Chiến thắng của ông Donald Trump trên đường đua trở lại Nhà Trắng những ngày qua được giới chuyên gia nhận định là vô cùng ngoạn mục. Vẫn với khẩu hiệu "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại", ông Donald Trump giành được sự ủng hộ lớn từ người dân xứ cờ hoa. Tuy nhiên, khi tiếp tục những chính sách gắn với khẩu hiệu này thì các “điểm nóng” khác của thế giới có sự can thiệp của Washington sẽ tăng hay hạ nhiệt?

Sự trở lại của ông Donald Trump khiến giới quan sát buộc phải thận trọng khi đưa ra dự đoán về các vấn đề quốc tế, bởi trong nhiệm kỳ đầu, ông từng đảo ngược nhiều chính sách đối ngoại có nền tảng lâu đời.

Vấn đề Ukraine và NATO

Tờ Washington Post ngày 7/11 (giờ Việt Nam) đưa tin, ngay sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, lãnh đạo nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới đã nhanh chóng gửi lời chúc mừng tới ông Donald Trump. Là một trong những người đầu tiên gửi lời chúc, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khẳng định sự lãnh đạo của ông Trump là chìa khóa giữ cho liên minh này trở nên mạnh mẽ. "Tôi trông đợi được làm việc với ông Trump để thúc đẩy hòa bình thông qua NATO", ông Rutte nói.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hy vọng mối quan hệ đôi bên tiếp tục phát triển vì hòa bình và thịnh vượng. Thủ tướng Anh Keir Starmer thì gọi đây là "chiến thắng lịch sử", nhấn mạnh tính bền chặt giữa hai đồng minh. Tuy vậy, giới lãnh đạo châu Âu cũng ngay lập tức ra thông báo họp thượng đỉnh không chính thức từ 7-8/11 tại Thủ đô Budapest (Hungary) để bàn về quan hệ với Mỹ, tình hình an ninh và địa chính trị, đặc biệt là cuộc xung đột tại Ukraine.

Theo giới quan sát, trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump nhiều lần nói về chiến tranh thương mại với châu Âu, rút khỏi các cam kết với NATO và kể cả sự thay đổi cơ bản trong việc ủng hộ Ukraine. Và dưới thời ông Trump 2.0, nó có thể là một cơn địa chấn.

Theo Wall street journal, có các thông tin cho hay, đội ngũ của ông Donald Trump đang thảo luận kế hoạch nhằm chấm dứt xung đột Nga-Ukraine. Cụ thể, kế hoạch mới này bao gồm một số điểm chính, bao gồm việc ngừng bắn và tạo ra một khu phi quân sự dọc theo chiến tuyến.

 Một thành viên giấu tên trong đội ngũ của ông Trump hé lộ: "Chúng tôi sẽ không gửi người dân Mỹ đến để gìn giữ hòa bình ở Ukraine. Và chúng tôi không trả tiền cho việc đó". Về phía Ukraine, nước này sẽ cam kết không gia nhập NATO trong 20 năm tới. Đổi lại, Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, sẵn sàng huấn luyện quân sự và các hình thức hỗ trợ khác, nhưng phần tham gia chính vào các hoạt động gìn giữ hòa bình sẽ thuộc về châu Âu.

Trước đó, Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov từng cho rằng, Mỹ có thể giúp chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine,  nhưng liệu họ có làm hay không sẽ phải chờ sau ngày ông Trump nhậm chức. Bên cạnh đó, không nhiều người tin ông Trump giữ nguyên trạng thái hiện tại của NATO vì ông từng kêu gọi đánh giá lại toàn diện mục tiêu và sứ mệnh của liên minh này.

donald2024.jpeg -0
Khó đoán định là một trong những chìa khóa giúp ông Trump tạo ra sự răn đe với những đối thủ ở các vấn đề ngoại giao phức tạp. Nguồn: Asia News.

Hào phóng hơn nữa với đồng minh Israel?

Giám đốc Viện Chatham House Bronwen Maddox nhận định: "Tôi chắc chắn rằng ông Netanyahu hài lòng khi thấy ông Trump bước vào Nhà Trắng thay vì bà Harris. Ông Trump có thể làm tình hình trở nên tốt hơn hoặc có thể khiến tình hình tồi tệ hơn rất nhiều", bà Maddox nhấn mạnh. Bà Maddox cũng viện dẫn, dù từng công khai kêu gọi chấm dứt cuộc chiến của Israel ở Gaza nhưng ông Trump vẫn chưa đề cập đến con đường dẫn tới lệnh ngừng bắn giữa các bên.

