Trung Quốc lắp đặt hệ thống ra đa đối hải chống ngầm trên bãi Gạc Ma và tập trung vật liệu xây dựng, chuẩn bị tôn tạo, xây dựng. Hình ảnh do PV Thanh Niên ghi cuối tháng 1.2018 tại Trường Sa.
Toàn cảnh bãi đá Gạc Ma, cuối tháng 1.2018 ẢNH: MAI THANH HẢI |
Liên tục trong 3 ngày cuối tháng 1.2018, PV Thanh Niên đi theo tàu của hải đội 411, Bộ tư lệnh vùng 4 hải quân đã áp sát bãi đá Gạc Ma (Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ ngày 14.3.1988 và cấp tập xây dựng, tôn tạo trái phép từ giữa năm 2013, biến thành đảo nhân tạo), để ghi nhận quá trình xây dựng, hoạt động của các công trình quân sự - dân sự trên bãi đá Gạc Ma.
Hiện tại, phía Trung Quốc đã tôn tạo, xây dựng trên diện tích 13,2 ha ở bãi đá Gạc Ma. Bên cạnh đó, họ còn nạo vét luồng theo hướng Bắc - Nam với chiều dài 900 - 1.000 m, rộng khoảng 250 - 400 m thuận tiện cho các tàu trọng tải 4.000 tấn ra vào âu tàu phía trong bãi và cập cảng phía bắc.
Các công trình của Trung Quốc được xây dựng cấp tập từ giữa năm 2013, đến nay đã hoàn tất và đưa vào sử dụng, gồm: Tòa nhà kiên cố cao 26 - 27m gồm 8 tầng, tại 4 góc nhà đều bố trí các lỗ châu mai - lỗ bắn.
Trên nóc nhà bố trí 2 ra đa hàng hải, 2 ăng ten parabol và 1 thiết bị đảm bảo bay có quả cầu che, cùng một số thiết bị thông tin liên lạc khác.
Trên tầng 6 của tòa nhà, phía Trung Quốc lắp ra đa điều khiển hỏa lực, hệ thống kính ngắm quang học hiện đại. Tầng 5 của tòa nhà được lắp 2 bệ pháo 30 mm (7 nòng) và tầng 1 lắp 2 bệ pháo 76 mm.
Ngoài hệ thống súng pháo trên nhà 8 tầng, còn có 1 vị trí hỏa lực lắp đặt pháo 76 mm, pháo 30 mm quay hướng đông bắc luôn có quân nhân trực canh 24/24 trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và họ chỉ chui ra khỏi bệ pháo khi đổi ca trực.
Ở khoảng cách gần 8 km, thời điểm trời quang mây tạnh, có nắng, bằng mắt thường có thể nhận thấy các công trình khác trên bãi Gạc Ma như: 2 tháp ra đa đối không - đảm bảo bay cho máy bay, 1 tháp viễn thông thu phát sóng 4G cao khoảng 50 m, 2 cột điện gió cùng hệ thống pin năng lượng mặt trời, 1 ngọn hải đăng cao 50m, bán kính chiếu xa khoảng 40 km...
Khu vực xây dựng ở vị trí sát với các đảo của Việt Nam do lực lượng lữ đoàn 146 (Đoàn Trường Sa) thuộc Bộ tư lệnh vùng 4 hải quân đóng giữ từ rất nhiều năm nay, nên ngay từ khi bắt tay xây dựng, tôn tạo trái phép, phía Trung Quốc đã đầu tư rất kỹ lưỡng vào các công trình có công năng tiếp tế - vận chuyển.
Hiện, họ đã hoàn tất và đưa vào sử dụng 1 bãi đáp trực thăng ở phía đông nam với diện tích 33 x 33 m, 1 cầu cảng ở phía tây bắc của bãi với chiều dài khoảng 100 m và đặc biệt là xây dựng 1 bến nghiêng rộng 20 - 30m, các loại xe vận tải, xe bánh xích, xe bánh lốp dễ dàng cơ động lên đảo từ những tàu vận tải đổ bộ, chở quân...
Từ giữa năm 2017, hệ thống ra đa đối hải - chống ngầm đã được Trung Quốc triển khai lắp đặt nhanh chóng và đã hoạt động từ cuối năm. Hệ thống này được đặt trong lồng bảo vệ màu xanh rằn ri.
Một cán bộ thuộc Bộ tư lệnh vùng 4 hải quân cho biết: Từ đầu năm 2017, phía Trung Quốc rầm rộ đưa các cây xanh ra trồng và chăm bón bảo vệ rất kỹ. Loại cây thích hợp với khí hậu biển mặn là cây dương, muống biển được đựng trong các lồng đất to 3 - 4m. Do được chăm sóc kỹ nên đến nay, các cây đã lớn rất nhanh, cao từ 3 - 5m và đang dần che các công trình trên mặt đất, từ ngoài nhìn vào rất khó nhận dạng mục tiêu.
Ảnh: Mai Thanh Hải
Một số hình ảnh do PV Thanh Niên chuyển về từ Trường Sa:
Thay quân ở Trường Sa mùa biển động Biển động, sóng lớn, các chiến sĩ phải neo dây, lên tàu xuống xuồng, bấp bênh theo từng con sóng. |
Nơi đảo xa Một ngày giữa năm 2015, trung úy Đang về phép sau một năm đi làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Người lính trẻ mang theo ... |