Người Mỹ nghĩ người tài là "văn võ song toàn", học tập tốt là đương nhiên song không phải duy nhất và quan trọng nhất.

Bà mẹ Nguyễn Thị Bích Hậu tiếp tục chia sẻ cách chọn trường cũng như chuẩn bị hồ du học trung học ở Mỹ cho con trai.

Đừng dối trá khi làm hồ sơ

Một cháu gái con người bạn gọi điện hỏi tôi về tiêu chí làm hồ sơ cá nhân để có học bổng du học. Ngoài điểm số, cháu khoe: "Phần thành tích hoạt động thì cô khỏi lo, cháu vừa xin được giấy chứng nhận của hồ bơi là vận động viên bơi lội rồi, dù cháu chẳng biết bơi. Nếu cần gì thêm cháu sẽ xin nốt".

Đó là cách mà không ít cháu và gia đình sử dụng hiện nay để hoàn thiện hồ sơ cho con du học. Họ cho rằng có sự trợ sức của các trung tâm tư vấn du học và suy nghĩ miễn bỏ nhiều tiền là có tất cả.

Làm như vậy là họ đang hiểu qua loa về tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ một học sinh của người Mỹ. Nhiều người nghĩ phải có thành tích học tập tốt, có điểm TOEFL, SAT hay SSAT cao, phải có thành tích thể dục thể thao, văn nghệ hay hoạt động cộng đồng. Có đủ thì sẽ có học bổng, nếu không đủ thì làm giả, người Mỹ làm sao biết được.

Suy nghĩ đó là sai lầm. Khi bạn cho con du học mà không hiểu rõ yêu cầu của nơi cháu sẽ đến học, những nỗ lực của bạn sẽ làm méo mó vấn đề. Ngay cả khi cháu đã tới được Mỹ thì mọi chuyện sẽ "lòi đuôi" ra nhanh chóng bởi người Mỹ không ngây thơ tin vào những gì bạn trình ra. Họ sẽ có các cuộc kiểm tra, yêu cầu thi lại và học bổng lập tức mất nếu phát hiện có sự dối trá.

Các bậc cha mẹ và bản thân con cái phải hiểu rõ người Mỹ cần tiêu chuẩn thế nào để đánh giá một học sinh xuất sắc, nó khác hẳn những gì ở Việt Nam đang dạy. Muốn con đạt được, phụ huynh cần chuẩn bị rất kỹ lưỡng và lâu dài.

Người Mỹ nghĩ một người tài là "văn võ song toàn". Thành tích học tập tốt là đương nhiên, song không phải là duy nhất và cũng không phải quan trọng nhất. Họ cho rằng một người "học gạo" thì chẳng làm được gì ra hồn.

Vì vậy họ muốn người này cần có sức khỏe, chơi thể thao tốt, có năng khiếu văn nghệ, có thành tích hoạt động xã hội. Song không phải mỗi thứ một tí mà phải ra tấm ra món.

nhung ngo nhan khi lam ho so xin hoc bong o my

Trường Groton ở Groton (Mỹ) là nơi dồi dào học bổng.

Hoặc là đạt thành tích cao, hoặc phải thể hiện được qua sự đam mê, sự hiểu biết, khả năng tạo ra một cái gì riêng biệt và đặc sắc. Đặc biệt họ rất quan tâm tới cá tính của học sinh xem đó có phải là người nổi trội hay không.

Cái này họ tìm ra ở đâu? Từ trong hồ sơ, từ các thư nhận xét của thầy cô gửi cho họ, từ bài luận và phỏng vấn. Người Mỹ hỏi rất chi tiết, và họ tìm ra các chi tiết để phản ánh đúng thực tế con người học sinh.

Ví dụ các thư giới thiệu của thầy cô ở Việt Nam khi viết ra phần lớn viết chung chung, khen trò giỏi con ngoan. Nhưng trong các mẫu đánh giá, trường bên Mỹ yêu cầu thầy cô phải đánh giá hơn 10 tiêu chí, từ thấp tới cao.

Chẳng hạn, một tiêu chí chung nhất như sau: Học sinh này theo thầy cô học thế nào? (với các cột gồm trung bình, khá, giỏi, xuất sắc, top 10, top 5, trong suốt sự nghiệp dạy học của tôi mới gặp lần đầu); Học sinh này có trung thực hay không? (các cột đánh giá cũng chi tiết tương tự).

Tiếp theo họ sẽ hỏi thầy cô nhận xét về học sinh trong quá trình giảng dạy, đồng thời hỏi thời gian thầy cô đã dạy con bạn. Các cột này rất chi tiết và chỉ là đánh dấu, có một vài bảng nhận xét nên không cách nào nói dối được.

Nếu thầy cô hợp sức cùng cha mẹ và các cháu nói dối thì thành tích học tập và bài luận (essay) của cháu sẽ "lòi ra cái đuôi dài". Bởi mỗi trường khi các con thi học bổng sẽ có đề riêng mà cách làm hoàn thiện bài essay này là phải nói ra được vấn đề cá nhân của học sinh, bằng lời văn của lứa tuổi học sinh. Nếu học sinh dối trá hay làm giả sẽ bị phát hiện lập tức.

