Theo cựu chiến binh Điện Biên Phủ, trận đánh trên đồi A1 kéo dài 36 ngày đêm, khiến quân ta tổn thất rất nhiều, mỗi trận bom địch lại có vài chục người nằm xuống.

 
Cuộc hội ngộ trên đồi A1

Đúng 15h30 ngày 3/5, sau chặng bay gần 1 giờ đồng hồ từ Hà Nội lên TP Điện Biên Phủ, Đại tá, cựu chiến binh Lê Quyên (92 tuổi, trú quận Cầu Giấy, Hà Nội) không giấu được xúc động khi đón ông ở sảnh sân bay là những người đồng đội tại chiến trường Điện Biên năm xưa.

"- 1954, chúng ta chiến đấu và chiến thắng, A1, đồi A1 đấy!

- Tôi đánh đồi A1 2 lần, khi 23 tuổi.

- Còn tôi thì 24 tuổi, lúc bấy giờ là tiểu đội trưởng…"

Câu chuyện của những người lính gặp lại nhau sau 70 năm rộn vang một góc sân bay Điện Biên trong những ngày tháng 5 lịch sử.

Nhưng vì lý do sức khỏe, ông Quyên không thể nán lại lâu cùng đồng đội, họ hẹn nhau sẽ hàn huyên vào chiều hôm sau.

Những nắm cơm lăn lóc dưới chiến hào và 36 ngày đêm đánh đồi A1 ở Điện Biên Phủ - 1

Ông Lê Quyên (ngồi xe lăn) được đồng đội đón tại sân bay Điện Biên. (Ảnh: Lê Dung)

Giữ đúng lời hẹn, 14h ngày 4/5, 10 cựu chiến sĩ Điện Biên có mặt ở Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Sau 1 ngày nghỉ ngơi, sống trong bầu không khí của mảnh đất Điện Biên anh hùng, cựu binh Lê Quyên hăng say kể chuyện chiến trường.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Thanh Hóa, tháng 3/1950 khi đang ngồi trên ghế nhà trường, ông Quyên nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, tham gia bộ đội.

"Khi còn đi học, tôi được nghe câu chuyện về "trai thời loạn, gái thời bình". Tức là trai thời loạn không đi vào chiến trận để giải phóng đất nước, để ghi chiến công thì đến khi hòa bình gặp các bạn gái sẽ rất xấu hổ", người cựu binh dí dỏm nói về "động cơ" nhập ngũ khiến những đồng đội bật cười.

Theo lời ông Quyên, ông đặt chân đến chiến trường Điện Biên Phủ vào cuối tháng 1/1954, khi đã "kéo pháo vào trận địa". Ngày 25/1/1954, quân ta chuẩn bị "đánh nhanh, thắng nhanh" trong 2 ngày 3 đêm, tận dụng thời cơ Pháp chưa hoàn thiện trận địa.

"Tôi nhớ mãi hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp được quân y dùng lá ngải cứu bọc xung quanh đầu để giảm đau sau một đêm trăn trở suy nghĩ về việc có đánh hay không.

Sau cuộc họp Đảng ủy ngày 26/1/1954, Đại tướng quyết định hoãn tấn công, phương án tác chiến được đổi thành "đánh chắc, tiến chắc". Bộ đội lui về địa điểm tập kết, kéo pháo ra, chuẩn bị lại theo cách đánh mới", ông Quyên kể.

Ông Quyên và nhiều cựu binh đều cho rằng, trận đồi A1 là trận đánh ác liệt nhất của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

"30 quả đồi mà địch chiếm đóng thì đa số ta chỉ đánh trong một đêm là giải quyết được, nhưng riêng đồi A1 khiến chúng ta tổn thất rất nhiều", người cựu binh trầm giọng.

Theo lời ông Quyên, trong đợt tấn công thứ nhất, quân ta thắng lợi giòn giã. Mở đầu đợt tấn công thứ hai, đêm 30/3/1954, quân ta đồng loạt đánh vào 5 ngọn đồi ở phía đông Mường Thanh là A1, C1, C2, D, E.

Đêm ấy, ta diệt gọn 3 cứ điểm C2, D, E, còn đồi C1, A1 hai bên giằng co, mỗi bên giữ một nửa, riêng đồi A1 kéo dài 36 ngày đêm.

