Là kinh đô trong nhiều thế kỷ, rồi sau đó là Thủ đô nên chợ Tết của Hà Nội cũng có sự khác biệt. Không chỉ vậy, Hà Nội còn có cả những con phố chuyên bán hàng hóa phục vụ Tết và những phiên chợ đặc trưng riêng của mảnh đất này…
Một gánh hàng hoa trong chợ Tết xưa |
Chợ có ma đi sắm Tết
Chợ Bưởi xưa vốn là nơi hợp lưu của 2 con sông Tô Lịch và Thiên Phù, đây cũng từng là chợ lớn nhất ở phía Tây thành Thăng Long. Chợ bán sản phẩm do các làng nghề trong vùng làm ra như làng Trích Sài, Bái Ân chuyên bán lụa, lĩnh; làng Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã bán các loại giấy; làng Xuân La, Xuân Đỉnh bán nông cụ; làng Yên Phú bán mạch nha… Chợ Bưởi cũng có sản phẩm nông nghiệp của vùng bên kia sông Hồng (Vĩnh Yên, Phúc Yên) đưa sang, hay từ xứ Đoài (Hà Tây cũ) mang đến. Trong nhiều thế kỷ, chợ bán đủ loại giống cây, các giống vật nuôi trong gia đình, đặc biệt là chó mèo. Chợ họp 1 tháng 6 phiên, riêng phiên ngày 19 tháng Chạp thì có bán cả trâu, bò. Xưa, chợ Bưởi chỉ là những dãy lán bằng phên nứa tuềnh toàng và 1-2 dãy nhà gỗ mà người mua kẻ bán ở đây quen gọi là cầu chợ. Đầu thế kỷ 20, trong chợ có 15 gian chuyên bán giấy là giấy moi, giấy bản, giấy phết quạt, giấy quấn ngòi pháo.
Vào thời nhà Lý, gần chợ có bãi đất rộng không có dân cư ở nên được dùng làm pháp trường xử những người phạm trọng tội. Sau khi nhận lãnh hình phạt, phạm nhân thường được chôn ngay tại đây nên nó được người dân đặt tên là Đống Ma, sau đổi thành tên chữ là Tích Ma. Xung quanh chợ Bưởi có nhiều truyền thuyết liên quan đến bãi Tích Ma. Chuyện là hàng năm, trong phiên chợ Bưởi giáp Tết, ma từ âm phủ lên trà trộn với người dương thế đi sắm sửa đồ vật ăn Tết. Người dương mua hàng bằng tiền thật còn ma dùng tiền âm nên để phân biệt ai là ma, ai là người, các bà bán hàng đặt chậu nước trước cửa hàng.
Khi khách trả tiền, người bán hàng thả đồng tiền ấy vào chậu nước, nếu đồng tiền chạm vào đáy chậu phát ra tiếng kêu thì đó là tiền thật, có nghĩa người mua hàng là người trần không phải ma. Còn nếu đồng tiền không phát ra tiếng kêu thì đó là tiền ma và người mua hàng là ma giả người trần. Khi người bán hàng đòi phải trả tiền thật, lập tức ma sẽ sợ hãi và biến mất. Truyền thuyết này xuất phát từ tâm linh của người Việt xưa, đó là có người dương thì phải có người âm, và trần sao thì âm vậy.
Chợ hoa Tết của Hà Nội bên cạnh chợ Đồng Xuân |
Chợ chữ
Nửa cuối thế kỷ 19, đoạn ngã tư Hàng Bồ - Hàng Thiếc (trước gọi là Hàng Bút, còn phố Hàng Bút hiện nay xưa là phố Hàng Mụn) chuyên bán giấy của Kẻ Bưởi, nghiên mực làm bằng đá của vùng đá vôi Hà Nam và mực làm ở Hưng Yên cùng các loại giấy và mực nhập từ Trung Quốc.
Vào dịp gần Tết khu vực này xuất hiện các ông đồ trải chiếu viết chữ và bán câu đối đã viết sẵn. Ai không biết chữ thì trình bày mong muốn để thầy đồ tìm chữ hợp với bản thân và gia cảnh. Câu đối và chữ viết trên giấy hồng điều. Nhà nào có tang thì phải dùng giấy màu vàng hay màu xanh lục. Báo “Tương lai Bắc Kỳ” năm 1889 có bài viết mô tả cụ thể như sau: “Phố Hàng Trống nhà còn thưa, vào dịp gần Tết, ngoài bán tranh, người ta còn bán cả chữ Hán”. Chữ Hán mà bài báo nói đến chính là câu đối, nghĩa là ở Hàng Trống từng bán cả câu đối Tết. Trong cuốn “Từ Paris đến Hà Nội”, nhà báo Paul Bourde đã mô tả về câu đối ở Hà Nội cuối thế kỷ 19 là: “Dù nghèo đến xác xơ thì vào dịp năm mới họ vẫn phải thay miếng giấy đỏ trên tường bằng miếng giấy đỏ khác. Có nhà mong một chữ “Phú Quý” hay “An Khang”, cũng có nhà là chữ “Vạn sự như ý”, họ tin vào trời đất”.