Gia đình tôi may mắn vì có thời gian đầu tư cho con theo mô hình và tiêu chí mà người Mỹ cần. Khi đụng vào việc thì không mất nhiều thời gian, cháu có thể theo kịp để tập trung ngay vào việc thi lấy học bổng.

Nhiều trường nhưng không dễ chọn

Dễ là bởi tôi có thể đưa ra ngay danh sách trường "khủng" có đầy ắp học bổng như Phillips Exiter, trường nội trú giàu nhất nước Mỹ với tiền quyên góp 1,15 tỷ USD, từng là nơi một cựu Tổng thống Mỹ và ông chủ Facebook học tập.

Trường Phillips Andover ở Andover, Massachusetts có tiền quyên góp là một tỷ USD, có hơn 800 sinh viên, là trường nội trú giàu có và lâu đời nhất ở Mỹ với 238 năm hoạt động. Trường St. Paul ở Concord, New Hampshire có 551 triệu USD, hay học viện Deerfield, có 532 triệu USD.

Ngoài ra, Deerfield Academy cung cấp 8 triệu tiền viện trợ tài chính hàng năm cho 35% sinh viên; trường Hotchkiss ở Lakeville, Connecticut có 362 triệu USD; trường Groton ở Groton, bang Massachusetts, có 350 triệu USD.

nhung ngo nhan khi lam ho so xin hoc bong o my

Trường Hotchkiss ở Lakeville. Ảnh: Wikipedia

Song câu chuyện không đơn giản bởi chỉ cần lọt vào được một trong những trường này còn khó hơn vào đại học danh tiếng nhất nước Mỹ. Số lượng học sinh được tuyển vào hàng năm cực kỳ khắt khe, tỷ lệ thậm chí chỉ 10% số đơn.

Học sinh phải có điểm số của SSAT và thành tích xuất sắc, hay chí ít thì cũng phải con nhà tỷ phú, hay cựu tổng thống hay cựu thống đốc từng là học sinh của trường. Một người bạn ngoại quốc của tôi có gửi con vào học ở trường Phillips Andove kể gia đình ông đã tặng cho trường 5 triệu USD, nhưng sau đó người con vào đây học vẫn đóng đầy đủ học phí.

Ngoài ra, gia đình còn đóng thêm tiền cho quỹ của các đại học vì ở đây toàn con nhà tỷ phú, chứ không phải nhà nghèo. Những ngôi trường tư thục nội trú như vậy là sân sau của các đại học hàng đầu nước Mỹ bởi phần lớn học sinh tốt nghiệp sẽ vào các trường Ivy dễ dàng.

Nói vậy để các bạn hiểu Mỹ cần tuyển học sinh thế nào. Họ thích nhất là tuyển học sinh xuất chúng mà con nhà giàu, càng giàu càng tốt. Tất nhiên học sinh nhà nghèo mà xuất chúng cũng may mắn được học bổng nhưng không nhiều.

Vậy cách còn lại là gì? Như gia đình tôi, phải đi tìm ra những trường trung học có thể có học bổng để cho con thi vào, những trường này không hề có danh sách cố định. Bởi học bổng năm nào cũng có, nhưng họ chỉ cho dân Mỹ, còn học sinh quốc tế thì may ra được một số ít.

Mà họ cũng không có quy luật nào cả, có năm thì cho nước này, có năm cho nước khác, tùy vào chính sách. Khi con mình chuẩn bị thi học bổng, gia đình tôi đã xin thông tin các trường từng cho học bổng với con mấy người bạn vào năm trước. Nhưng khi hỏi thì các trường này đều nói là không còn. Kiếm tiền học bổng đúng là không dễ tý nào, nhất là bạc tỷ.

Thế là chỉ còn cách duy nhất là "lần mò" tất cả địa chỉ có thể có và hỏi cho tới khi có được thông tin trường nào có học bổng. Quá trình này đòi hỏi sự kiên nhẫn, khả năng tiếng Anh, việc bao quát nguồn thông tin trên mạng và việc giao tiếp trực tiếp với từng trường.

Nó khá mất thời gian. Tôi đã bỏ ra nhiều tháng ròng rã để làm việc này cho tới khi có một danh sách để rồi cho con lao vào thi. Kết quả thật xứng đáng với công sức và nỗ lực bỏ ra.

Cuối năm lớp 8, sau nhiều vòng thi cam go, 9 trường trung học nội trú công bố cháu được nhập học và cấp học bổng. Trong đó có năm trường tại Mỹ, ba trường tại Anh và một trường tại Australia.

nhung ngo nhan khi lam ho so xin hoc bong o my Du học rồi thất nghiệp, lương bèo: Góc tối của du học

Tiếng Anh không thực sự đủ để đi du học là một nguyên nhân chết người dẫn đến việc không hàm thụ được triệt để ...

nhung ngo nhan khi lam ho so xin hoc bong o my Chàng trai vàng Olympic giành học bổng 3 trường đại học danh tiếng

Là một trong những học sinh đoạt huy chương vàng hóa học kỳ thi Olympic quốc tế vừa qua, Nguyễn Bằng Thanh Lâm (lớp 12, ...

https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/nhung-ngo-nhan-khi-lam-ho-so-xin-hoc-bong-o-my-3654937.html

/ vnexpress.net