Ở các cuộc trao đổi riêng, ông Trump vẫn bày tỏ ủng hộ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc chiến chống lại Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Lebanon. Trong cuộc điện đàm gần đây, cựu Tổng thống Mỹ bỏ ngỏ với Thủ tướng Netanyahu rằng ông có thể làm bất kỳ điều gì nếu thấy cần thiết. Thực tế, Thủ tướng Netanyahu từng mô tả ông Trump là "người bạn tốt nhất mà Israel từng có tại Nhà Trắng".

Trước đó, ở nhiệm kỳ đầu tiên giữ cương vị Tổng thống Mỹ, ông Trump được nhiều người Israel hoan nghênh khi quyết định dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem qua đó công nhận cao nguyên Golan là lãnh thổ của Israel. Song quyết định này đã vấp phải phản đối kịch liệt của người dân Palestine đồng thời đi ngược lại chính sách ngoại giao của Mỹ hàng chục năm qua.

Được biết, các quan chức Arab và phương Tây cho rằng, ông Trump có thể áp dụng lại "chính sách gây sức ép tối đa" của mình thông qua các lệnh trừng phạt gia tăng đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran và trao quyền cho Israel tấn công các địa điểm hạt nhân của nước này. Lực lượng Vệ binh Cách mạng dù không phản ứng trực tiếp với chiến thắng của ông Trump nhưng cho hay, Tehran và các nhóm vũ trang đồng minh trong khu vực đã sẵn sàng đối đầu với Israel. Phó chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Ali Fadavi nói thêm rằng, Tehran không loại trừ khả năng Mỹ và Israel sẽ tấn công phủ đầu để ngăn chặn việc Iran trả đũa Israel.

Nước Mỹ với Trung Quốc

Ông Trump đã đưa ra lập trường cứng rắn trong vấn đề thương mại là áp thuế từ 10-20% lên gần như toàn bộ các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ, trong đó riêng hàng hóa Trung Quốc sẽ chịu mức thuế lên đến 60%. Patrick Zweifel, chuyên gia kinh tế trưởng tại Pictet Asset Management ước tính, nếu thuế nhập khẩu với toàn bộ hàng Trung Quốc được nâng lên 60%, tăng trưởng của Trung Quốc có thể giảm thêm 1,4% về 3,4% năm tới. Nhiều nhà kinh tế cho rằng những động thái như vậy sẽ dẫn đến giá cả cao hơn cho người tiêu dùng Mỹ và gieo rắc bất ổn tài chính toàn cầu. Tuy vậy, các trợ lý giúp ông Trump xây dựng chiến lược cho rằng những biện pháp thuế quan có thể giúp đưa việc làm trở lại Mỹ.

Hàng năm, Trung Quốc bán hàng hóa trị giá hơn 400 tỷ USD vào Mỹ. Với khả năng tái diễn cuộc chiến thương mại dưới thời ông Trump, Bắc Kinh chắc chắn đã chuẩn bị cho sự cạnh tranh gay gắt giữa hai siêu cường. Theo giới chuyên gia, ngoài thương mại, ngành công nghệ Trung Quốc cũng sẽ chịu sức ép lớn. Giới lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ nước này cho rằng phong cách khó đoán của ông Trump có thể khiến triển vọng ngành công nghệ trở nên phức tạp. Dù vậy, Tong Zhao - nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức tư vấn Carnegie Endowment for International Peace - cho rằng việc ông Trump thắng cử "cũng không hoàn toàn bất ngờ với Trung Quốc".

Trên Reuters, ông cho rằng Trung Quốc có thể phản ứng bằng cách đẩy nhanh việc tự chủ kinh tế và công nghệ, đồng thời tăng cường quan hệ kinh tế với các nước như Nga. Trước đó, trong nhiệm kỳ tổng thống 2017-2021, ông Donald Trump bắt đầu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khi cấm xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc với lý do hành vi thương mại không công bằng và an ninh quốc gia. Sau đó, hai bên liên tục tung ra những quyết định trả đũa lẫn nhau. Trung Quốc đã phản ứng với mức thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump bằng cách tăng thuế nhập khẩu tương tự đối với 60 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trên nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp đến các thành phần hóa học.

Liên quan tới những vấn đề cốt lõi trong chính sách đối ngoại nhiệm kỳ tới của ông Donald Trump, trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Financial Times, ông Richard Grenell - người được cho là nằm trong danh sách ứng viên ngoại trưởng Mỹ trong nhiệm kỳ 2 của ông Trump cho hay: "Phe đối lập muốn mọi thứ dễ đoán định, nhưng ông Trump lại không phải là người như vậy". Theo chính trị gia này, đối với những người ủng hộ ông, sự khó đoán định là một trong những chìa khóa, giúp ông Trump tạo ra sự răn đe với những đối thủ ở các vấn đề ngoại giao phức tạp.

https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/nhung-diem-nong-the-gioi-trong-nhiem-ky-2-cua-tong-thong-donald-trump-se-ra-sao--i749687/

Kim Khánh / CAND