Một trong các công ty xây dựng đập đã nhận ra dấu hiệu hư hỏng từ ba ngày trước nhưng họ chỉ hành động khi quá muộn.
Người dân Lào chịu ảnh hưởng trong vụ vỡ đập ở Attaupue. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Trong khi các nhân viên cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm người mất tích sau vụ sập đập phụ thuộc dự án thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy tối 23/7, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về việc liệu các chủ xây dựng có thể làm nhiều hơn để ngăn chặn sự cố hay cảnh báo mọi người trước nguy hiểm hay không, theo NYTimes.
Bên xây dựng dự án thủy điện là Công ty Điện Xe Pian-Xe Namnoy - liên doanh của hai công ty Hàn Quốc với một công ty Thái Lan và một công ty quốc doanh Lào.
Korea Western Power, một trong hai công ty Hàn, gửi báo cáo đến cho quốc hội nước này rằng họ đã đã phát hiện "trung tâm đập sụt lún 11 cm" vào ngày 20/7. Một cán bộ công ty nói rằng hiện tượng như vậy là phổ biến trong tình trạng mưa lớn mà khu vực đang trải qua, vì vậy, các kỹ sư quyết định theo dõi tình hình thay vì hành động.
Ngày 22/7, các kỹ sư phát hiện 10 "điểm sụt lún và nứt" trên đỉnh đập và tiến hành sửa chữa nhưng họ không có thiết bị cần thiết cho đến chiều 23/7 và lúc đó đã quá muộn, theo báo cáo của công ty.
Công ty SK Engineering & Construction của Hàn Quốc, bên xây dựng chính của dự án, cho biết họ phát hiện một phần của đỉnh đập bị hỏng vào 21h ngày 22/7.
SK nói rằng họ đã báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và việc sơ tán các làng gần nhất bắt đầu được triển khai nhưng đến trưa hôm sau họ mới cảnh báo chính quyền tỉnh. Korea Western Power nói rằng vào 11h ngày 23/7, họ phát hiện điểm sụt lún sâu hơn 0,9 m ở đỉnh đập.
Công ty liên doanh ngày 23/7 gửi một thông báo bằng văn bản cho các quan chức tỉnh, cảnh báo rằng đập phụ D đang ở trong "điều kiện rất nguy hiểm do lượng mưa lớn" và dân làng sống ở hạ lưu cần được thông báo để "di tản đến vị trí cao hơn nhằm tránh tai nạn do dòng nước lớn".
Chiều 23/7, tình trạng đập càng tồi tệ. Truyền thông địa phương nói rằng đập vỡ vào 20h. SK cho biết họ nhận được thông tin về trận lũ vào lúc 1h30 sáng 24/7.
Khu vực bị ảnh hưởng bởi vụ vỡ đập. Ảnh: NYTimes. |
Cả hai công ty Hàn Quốc đều đề cập đến những cơn mưa lớn trong mô tả của họ về thảm họa. Tuy nhiên, Ian Baird, giáo sư địa lý tại Đại học Wisconsin, Madison, cho rằng vấn đề nằm ở lỗi xây dựng hoặc quyết định lưu trữ quá nhiều nước trong hồ chứa của đập vào thời điểm rõ ràng sẽ có mưa nhiều.
"Có bao giờ nơi đó không mưa nhiều vào cuối tháng 7 đâu?", ông đặt câu hỏi. Các công ty đang "cố gắng thể hiện đây là thảm họa thiên nhiên chứ không phải lỗi của họ", ông nói. "Tôi chẳng có chút mảy may nào tin như vậy".
Liên Hợp Quốc nói rằng 8 ngôi làng và hơn 6.000 người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Lào cho biết 131 người mất tích. Truyền thông quốc tế đưa tin 27 người thiệt mạng nhưng giới chức địa phương Lào ngày 25/7 nói rằng họ chỉ tìm thấy một thi thể.
Silam, 25 tuổi, cho biết cô đi chạy lũ vào tối 23/7, sau khi nhận được một cú điện thoại, nhưng không phải từ chính quyền mà từ người thân.
Người họ hàng khuyên cô rời khỏi nhà và di chuyển đến vùng đất cao hơn "vì nước lũ đang đến". "Tôi đã rất sợ hãi", cô kể khi trú ẩn ở thị trấn Paksong.
Từ rốn lũ sau sập đập thủy điện Lào: Bùn phủ đỏ Attapeu Phóng viên Zing.vn đã tới Attapeu, nơi bị ngập sau vụ vỡ đập thủy điện tại Lào. Nước đã rút nhưng việc cứu hộ vẫn ... |
Vỡ đập thủy điện tại Lào: Trực thăng giải cứu 26 công nhân Hoàng Anh Gia Lai - Trực thăng đang được điều từ sân bay Viêng Chăn tới hiện trường vụ vỡ đập thủy điện ở Lào, đưa 26 công nhân ... |
Chiến lược trở thành \'ắc quy châu Á\' bằng thủy điện của Lào Lào muốn trở thành quốc gia xuất khẩu thủy điện lớn nhất khu vực, nhưng cũng làm dấy lên quan ngại về môi trường và ... |