Việt Nam đã có nhiều cầu dây văng nhưng cầu Mỹ Thuận 2 là cây cầu dây văng lớn nhất, do chính người Việt thiết kế, thi công. Suất đầu tư mỗi m2 mặt cầu cũng rẻ hơn một nửa so với cầu Mỹ Thuận làm cách đây hơn 20 năm.

Ký ức về ngày hội của người dân Đồng bằng sông Cửu Long

Đã mấy ngày trôi qua kể từ khi lễ khánh thành cầu Mỹ Thuận 2 được tổ chức, ông Đỗ Ngọc Dũng, nguyên Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận vẫn chưa hết cảm giác bồi hồi, xúc động.

"Tôi theo dõi truyền hình trực tiếp lễ khánh thành cầu Mỹ Thuận 2 qua kênh YouTube của Báo Giao thông. Thực sự cảm thấy rất tự hào về những gì chúng ta đã làm được!", ông chia sẻ.

1
Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt giữa dòng người đông như hội tại lễ khánh thành cầu Mỹ Thuận 1 cách đây 23 năm (ngày 21/5/2000). Ảnh: Duy Anh

Là một trong những người trực tiếp tham gia dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận 1 từ năm 1997, ông Dũng vẫn nhớ như in thời khắc khánh thành cầu, cách đây 23 năm. Đó là ngày 21/5/2000.

Đó là cây cầu dây văng đầu tiên ở Việt Nam, vượt sông Tiền, nối Tiền Giang - Vĩnh Long, được xây dựng với sự hỗ trợ về vốn, kỹ thuật của Chính phủ Australia.

"Từ sáng sớm đã có hàng chục nghìn người dân từ khắp nơi đổ về chứng kiến lễ khánh thành. Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt phải đi bộ từ rất xa, giữa dòng người đông như hội để lên giữa cầu cắt băng.

Lúc cắt băng khánh thành xong, xe của Thủ tướng không vào được cầu. Đoàn của Thủ tướng lúc đó phải xuống cano, đi bằng đường thuỷ về Mỹ Tho mới có xe đón trở lại TP.HCM được, nhưng ở dưới sông cũng rất đông ghe, thuyền.

Còn đoàn của Đại sứ quán Australia phải đi bằng trực thăng từ một sân bay ở Vĩnh Long mới về được. Hôm đó thực sự là một ngày hội của hơn 20 triệu dân Đồng bằng sông Cửu Long, rất xúc động", ông Dũng bồi hồi nhớ lại.

Theo ông Dũng, giờ đây, sau cầu Mỹ Thuận, đất nước đã có thêm nhiều cây cầu mới hiện đại, phương tiện truyền thông cũng nhiều kênh, người dân có thể ở nhà theo dõi. Nhưng mỗi khi có cây cầu nào ở miền Tây khánh thành, ký ức về khoảnh khắc cách đây 23 năm lại ùa về.

2
3
Dòng người đến xem lễ khánh thành cầu Mỹ Thuận 1 cách đây 23 năm, cả trên cầu, dưới sông đều chật kín người, ghe thuyền. Ảnh: Duy Anh

Kể về quá trình xây dựng cầu Mỹ Thuận ngày đó, ông Dũng cho biết, Chính phủ Australia đã hỗ trợ Việt Nam 66% trong tổng số hơn 2.000 tỷ đồng vốn đầu tư.

"Đặc biệt, về mặt kỹ thuật, cầu Mỹ Thuận 1 là cầu dây văng đầu tiên của Việt Nam. Hồi đó chúng ta thực chất là đi học làm cầu.

Để rồi từ cây cầu ấy, nhiều kỹ sư Việt Nam đã trưởng thành, có kinh nghiệm để làm tiếp nhiều cầu dây văng khác, đặc biệt là làm chủ hoàn toàn về công nghệ với cầu Mỹ Thuận 2 ngày nay.

Hồi đó, những thợ chính phải mời từ Thái Lan, Philipines, còn thợ của ta chỉ làm thợ phụ. Hai mươi năm không phải quá dài, nhưng nhìn lại có thể thấy, đội ngũ kỹ sư ngành giao thông của chúng ta đã có những bước tiến vượt bậc", ông Dũng chia sẻ.

Vì sao suất đầu tư chỉ bằng một nửa cầu Mỹ Thuận?

Cầu Mỹ Thuận 2 cách cầu Mỹ Thuận 1 chỉ 350m về phía thượng nguồn. Khoảng cách ấy rất ngắn, nhưng là cả một hành trình, từ những ngày "học việc" đầu tiên, rồi vừa học vừa làm, sau đó đi đến làm chủ hoàn toàn về công nghệ thi công cầu dây văng của đội ngũ cán bộ, kỹ sư Việt Nam.

Nói như ông Lê Quốc Dũng, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án 7: "Có những việc trước đây chỉ có "Tây" mới làm được như căng cáp dây văng, nay các nhà thầu trong nước đã hoàn toàn làm chủ công nghệ, tự tin thi công".

4
Ông Lê Quốc Dũng, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án 7 báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về tiến độ thi công cầu Mỹ Thuận 2 tại lễ hợp long cầu vào tháng 10/2023.

Tại lễ khánh thánh hôm 24/12/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính rất xúc động khi nhắc đến những điều đặc biệt của dự án cầu Mỹ Thuận 2 so với cầu Mỹ Thuận 1, cụ thể là "5 điều hơn".

