Cứ vài tháng, cậu bảo vệ cơ quan lại gọi tôi, báo “Bà khách của anh lại đến".
phận oan sai
Bà khách ấy là Phùng Thị Thu, nhân vật trong loạt bài của tôi hơn 10 năm trước.
Tôi gặp bà Thu lần đầu khi bà đang rửa bát thuê cho một hàng cơm ở Văn Điển. Tôi bị chú ý bởi bà cắt tóc ngắn, sơ mi trắng, áo vest xanh, dù áo quần đã cũ. Bà vốn là doanh nhân, một trong những chủ doanh nghiệp may gia công xuất khẩu đầu tiên ở Thái Bình, rồi phải ngồi tù hơn 5 năm vì một bản án oan.
Khi gặp tôi, bà mới được thả sau ba lần bị Viện Kiểm sát tỉnh Thái Bình truy tố về tội lừa đảo, nhưng toà không xử được bởi bản chất của sự việc là hợp đồng dân sự và không có nạn nhân. Bà Thu trở thành nhân vật của tôi trong suốt 5 năm, với hàng chục bài báo, cho đến khi bà được xin lỗi và đền bù những ngày ngồi tù oan.
Số tiền đền bù không giúp bà lấy lại được cơ nghiệp, không giúp bà lấy lại được một gia đình bỗng nhiên tan nát, không lấy lại được sức khoẻ đã suy sụp sau những năm tháng bị tù. Nhưng nó đủ giúp bà xây lại ngôi nhà nhỏ ở quê và chút vốn liếng để làm ăn nuôi thân. Hai năm sau, bà làm đám cưới cho cậu con trai út, tôi về chúc mừng. Nhìn bà mặc áo gấm đón con dâu mà vui. Với tôi, câu chuyện đến đó là kết thúc có hậu, và lẽ ra tôi đã không còn bận tâm nữa.
Nhưng một năm sau, bà Thu lại khăn gói lên Hà Nội, đợi tôi ở cổng cơ quan để kể việc vừa trả tiền tạm ứng cho một văn phòng luật sư. Bà đang theo đuổi việc đòi đền bù phần tài sản đã bị kê biên và bán đấu giá khi họ bắt oan bà. Quá trình đó, rất nhiều cơ quan tham gia, từ ủy ban nhân dân tỉnh, viện kiểm sát, công an, toà án, ngân hàng...
Đọc hồ sơ của bà, tôi biết đó là một hành trình vô vọng, nhưng tôi không thể nói. Bởi bà có một niềm tin mãnh liệt vào công lý sau khi được minh oan, nên vẫn sẽ miệt mài theo đuổi. Bởi sau khi minh oan thành công cho bà, tôi không thể nói với bà rằng đuổi theo công lý sẽ rất mệt mỏi. Tôi đành bất lực ngồi nghe mỗi lần bà tìm đến, say sưa kể đang làm gì cùng các luật sư.
Đôi ba tháng, bà Thu lên Hà Nội một lần. Bảo vệ ở cơ quan tôi cũng quen và thuộc câu chuyện của bà. Bà tìm tôi chỉ để nói rằng “chị sắp thành công rồi”, dù tôi biết mọi việc vẫn giẫm chân tại chỗ. Thỉnh thoảng, bà thông báo tìm ra một văn phòng luật sư mới vì đã thanh lý hợp đồng với luật sư cũ. Các luật sư theo nhau bỏ bà vì câu chuyện không có hồi kết, vì bà không thể có đủ tiền để chi phí cho họ đi đi lại lại trên con đường Hà Nội - Thái Bình đầy trạm BOT.
Không ai còn muốn nghe bà nói nữa, dù họ thương bà, và dù họ không thể tước đi niềm tin của bà vào công lý. Tôi cũng không thể làm gì, ngoài việc thỉnh thoảng giúi cho bà ít tiền tàu xe.