"Hàng trăm khẩu pháo của ta và địch cùng bắn vào đồi A1 khiến tai của các chiến sĩ rơi vào trạng thái "điếc", không nghe thấy gì. Hiệp đồng và chỉ huy chiến đấu chỉ bằng quan sát ánh lửa đầu nòng súng của người chỉ huy", ông Quyên kể.

Cũng trong trận đánh này, ông Lê Quyên bị sức ép của pháo địch làm chảy máu tai, mảnh đạn cũng phạt qua đỉnh đầu. Khi máu chảy lênh láng xuống mặt ông mới biết mình bị thương.

Trận đánh đó, quân ta chỉ chiếm được một nửa quả đồi A1, địch phản kích dữ dội khiến quân ta thương vong nhiều, sau đó buộc phải rút về thực hiện chiến thuật vây lấn.

Sau những trận đánh giằng co, theo ông Quyên, quân ta bí mật đào một đường hầm đi sâu vào trong lòng đồi A1 và bố trí khoảng 1 tấn thuốc nổ để đến đúng "giờ G" cho nổ, nhằm đánh sập hầm ngầm cố thủ của địch ở đồi A1 cùng một số lô cốt trên sườn phía Tây và Tây Nam của vị trí đó.

Hành động này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho tiểu đoàn bộ binh đánh chiếm nhanh gọn các mục tiêu còn lại trong trung tâm phòng thủ của địch trên cao điểm A1.

"Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, tôi khi đó là Đại đội trưởng quay trở về huấn luyện đơn vị tiến lên chính quy hiện đại. Đến cuối năm 1965, cả tiểu đoàn chuyển sang quân khu Việt Bắc để huấn luyện chiến sĩ, tân binh đi B bổ sung cho các chiến trường miền Nam", cựu binh 92 tuổi kết thúc câu chuyện của mình.

Những nắm cơm lăn lóc dưới chiến hào

Tiếp lời người đồng đội, ông Hoàng Quang Lộc (94 tuổi, trú huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) cho biết, ông là chiến sĩ thuộc Sư đoàn 316, trực tiếp tham gia đào hầm để đưa 1 tấn thuốc nổ, góp phần đánh sập cứ điểm đồi A1.

Bộ đội Điện Biên ăn cơm dưới chiến hào. (Ảnh: Tư liệu)

Bộ đội Điện Biên ăn cơm dưới chiến hào. (Ảnh: Tư liệu)

Hướng ánh nhìn về bức ảnh Bộ đội Điện Biên ăn cơm dưới chiến hào, ông Lộc kể, anh nuôi nấu cho mỗi người 2 nắm cơm, mỗi nắm nửa cân, bộ đội ta giắt cơm ở lưng quần, muốn ăn lúc nào thì ăn.

"Vừa chiến đấu vừa ăn, vừa đào hào vừa ăn. Ở vào hoàn cảnh đó, khoảng cách giữa sự sống và cái chết mong manh như thế, người ta không có tâm trí để nghĩ đến bữa cơm ngồi 6 người 1 mâm", ông Lộc trầm ngâm.

Cùng với cơm, mỗi người được 1 - 2 con cá bé bằng 2 ngón tay, hay mắm được làm từ cá, quánh lại như kem mà chiến sĩ Điện Biên quen gọi với cái tên "mắm kem".

Theo ông Lộc, anh nuôi bao giờ cũng nấu đủ cơm nhưng không có đủ người để ăn, bởi sau mỗi trận đánh, mỗi trận bom địch lại có vài chục người nằm xuống.

"Người chết không ăn, người bị thương không ăn, người đánh trận mệt quá không ăn. Người khỏe mạnh xót thương đồng đội cũng chẳng nuốt nổi. Ám ảnh lắm những nắm cơm còn lại của đồng đội hy sinh nằm lăn lóc dưới chiến hào", người chiến sĩ Điện Biên ngấn lệ.

Hồi ức của ông Lộc khiến những cựu binh đang có mặt tại bảo tàng rơi vào khoảng lặng bởi đó cũng là khoảnh khắc họ từng chứng kiến cách đây 70 năm.

Cựu binh Hồ Quang Lộc cho hay, vài năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, một nhiệm vụ đặt ra là phải nhanh chóng khắc phục hậu quả, hàn gắn những vết thương do chiến tranh gây ra.