Nguyễn Phan Lãng là một nhà Nho tích cực trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Năm 1908, ông bị Pháp bắt và kết án rồi đày ra Côn Đảo. Năm 1923 mãn hạn tù, ông về phố Thuốc Nam (nay là phố Hàng Da) viết chữ, câu đối Tết kiếm ăn. Khi chữ Quốc ngữ được trọng trong xã hội, chữ Pháp dùng trong công sở thì người xin chữ, viết câu đối Tết ở Hà Nội thưa dần, ông đã làm bài thơ về sự sa sút của Nho học. Tuy nhiên hay nhất và ý nghĩa nhất lại là bài “Ông đồ” của Vũ Đình Liên đăng trên báo “Tinh Hoa” năm 1936:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tầu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Tết xưa Hà Nội - ký ức một thời |
Chợ hoa
Tết Nguyên đán bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp. Vào ngày này, nhà nhà làm lễ cúng, thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo về trời và dựng cây nêu. Với chính quyền, bắt đầu từ ngày này là cất ấn và đóng cửa công đường. Nhà tù cũng không nhận tù nhân, không ai được vào rừng.
Sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi viết: “Vào dịp gần Tết, triều đình cho mở chợ hoa ở chợ cầu Đông”. Cầu Đông là cây cầu bắc qua sông Tô Lịch ở phía Đông thành Thăng Long, tương ứng với khu vực đầu phố Hàng Đường ngày nay. Chợ họp quanh cây cầu vì ở đây có bến thuyền. Chợ Tết bắt đầu họp vào ngày 23 tháng Chạp nên chợ hoa cũng họp vào ngày này. Cầu Đông là chợ lớn nhất kinh thành, nhưng Thăng Long còn có nhiều chợ khác cũng bán hoa. Gần thành có chợ Yên Quang đã đi vào ca dao Hà Nội: “Ngày rằm phiên chợ Yên Quang/Yêu hoa anh đợi hoa nàng mới mua”. Hay có chợ hoa Võng Thị vì vùng đất này được gọi là “Võng Thị điền hoa”.
Cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp chiếm Hà Nội. Năm 1989, một số nhà thực vật người Pháp đã lập ra vườn Bách Thảo để trồng thí nghiệm các giống cây, giống hoa (người dân quen gọi là trại Hàng Hoa) trên đất của làng Ngọc Hà và làng Hữu Tiệp. Ngoài trồng các giống cây bản địa, viên Giám đốc người Pháp còn cho nhập các giống cây nhiệt đới từ châu Phi, các loại hoa, rau, củ quả từ các nước ôn đới ở châu Âu phù hợp với khí hậu miền Bắc. Chợ hoa Tết cuối thế kỷ 19 cũng thay đổi. Khi sông Tô Lịch bị lấp thì chợ Cầu Đông không còn, chính quyền cho xây chợ mới Đồng Xuân ở vị trí hiện nay.
Chợ hoa Tết vì thế cũng chuyển lên phố Hàng Khoai. Chợ không chỉ bán hoa bản địa mà còn bán các loại hoa Tây, lọ, bình cắm hoa. Khoảng năm 1910-1915, phố Hàng Khoai không chứa nổi “rừng” hoa Tết ngày một phong phú về số lượng và chủng loại nên chính quyền chuyển ra Hàng Lược. Vị trí chợ hoa ở chỗ từng là cái cống bắc ngang sông Tô nên còn gọi là chợ hoa Cống Chéo - Hàng Lược.
Trong hơn 100 năm tồn tại, ngay cả thời Mỹ đánh phá Hà Nội ác liệt bằng không quân thì chợ hoa Tết vẫn họp. Chỉ có điều là người bán tản ra các phố xung quanh, nhưng trung tâm vẫn là Hàng Lược. Chỉ duy nhất có 1 năm chợ không họp, đó là Tết Đinh Hợi năm 1947. Khi ấy chiến sự đang diễn ra trên khắp các phố phường của Hà Nội giữa Trung đoàn Thủ đô và quân Pháp.
Chợ hoa Hàng Lược họp cho đến sát Giao thừa mới kết thúc. Và vào ngày này, không chỉ đi mua hoa mà người ta còn đi chợ ngắm hoa, chơi xuân, đó là nét văn hóa đẹp của người Hà Nội.
Tục đi chợ Tết - Nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt Đi chợ Tết là một phong tục gắn liền bao đời với người dân Việt Nam và chợ ngày Tết luôn cũng mang ý nghĩa ... |
4 phiên chợ ngày Tết không nên bỏ lỡ tại Hà Nội Du khách ở Hà Nội dịp Tết Nguyên đán có thể ghé thăm chợ hoa Hàng Lược, chợ đồ cổ Hàng Mã hay chợ Bưởi. |