh Bình, Tiếp viên trưởng trên chuyến bay VN 0054 cùng với phi hành đoàn 32 người tự động cách ly 14 ngày theo quy định.

Trò chuyện với chị Bình qua màn hình trực tuyến từ khu cách ly, chị Bình tinh thần thoải mái, vui vẻ chia sẻ: “Chúng tôi rất khoẻ. Mọi người yên tâm!”.

“Hơn 20 năm làm nghề, đây có lẽ là những chuyến bay đáng nhớ nhất trong cuộc đời tiếp viên của tôi. Những chuyến bay đưa đồng bào, du học sinh và thậm chí có cả người thân của mình từ vùng dịch về nước. Nó đặc biệt lắm!”, chị Bình cười tươi.

Vất vả, khó khăn là có, lo lắng, sợ hãi cũng có. Trong suốt hành trình kéo dài nhiều giờ đồng hồ, các tiếp viên hàng không phải mặc trên mình bộ đồ bảo hộ phòng dịch cồng kềnh. Khó thở, nóng nực là những gì họ cảm nhận được, những vết hằn do mặc đồ bảo hộ mười mấy tiếng đồng hồ là thứ mà họ nhìn thấy sau mỗi chuyến bay. Thế nhưng đó không phải là điều đọng lại trong họ. Điều họ nhớ đến là niềm vui của đồng bào khi được về quê mẹ.

Trên những chuyến bay này hành khách đều rất ý thức phòng chống dịch COVID-19, mọi người yên lặng, trật tự, hợp tác với phi hành đoàn. Tiếp viên làm việc có mệt mỏi nhưng đều thấy vui và yên lòng.

“Trên chuyến bay đó có con trai mình, người thân, bạn bè về quê mẹ. Khi đó bao mệt mỏi tan biến hết. Bay càng nhiều tôi càng thấy yêu công việc này hơn”.

nhung chien si chot chan cua ngo ngan ngua covid 19
nhung chien si chot chan cua ngo ngan ngua covid 19

Sau khi có những nhân viên hàng không đầu tiên bị mắc COVID-19 và nhiều hành khách trên máy bay dương tính với SARS-CoV-2, nhiều người đã có thái độ kỳ thị các tiếp viên hàng không.

“Mỗi lần mặc đồ đi bay là hàng xóm láng giềng lại hỏi với giọng đầy e ngại. Đi bay về cũng chẳng dám bắt một chiếc taxi vì chẳng ai chở tiếp viên hàng không cả.” – tiếp viên hàng không chia sẻ.

nhung chien si chot chan cua ngo ngan ngua covid 19

Nói về thái độ kỳ thị tiếp viên hàng không của nhiều người, chị Bình cho biết, đội ngũ tiếp viên có buồn, nhưng vẫn quyết tâm thực hiện nhiệm vụ bay trong giai đoạn này. Nhiều tiếp viên có con nhỏ nhưng vẫn bay và chấp nhận cách ly, xa con 14 ngày. Đây là sự hi sinh tuyệt vời của họ.

“Người thân, bạn bè hỏi tôi: Tại sao không nghỉ đi mà vẫn đi bay vào thời điểm này?”. Tôi trả lời họ: “Tại sao lại nghỉ? Nếu tôi nghỉ ai sẽ là người đưa đồng bào về nước, trong đó có cả con cái, người thân của các vị. Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ dành phần ai?”

Chính bởi tinh thần ấy mà nhiều người yêu quý gọi những tiếp viên hàng không là “những chiến binh bông sen vàng”. Những chiến binh ấy sẽ không để ai bị bỏ lại phía sau, đưa đồng bào về quê mẹ là niềm vinh dự tự hào. Tiếp viên trưởng Nguyễn Thanh Bình và các chiến binh Bông sen vàng đã và sẽ luôn sát cánh cùng toàn dân trong cuộc chiến chống lại “giặc” COVID-19.

nhung chien si chot chan cua ngo ngan ngua covid 19 WHO lo lắng: Sắp chạm mốc 1 triệu người mắc Covid-19, 50.000 ca thiệt mạng
nhung chien si chot chan cua ngo ngan ngua covid 19 Cuộc đua toàn cầu điều chế thuốc Covid-19
nhung chien si chot chan cua ngo ngan ngua covid 19 Singapore ghi nhận ca nhiễm covid-19 thứ 1.000

/ specials.laodong.vn