Vậy nên, ông Lộc cùng hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ tình nguyện trở lại Điện Biên để thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông trường quân đội, sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, làm đường sá, thủy lợi…

Những nắm cơm lăn lóc dưới chiến hào và 36 ngày đêm đánh đồi A1 ở Điện Biên Phủ - 3

Cựu binh Hoàng Quang Lộc (bên trái) cùng đồng đội xem lại những khoảnh khắc chiến trường được lưu giữ tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ.

"Tôi quê ở huyện Diễn Châu, Nghệ An, sau ngày chiến thắng, với lời hiệu triệu của Tổ quốc cùng tình cảm gắn bó, kỷ niệm, tôi quyết định trở lại Điện Biên để xây dựng tương lai mới cho mảnh đất phên dậu này", ông Lộc nói.

Giờ đây, Điện Biên đổi thay như một kỳ tích, nhà tầng mọc lên san sát, đường sá to đẹp, sân bay quân sự của Pháp ngày xưa giờ trở thành sân bay thương mại, đời sống người dân giờ đây cũng cải thiện rất nhiều.

"Chiến đấu và được sống tại mảnh đất này 70 năm qua, tôi cảm nhận được sự thay đổi từng ngày, xứng đáng với tầm vóc Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", ông Lộc nhấn mạnh.

"Chiến tranh, ai cũng nghĩ đến cái chết, nhưng không sợ"

Trời dần tắt nắng, các cựu chiến binh từ Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ băng qua con đường Võ Nguyên Giáp, thăm những người đồng đội mãi mãi nằm lại đồi A1.

Những nắm cơm lăn lóc dưới chiến hào và 36 ngày đêm đánh đồi A1 ở Điện Biên Phủ - 4

Các cựu binh Điện Biên thắp hương trước mộ anh hùng liệt sĩ. 

Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên Phủ nằm cách đồi A1 vài trăm mét về phía nam. Tại đây, có hơn 600 ngôi mộ được quy tập về. Phần lớn trong số này đều chung một cái tên "Chưa xác định danh tính".

Bên cạnh đó, còn rất nhiều chiến sĩ khác vẫn chưa được tìm thấy phần mộ. Họ được lưu danh lại trên hàng bia đá chạy dọc hành lang bên lối vào.

"Nguyễn Hữu Duyên này, Lâm Quang Phú này, Bùi Văn Tài này, Quách Văn Uông này...", dòng chữ trên hàng bia đá được những cựu binh đọc dõng dạc như lời chào gửi đến đồng đội ở thế giới bên kia.

Ở tuổi 96, cựu chiến binh Bùi Kim Điều (trú tại TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) vẫn giữ được sự minh mẫn. Ông Điều là chiến sĩ thông tin Đại đoàn 312 - đơn vị chủ công đánh trận mở màn cứ điểm Him Lam chiều 13/3/1954. "Thời đó háo hức, ra đi hăng hái lắm. Chiến tranh, ai cũng nghĩ đến cái chết, nhưng không sợ. Chỉ mong lớp trẻ luôn giữ vững được độc lập tự do cho đất nước", người cựu chiến binh chia sẻ bằng chất giọng hào sảng.

Những nắm cơm lăn lóc dưới chiến hào và 36 ngày đêm đánh đồi A1 ở Điện Biên Phủ - 5

Cựu chiến binh trước hàng bia đá khắc tên của những đồng đội đã hy sinh.

Trầm ngâm trước ngôi mộ chưa biết tên, ông Phạm Bá Miều (nguyên Tiểu đội trưởng, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316) bày tỏ niềm hạnh phúc khi được gặp lại đồng đội trong những ngày tháng lịch sử nhưng cũng đau xót khi nhiều liệt sĩ nằm đây vẫn chưa có thông tin.

"Thoáng đó mà đã 70 năm. Tôi đã ở độ tuổi "xưa nay hiếm", sức khỏe không còn bao nhiêu. Còn các bạn, các anh thì vẫn cứ mười tám, đôi mươi", ông Miều bày tỏ.

Ông Miều khẳng định, 70 năm trôi qua nhưng dư âm của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn đến tận hôm nay và mãi mãi về sau.

 https://vtcnews.vn/nhung-nam-com-lan-loc-duoi-chien-hao-va-36-ngay-dem-danh-doi-a1-o-dien-bien-phu-ar869056.html

PV / VTC News