Shin Sung-sub vẫn nhớ anh từng phớt lờ mọi quy tắc giao thông và suýt chết đến vài lần khi làm nhân viên giao đồ ăn thời đi học. 

Hàn Quốc đã trở thành thị trường giao thực phẩm lớn thứ 4 thế giới, có giá trị lên tới 20 nghìn tỷ won (16,7 tỷ USD), trong bối cảnh người dân đang thay đổi hành vi mua sắm với tốc độ chóng mặt, chuyển sang đặt hàng và thanh toán thực phẩm bằng các nền tảng trên máy tính, điện thoại.

Sự gia tăng số lượng các ứng dụng giao hàng cũng như người độc thân đang tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp giao đồ ăn ở Hàn Quốc. Ứng dụng giao đồ ăn số một nước này, Baedal Minjok, năm ngoái đã tăng gấp đôi số đơn. Họ đã hoàn thành 36 triệu đơn giao hàng trong tháng 8, tương đương 1,2 triệu đơn một ngày.

nhung nhan vien giao hang dua voi tu than
Một nhân viên giao hàng của Baedal Minjok lái xe máy trên đường phố Seoul, Hàn Quốc, hồi tháng 6. Ảnh: Reuters.

Nhưng sự phát triển đó cũng đi kèm cái giá của nó. Cái chết của một người giao hàng (shipper) tuổi vị thành niên hồi năm ngoái đã cho thấy những áp lực mà những người làm nghề này phải chịu. Vì phải chuyển đơn hàng càng nhanh càng tốt, họ thường không có đầy đủ bảo hiểm, thường xuyên lái xe liều lĩnh và phớt lờ các quy tắc giao thông để giao thức ăn khi nó vẫn còn ấm.

Theo Baedal Minjok, thức ăn được đặt giao phổ biến nhất là gà rán. Pizza, đồ ăn Trung Quốc hay thịt lợn hấp cũng là một số món trong thực đơn ưa thích của những người muốn các bữa trưa nhanh hoặc bữa ăn khuya. Thực khách thậm chí có thể đặt một bàn ăn kiểu truyền thống Hàn Quốc đầy đủ gồm canh, thịt, cơm và banchan (món phụ).

Dù hầu hết đơn hàng đồ ăn được đặt qua điện thoại, số đơn đặt qua các ứng dụng giao hàng đang gia tăng nhanh chóng, từ 24,9% năm 2017 lên 34,7% năm 2018, theo TrendMonitor.

Khi các công ty giao hàng mở rộng, họ cũng chú ý hơn tới các shipper, yêu cầu họ mặc đồng phục có logo và đội mũ bảo hiểm trên đường. Nhưng nhiều quán ăn không hợp tác với các công ty giao hàng vẫn sử dụng những chiếc xe cũ, không an toàn để chuyển thực phẩm. Cùng với thực tế là không ít người giao hàng trẻ tuổi đi xe máy rất ẩu, ngành giao hàng thường bị nhìn nhận với thái độ tiêu cực.

"Với tôi, họ trông giống như những kẻ lưu manh", Choi Tae-il, 30 tuổi, sống ở Paju, cho hay. "Khi tôi nghe thấy tiếng xe máy lao nhanh ồn ã trên phố, ngước mắt lên nhìn, họ đa phần đều là những shipper trẻ tuổi".

Các shipper Hàn Quốc đang phải chịu những ánh mắt soi xét của người đi bộ, cảnh sát và những nhà lập pháp. Một số biện pháp hạn chế đã được đưa ra, chẳng hạn như luật yêu cầu chủ nhà hàng phải đảm bảo người điều khiển xe phải có bảo hiểm đường bộ, nhưng vẫn còn đó nhiều mối nguy hiểm rình rập.

Năm 2018, Kim Eun-bum thiệt mạng trong lúc đang lái xe máy giao đồ ăn trên đảo Jeju. Chàng trai 17 tuổi chưa có bằng lái, nhưng vẫn cố tình điều khiển xe trên đường khi chủ nhà hàng muốn Kim đi giao hàng. Họ sau đó bị phạt 300.000 won (249 USD) vì thuê trẻ vị thành niên đi giao đồ ăn bằng xe máy, nhưng không bị truy tố vì cái chết của Kim.