Bà Thu không phải nhân vật duy nhất của tôi đang đi tìm công lý. Ở Gia Viễn, Ninh Bình có một người đàn ông hơn 20 năm qua chỉ sống với mục đích duy nhất: Đòi lại danh dự và sự công bằng cho bản thân. Trong thời gian ấy, ông đã tiêu tốn gần 200 triệu đồng cho việc gửi đơn, thư kêu oan. Đó là con số mà ngành bưu chính có thể xác lập được kỷ lục về số tiền một cá nhân dùng để gửi thư.
Khi gặp tôi, Phạm Hồng Thái bảo “Tôi là đại gia của những nỗi oan trái”.
Cả thập kỷ những năm 1980 là quãng thời gian hạnh phúc nhất đời ông. Ông là đại phú xứ Đồng Chưa. Ông xây ngôi nhà cao nhất huyện, cứu đói cho dân làng sau trận lụt lớn, nhận bằng khen của Mặt trận Tổ Quốc cùng sự ngưỡng mộ của cả xứ.
Nhưng, danh tiếng, sự giàu sang dường như không hợp với tạng người chân chất hiền lành như ông. Vì muốn giúp dân chiêm trũng Gia Viễn quê mình đỡ cực khổ vì nửa năm ngập trong nước, ông ký rất nhiều hợp đồng xây dựng hạ tầng với các công ty khác ở quê nhà. Công việc đang tiến triển thuận lợi thì công an huyện đến bắt ông. Họ bảo ông phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN” và kết án 12 tháng tù.
Tòa án tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) sau đó xử lại và tuyên ông không phạm tội. Nhưng ông đã trắng tay. Tất cả công trình dở dang đều phải bỏ, không ngày nào không có người đòi nợ, vợ và bốn con nhỏ thiếu ăn, làng xóm khinh bỉ. Ông không được đền bù gì cũng như một lời xin lỗi.
Họ giống nhau khi vĩnh viễn mất trắng toàn bộ gia sản và tiếp tục đi đòi.
Những người như Phạm Hồng Thái, Phùng Thị Thu, đều gặp tôi khi họ mới gần 50. Giờ, họ đã trở thành những ông lão, bà lão. Họ là nạn nhân của một giai đoạn lịch sử đất nước những năm đầu Đổi mới. Thời điểm đó, khi xuất hiện những quan hệ kinh tế mới, đã có rất nhiều doanh nhân bị tù oan vì các quan hệ kinh tế, dân sự bị hình sự hóa. Có người được minh oan, có người không. Song, ngay cả những người được minh oan thì cuộc đời của họ cũng không thể bình thường trở lại.
Họ sống đời của những phận oan. Số phận của họ là số phận của những con người bị giày xéo vì sự ấu trĩ, vô cảm của những cơ quan tố tụng một thời.
Với các cơ quan tố tụng gây oan sai, xin lỗi xong là xong. Còn với những phận người oan ức ấy, mọi việc chỉ xong khi họ tìm thấy công lý một cách trọn vẹn; hoặc khi họ không còn tin công lý nữa.
Tuần này, tuần trước, trên báo lại thấy một vụ án oan. Tôi nhìn lại hành trình của những phận oan mình biết rồi tự hỏi: Phải thế nào thì mới “xong” một vụ án oan?
Các cơ quan tố tụng, sau lời xin lỗi, có bao giờ thực sự nghĩ đến điều đó?
"Người tù thế kỷ" Huỳnh Văn Nén chưa nhận được tiền bồi thường oan sai "Người tù thế kỷ" Huỳnh Văn Nén hiện chưa hề nhận được tiền bồi thường oan sai của mình. Ông Nén hiện đang phải sống ... |
Chủ vuông tôm ở Cà Mau bị bắt oan 9 tháng Sau 9 tháng bị giam oan, anh Chệch được hai cấp tòa ở Cà Mau tuyên vô tội nên người đàn ông này kiện cơ ... |
Kiểm điểm những người gây oan sai đã về hưu là sao? Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận thành lập Tổ công tác để thực hiện việc kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với tổ ... |