Trong đó, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố làm chủ công nghệ, từ thiết kế, thi công, giám sát, đều do các nhà thầu Việt Nam thực hiện.

5
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện khánh thành 4 dự án giao thông trọng điểm, trong đó có cầu Mỹ Thuận 2 hôm 24/12.

"Điều này rất quan trọng, cho thấy các ban quản lý dự án, nhà thầu, kỹ sư, công nhân của chúng ta trưởng thành, lớn mạnh hơn, tự làm được những việc khó khăn mà trước đây phải thuê nhà thầu nước ngoài làm", Thủ tướng nhấn mạnh.

Đặc biệt, theo Thủ tướng, không chỉ rút ngắn được thời gian thi công mà khi đã làm chủ công nghệ, suất đầu tư tính trên mỗi m2 mặt cầu cũng giảm từ 5.000 USD (cầu Mỹ Thuận 1) xuống còn gần 2.400 USD (cầu Mỹ Thuận 2).

Do làm chủ công nghệ, thiết kế, thi công nên cũng tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn cho người lao động trong nước.

6
Cầu Mỹ Thuận 2 là cây cầu dây văng lớn nhất, do chính người Việt thiết kế, thi công.

Lý giải về việc vì sao suất đầu tư cầu Mỹ Thuận 2 chỉ bằng một nửa so với cầu Mỹ Thuận 1, ông Đỗ Ngọc Dũng cho biết, khi chúng ta đã làm chủ công nghệ thì giá thành thi công các hạng mục rẻ hơn rất nhiều.

"Chẳng hạn đúc một dầm Super T dài 83m lần đầu tiên ở cầu Mỹ Thuận 1. Hồi đó các chuyên gia Australia chuyển giao công nghệ cho ta, nhưng giá một phiến dầm thời đó là 20.000 đô la Australia, tính ra hiện nay gần 400 triệu đồng.

Giờ Việt Nam làm chủ công nghệ, tự đúc những phiến dầm lớn như vậy, chi phí chưa tới 200 triệu, tức giảm một nửa giá.

Hay như việc thuê các chuyên gia, thợ chính của nước ngoài, tiền lương trả mỗi tháng theo tiêu chuẩn của họ gấp mấy lần các kỹ sư trong nước hiện nay.

Rồi trước đây phải nhập các linh kiện, thiết bị máy móc, sắt thép, còn hiện nay đã sản xuất được trong nước, giá thành khi đến công trình vì thế cũng rẻ hơn rất nhiều", ông Dũng nói.

7
8
Anh Phan Anh Quân, Chỉ huy trưởng nhà thầu Trung Nam E&C đã đưa hai cậu con trai của mình đến cầu Mỹ Thuận 2 trong ngày khánh thành để các con hiểu được những ngày bố vắng nhà trong suốt bao năm qua.

Ông Trịnh Trường Hải, Giám đốc điều hành dự án cầu Mỹ Thuận 2 chia sẻ, làm cầu dây văng khó nhất là kiểm soát kích thước hình học và đường cong trắc dọc.

Việc này không chỉ phải kiểm soát được tải trọng chịu lực của kết cấu mà còn đảm bảo chất lượng, thẩm mỹ công trình. Việc quan trắc dọc lại ảnh hưởng của nhiều yếu tốt như thời tiết, nhiệt độ, gió.

"Đặc biệt là việc tính toán các thông số đã được các kỹ sư trong nước, làm việc ngay tại công trường để tính toán, thay vì phải chuyển ra cho chuyên gia nước ngoài. Những yếu tố đó đã từng bước chứng minh chúng ta đã hoàn toàn làm chủ công nghệ cầu dây văng khẩu độ lớn", ông Hải nói.

9
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 được khởi công tháng 2/2020, khánh thành ngày 24/12/2023.

Ngày khánh thành cầu Mỹ Thuận 2, anh Phan Anh Quân, Chỉ huy trưởng nhà thầu Trung Nam E&C đã đưa vợ và hai con trai lên giữa cầu.

Nhìn xuống dòng sông Tiền nặng phù sa, chỉ lên hai trụ tháp cao hơn 125m, anh Quân xúc động nói với các con: "Đây là công trình do bố và hàng nghìn cán bộ, công nhân, kỹ sư trong suốt hơn 3 năm qua đã làm nên".

Anh chia sẻ vậy và muốn vợ con mình hiểu lý do của những bữa cơm gia đình vắng chồng, vắng cha trong suốt bao năm qua...

Ngày 24/12, Bộ GTVT đồng loạt khánh thành 4 công trình giao thông quan trọng gồm Cảng hàng không Điện Biên, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 có tổng chiều dài 6,61km, vượt sông Tiền, nối cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ. Đây là một dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 1.

Điểm đầu dự án nối dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, điểm cuối kết nối cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Trong đó, cầu chính dài khoảng 1,9km, thiết kế 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h.

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 được khởi công tháng 2/2020, khánh thành ngày 24/12/2023, tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng.

Sự kiện cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ khánh thành đưa vào khai thác đã nối thông tuyến cao tốc từ TP.HCM dài gần 121km, rút ngắn thời gian di chuyển còn hơn 2 giờ, so với gần 4 giờ hiện nay.

Tư Doãn / Báo Giao thông