Theo Cơ quan Phúc lợi và Bồi thường Lao động Hàn Quốc, đã có 86 thanh thiếu niên thiệt mạng và 4.500 người bị thương trong khi đi giao hàng từ năm 2010 đến nay.

nhung nhan vien giao hang dua voi tu than
Một con đường đông đúc của Hàn Quốc. Ảnh: SCMP.

"Tôi bắt đầu công việc bằng cách nói dối ông bà chủ rằng mình đã có bằng lái xe, nhưng lúc đó tôi mới 17 tuổi", Shin Sung-sub, 27 tuổi, hiện là công nhân xây dựng ở Seoul, kể lại.

Mỗi ngày trong tuần, sau giờ học, Shin làm việc cho nhiều nhà hàng địa phương cùng với các bạn từ trường trung học ở thành phố ngoại ô Guri và được trả 250.000 won (209 USD)/tháng.

"Lúc bấy giờ, giao đồ ăn được trả thù lao tốt hơn và vui hơn so với các công việc làm thêm khác", Shin nói. Anh nhớ từng suýt chết hai đến ba lần khi giao hàng trên đường. Shin cũng ba lần gặp tai nạn nhưng không bị thương quá nghiêm trọng.

"Có những lần khi vừa hoàn thành một ca giao hàng, tôi lại nhận ngay 10 đơn hàng khác, vì thế tôi cố giao 3 đến 4 đơn mỗi lần", Shin cho hay. "Tôi thường không bật xi nhan, lái xe len lỏi giữa những chiếc ôtô và tăng tốc lao nhanh trong các ngõ hẹp".

Một trong những chiếc xe Shin dùng để giao hàng còn bị hỏng. "Nhiều nhà hàng trang bị hẳn xe máy mới và kiểm tra định kỳ. Nhưng nơi đầu tiên tôi làm việc giao cho tôi một chiếc xe hỏng cả phanh sau", Shin kể. "Lời khuyên an toàn duy nhất tôi nhận được từ người chủ là 'hãy cẩn thận trên đường'".

Theo Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc, các công ty thuê nhân viên giao hàng đã báo cáo hơn 650 vụ tai nạn từ năm 2016 đến 2019.

Vì nhân viên giao hàng chỉ được nhận khoảng 3.500 won (2,92 USD) mỗi đơn, họ chịu áp lực phải giao nhanh nhất có thể. Một số người giao được tới 11 đơn trong một giờ. Ngoài văn hóa "nhanh lên, nhanh lên" ở Hàn Quốc, nhân viên giao hàng cũng thường xuyên phải đối mặt với những lời phàn nàn từ khách hàng nếu thức ăn bị nguội khi đến tay họ.

Choi Tae-il, người sống ở Paju, cho rằng người dân Hàn Quốc nên thay đổi kỳ vọng đối với dịch vụ giao hàng. "Chúng ta nên chấp nhận việc quá trình giao hàng có thể mất trên 30 phút từ lúc đồ ăn được chuẩn bị tới khi xuất hiện trước cửa nhà bạn", anh nói.

Nhằm giải quyết những kỳ vọng bất hợp lý liên quan tới thời gian giao hàng, một số ứng dụng giao hàng giờ đây thông báo với khách rằng rằng đơn của họ có thể mất 40 đến 50 phút để giao.

Ngoài ra, trên mạng xã hội cũng bắt đầu chia sẻ những thông điệp từ khách hàng nói rằng nhân viên giao hàng "không cần vội" thay vì "xin hãy nhanh lên" như trước đây.

Dù vậy, mỗi ngày, trên đường phố Hàn Quốc, người ta vẫn dễ dàng nhìn thấy những chiếc xe máy giao hàng luồn lách, chạy rầm rầm trên cả lối đi dành cho người đi bộ nhằm phục vụ những chiếc bụng đói của khách hàng.

nhung nhan vien giao hang dua voi tu than Nhân viên giao hàng xâm hại tình dục khách nữ khiến người dân phẫn nộ
nhung nhan vien giao hang dua voi tu than Lừa đảo nhân viên giao hàng bằng chiêu "cho người thân xem hàng trước"

/ vnexpress.net